Multimedia Đọc Báo in

Tây Nguyên - Điểm đến du lịch văn hóa-sinh thái

07:51, 11/10/2016

Tây Nguyên hàm chứa kho tàng văn hóa đặc sắc, độc đáo và khác biệt nên đủ sức hấp dẫn và níu chân du khách thập phương. Đây cũng là lý do để Tổng cục Du lịch xếp Tây Nguyên vào “top 10” vùng trọng điểm du lịch, đóng vai trò động lực trong chiến lược phát triển ngành “công nghiệp không khói” của cả nước.    

Theo khảo sát của Tổng cục Du lịch mới đây, hầu hết các Công ty lữ hành trên địa bàn Tây Nguyên đã và đang khai thác tối đa, có hiệu quả các tour du lịch gắn kết với các giá trị văn hóa tiêu biểu như cồng chiêng, lễ hội, phong tục, tập quán sinh hoạt văn nghệ dân gian…Ví như tour tham quan Làng Văn hóa Kon K’lor, Đắk Rwa (Kon Tum); vùng đất huyền thoại và thơ mộng Buôn Đôn, Hồ Lắk (Đắk Lắk); Lang Biang, Lạc Dương (Lâm Đồng)… luôn được du khách trong nước và quốc tế lựa chọn như điểm đến nổi bật trên bản đồ du lịch Tây Nguyên hiện nay. Thêm vào đó, trong suốt chiều dài đấu tranh cách mạng hơn một thế kỷ qua cũng đã để lại cho vùng đất này hệ thống di tích có bề dày đáng kể để ngành du lịch khai thác, phát triển. Những “địa chỉ đỏ” như Plei Kần, Đắk Glei, Măng Đen, Đắk Tô - Tân Cảnh, Ngục Kon Tum (Kon Tum); Ngục Đắk Mil, Khu Di tích Anh hùng N’Trang Lơng (Đắk Nông); Làng Anh hùng Núp (Gia Lai); Nhà Đày Buôn Ma Thuột, Đèo Chuối, Giang Sơn, Đắk Tuor, Thuần Mẫn, Buôn Hồ (Đắk Lắk)… là nguồn “tài nguyên” quý giá, dồi dào để các doanh nghiệp cùng người dân địa phương kết nối tổ chức, xây dựng nhiều sản phẩm du lịch có lợi thế cạnh tranh nhằm thỏa mãn nhu cầu của nhiều đối tượng, thành phần trong xã hội. Nhiều người cho rằng, ngoài Tây Bắc ra thì Tây Nguyên là nơi thu hút khá đông du khách khắp mọi miền trở lại trải nghiệm với các tour du lịch “Trở lại chiến trường xưa”, “Mảnh đất hào hùng, “Uống nước nhớ nguồn” đang được các công ty lữ hành mở ra ngày càng nhiều và có ý nghĩa giáo dục truyền thống tích cực, nhất là đối với thế hệ trẻ hiện nay.    

Du khách trải nghiệm cưỡi voi tham quan Khu Du lịch Buôn Đôn.   Ảnh: Hoàng Gia
Du khách trải nghiệm cưỡi voi tham quan Khu Du lịch Buôn Đôn. Ảnh: Hoàng Gia

