Multimedia Đọc Báo in

Độc đáo sắc chàm trên trang phục người Nùng

08:31, 04/02/2018

Không sặc sỡ nhiều màu sắc, trang phục người Nùng chỉ duy nhất một sắc chàm với những đường nét đơn giản mà rất hài hòa. Dù ở bất cứ nơi đâu, nét đẹp văn hóa trong trang phục của người Nùng vẫn được họ gìn giữ và phát huy.

Trong căn nhà sàn gỗ truyền thống của người Nùng ở thôn 6A, xã Ea Wy, huyện Ea H’leo, bà Hoàng Thị Cao vẫn miệt mài với từng đường khâu để làm nên chiếc áo chàm. Dù đã gần 80 tuổi nhưng đôi mắt bà Cao vẫn sáng lắm. Tay vừa thoăn thoắt may những đường chỉ cuối cùng bộ trang phục truyền thống của người Nùng,  bà Cao vừa chia sẻ: “Dù đã gần 30 năm di cư đến vùng đất Ea Wy này, chúng tôi vẫn mặc lên trang phục dân tộc Nùng hằng ngày. Đó là cách tôi nhắc nhở con cháu, phải gìn giữ nét đẹp văn hóa của dân tộc mình”.

 Theo bà Cao, trước đây, để dệt được tấm vải chàm phải qua nhiều công đoạn và mất nhiều công sức. Cây bông sau khi đã được phơi thì kéo thành những sợi nhỏ, dai và chắc rồi mới đưa lên khung cửi để dệt nên những tấm vải. Công đoạn nhuộm vải chàm khó khăn hơn cả. Sau 3 lần nhuộm, vải được phơi khô và giặt sạch. Vải chàm tốt phải có sắc đen ánh tím và khi kéo phải chắc và bền. Để may 1 bộ đồ hoàn chỉnh thường mất từ 4 đến 5 ngày. Cách khâu của nam và nữ cũng có sự khác nhau. Theo cách mà bà Cao chia sẻ, trang phục của nữ đường khâu theo kiểu so le, đường chỉ thưa hơn; còn của nam thì đường chỉ dày và sát nhau hơn để thêm phần chắc chắn do người nam thường phải làm việc nặng.

Bà Hoàng Thị Cao cần mẫn khâu những bộ trang phục truyền thống người Nùng.
Bà Hoàng Thị Cao cần mẫn khâu những bộ trang phục truyền thống người Nùng.

Cất lên điệu hát then mượt mà, chị Hoàng Thị Lộc (thôn 8, xã Ea Đrông, thị xã Buôn Hồ) càng trở nên duyên dáng, đằm thắm hơn trong trang phục Nùng. Chị Lộc cho biết, trang phục của người Nùng có cách tạo hình không cầu kỳ, cả nam và nữ hầu như đều không có hoa văn trang trí. Áo của phụ nữ Nùng có ống tay rộng, cổ tay, cổ áo trang trí bằng một đường viền nhiều màu sáng nhưng màu chính vẫn là màu chàm, cài một hàng cúc bằng nút vải bên nách phải. Trang phục nam gồm có áo, quần, thắt lưng, khăn đội đầu. Cả nam và nữ đều mặc một loại quần nhuộm màu chàm, cạp to, ống rộng, dài tới tận mắt cá chân. Vào các ngày lễ hay trong những dịp biểu diễn hát then, việc mặc những bộ trang phục truyền thống của người Nùng là không thể thiếu. Để tăng thêm phần nền nã cho bộ trang phục, các bà, các cô thường thắt lưng bằng vải sáng màu, đeo vòng cổ, xà tích bằng bạc. Chị Lộc cho biết, vui nhất là trong những ngày chợ phiên hay các lễ hội đầu năm, các chàng trai cô gái đều xúng xính trong trang phục truyền thống. Lúc đó, mọi người đều có cảm giác như mình đang được sống ở quê hương Cao Bằng.

Hiện nay không còn nhiều người Nùng còn mặc trang phục truyền thống, nhất là giới trẻ vì sự giao thoa văn hóa với người Kinh. Nhưng khi những người như bà Cao, chị Lộc khoác lên mình sắc chàm truyền thống của người Nùng thì sự giản dị chân phương của bộ trang phục đó vẫn thể hiện được vẻ đẹp và nét đặc trưng không thể trộn lẫn với dân tộc nào.

Băng Châu


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.