Multimedia Đọc Báo in

Nghĩa cử cao đẹp của nhà sưu tầm Nguyễn Ngọc Ẩn

08:14, 29/03/2020

Vừa qua, Bảo tàng Đắk Lắk đã tiếp nhận, trưng bày hơn 800 tài liệu, hiện vật do 12 nhà sưu tập tư nhân hiến tặng, trong đó có gần 500 hiện vật do ông Nguyễn Ngọc Ẩn (phường Mũi Né, TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) hiến tặng.

Đây là các di vật, cổ vật lịch sử, văn hóa, gồm nhiều thể loại và chất liệu khác nhau như: bộ sưu tập trang sức (vòng, dây chuyền, bông tai), đồ dùng sinh hoạt (chén, dĩa)… Trong đó, nhiều cổ vật có niên đại rất sớm và thuộc các nền văn hóa như: Sa Huỳnh, Đông Sơn, Đồng Nai; nhiều cổ vật thuộc triều đại Lý, Trần, Lê, Mạc, Nguyễn, Chămpa…

Được biết, nhà sưu tập Nguyễn Ngọc Ẩn bắt đầu hiến tặng tài liệu, hiện vật từ năm 2014 đến nay với khoảng 70 lần hiến tặng lên đến hàng nghìn hiện vật tại các tỉnh, thành trong cả nước. Riêng năm 2019, ông đã tặng cho 13 đơn vị là các bảo tàng và trường đại học với khoảng 6.000 hiện vật. Nhiều đơn vị tiếp nhận từ 3 - 7 đợt hiến tặng cổ vật của ông sưu tập như: Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Chăm Bình Thuận 7 đợt, Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Chăm Ninh Thuận 3 đợt, Bảo tàng Bến Tre, Cần Thơ 3 đợt...

Ông Nguyễn Ngọc Ẩn (bìa trái) thuyết minh về hiện vật.
Ông Nguyễn Ngọc Ẩn (bìa trái) thuyết minh về hiện vật.

Chia sẻ về lý do thường xuyên tặng hiện vật cho các đơn vị, ông Ẩn cho hay, qua theo dõi báo chí, ông thấy điểm thi đại học môn lịch sử của các em học sinh rất thấp. Do đó ông nảy sinh ý muốn đưa những hiện vật lịch sử về các bảo tàng trong cả nước, đặc biệt là tặng cho các trường đại học đào tạo chuyên ngành về di sản, về lịch sử với mong muốn giúp các em có cơ hội tiếp cận môn lịch sử một cách sống động hơn, từ đó nảy sinh và nuôi dưỡng niềm đam mê với bộ môn này.

Ông Nguyễn Ngọc Ẩn vừa được UBND tỉnh Đắk Lắk tặng Bằng khen vì đã có nhiều đóng góp trong quá trình bảo tồn, gìn giữ di sản văn hóa và hiến tặng di sản văn hóa cho Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk.

Ông Ẩn có niềm đam mê đồ cổ từ rất sớm, ông tâm sự rằng từ năm lớp 6 đã mê lịch sử khảo cổ, nhất là khi xem những hình ảnh về người cổ đại dùng rìu đá để săn voi ma mút, ông càng hứng thú và tò mò tìm hiểu. Những câu hỏi liên tục được đặt ra, chưa tìm được câu trả lời thỏa mãn, cuối tuần ông bắt xe đò từ Mũi Né vào trung tâm Phan Thiết để mượn sách lịch sử khảo cổ tại Thư viện tỉnh Bình Thuận về đọc, cứ vậy nuôi dưỡng niềm đam mê sưu tầm, nghiên cứu cổ vật ngày càng lớn dần. Đến nay, qua gần 30 năm nghiên cứu và sưu tầm, ông Ẩn đã có một gia tài di vật, cổ vật quý qua các thời kỳ, được ông mua từ các nơi mang về. Ngoài số di vật, cổ vật đã hiến tặng, hiện nay tại nhà riêng, ông Ẩn xây dựng khu trưng bày di vật, cổ vật với hơn 40.000 hiện vật, sẵn sàng đón khách vào xem miễn phí. Đặc biệt, nhờ sự am hiểu về lịch sử, niên đại các hiện vật mà ông có thể thuyết minh cho mọi người biết về giá trị của mỗi món cổ vật.

Bộ sưu tập đồ dùng sinh hoạt do ông Nguyễn Ngọc Ẩn hiến tặng Bảo tàng Đắk Lắk.
Bộ sưu tập đồ dùng sinh hoạt do ông Nguyễn Ngọc Ẩn hiến tặng Bảo tàng Đắk Lắk.

Việc hiến tặng cổ vật của ông Ẩn và những nhà sưu tầm là một nghĩa cử cao đẹp, góp phần gìn giữ, sẻ chia và phát huy các giá trị di sản văn hóa của dân tộc. Đồng thời, cung cấp thêm những tư liệu lịch sử, hỗ trợ cho hoạt động nghiên cứu, tìm hiểu, học tập và tham quan của người dân.

Ông Đinh Một, Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết, sự đóng góp hiện vật của ông Ẩn nói riêng cũng như những nhà sưu tầm khác có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong công cuộc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của Đắk Lắk nói riêng và của đất nước nói chung.

Ánh Ngọc


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.