 Tây Nguyên còn là một vùng giàu tiềm năng rừng nguyên sinh với hệ sinh thái đa dạng, phong phú bậc nhất cả nước. Trên địa bàn này hiện có 6 vườn quốc gia và nhiều khu bảo tồn thiên nhiên quý giá như Vườn quốc gia Kon Ka King, Chư Mom Ray, Yok Đôn, Chư Yang Sin, Bidup -Núi Bà, Cát Tiên; các khu bảo tồn Ngọc Linh, Đắk Uy, Nam Ka, Ea Sô, Nam Nung… hiện đang được các tỉnh quy hoạch, xây dựng thành những khu du lịch sinh thái tầm cỡ, có sức hút lớn đối với du khách quốc tế. Ngoài ra, du lịch sinh thái (gọi chung là du lịch xanh) ở đây còn được biết đến qua những vùng chuyên canh cây công nghiệp thân thiện với môi trường, là những nông trường cà phê ở Đắk Lắk, những đồi chè Bảo Lộc, dâu tằm Di Linh-Lâm Đồng, rừng cao su Đắk Nông, những vườn hồ tiêu Chư Sê - Gia Lai gắn với sản phẩm nông nghiệp có chỉ dẫn địa lý vốn nổi tiếng trong và ngoài nước. Có thể nói, du khách đến trải nghiệm, khám phá những sản vật mang thương hiệu Tây Nguyên ấy cũng là hướng phát triển đầy tiềm năng đang mở ra cho ngành kinh tế du lịch ở đây trong thời gian tới.

Nếu xu hướng du lịch của thế giới đương đại là tìm về với thiên nhiên, xem đó như là một “thông điệp xanh” toàn cầu trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét như hiện nay, thì những cánh rừng, danh thắng và cuộc sống giàu bản sắc văn hóa người Tây Nguyên chính là “kho báu” đáp ứng đầy đủ và sinh động nhu cầu và lý tưởng đó.

Ông Nguyễn Văn Tuấn-Tổng Cục trưởng Tổng Cục du lịch

Thêm nữa, song song với lễ hội truyền thống của các tộc người thiểu số ở Tây Nguyên vốn được các doanh nghiệp ở các tỉnh trong khu vực đầu tư khai thác, phục vụ du khách như một “đặc sản” không thể thiếu trong “bữa tiệc du lịch văn hóa” đầy sắc màu, thì các lễ hội đương đại ở Tây Nguyên được xây dựng, hoàn thiện trong những năm gần đây như Festival Cồng chiêng Tây Nguyên, Festival Trà ở bảo Lộc, Festival Hoa Đà Lạt được tổ chức thường xuyên 2 năm một lần là dịp để giới thiệu, quảng bá với du khách bức tranh du lịch giàu gam màu, họa tiết trên vùng đất được xem là huyền thoại và mơ tưởng này. Thông qua các festival trên, chính quyền và những người làm du lịch địa phương đã biết kết hợp hài hòa với nhiều lễ hội truyền thống tiêu biểu (đua voi, cúng bến nước, ăn cơm mới, diễn tấu cồng chiêng...) nhằm tập hợp, thu hút các cộng đồng dân tộc thiểu số tại chỗ tham gia cùng du khách, tạo điều kiện và cơ hội để tất cả thành viên đoàn kết, gắn bó và giao lưu văn hóa với nhau, góp phần phát huy giá trị di sản văn hóa của các tộc người ở Tây Nguyên theo hướng bền vững.    

Biểu diễn các điệu múa của đồng bào dân tộc thiểu số là một hình thức thu hút khách du lịch tại Khu Du lịch Buôn Đôn.   Ảnh: Gia Thịnh
Biểu diễn các điệu múa của đồng bào dân tộc thiểu số là một hình thức thu hút khách du lịch tại Khu Du lịch Buôn Đôn.  Ảnh: Gia Thịnh

Để có bước đột phá nhằm thúc đẩy du lịch Tây Nguyên tăng tốc, xứng đáng với vai trò là ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu kinh tế toàn vùng, ngành du lịch các tỉnh cần phải hoạch định, xây dựng chiến lược phát triển đúng hướng và phù hợp với sự tham gia thống nhất, đồng bộ của các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương cùng sự hưởng ứng và đồng thuận của toàn xã hội trên các mặt thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng, bảo vệ cảnh quan môi trường, giữ gìn và bảo tồn các giá trị văn hóa… nhằm hiện thực hóa lộ trình đưa du lịch ở đây trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2030.      

Phương Đình


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.