Multimedia Đọc Báo in

Kỷ niệm về một bài ca

14:03, 27/08/2020
Thầy tôi, Phó Giáo sư, nhạc sĩ Chu Minh là người gốc Hoa, sinh năm 1931 ở Hà Nội. Ông bắt đầu viết nhạc từ khi còn là một anh lính Vệ quốc đoàn trẻ tuổi, tham gia kháng chiến chống Pháp và sau này là chống Mỹ. 
 

 Nhạc sĩ Chu Minh từng là giảng viên, chủ nhiệm bộ môn Sáng tác – Lý luận ngay từ thời kỳ đầu (năm 1965) của Nhạc viện Hà Nội. Học trò ông ở khắp mọi miền đất nước, rất nhiều người thành công trên con đường nghệ thuật, có thể kể đến những tên tuổi như: Trần Tiến, An Thuyên, Đức Trịnh, Trương Ngọc Ninh, Ngọc Đại… Bên cạnh việc giảng dạy, Chu Minh còn là một nhạc sĩ chuyên viết giao hưởng, thể loại nhạc không lời lớn của âm nhạc kinh điển. Phó Giáo sư Chu Minh đã được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về cống hiến cho âm nhạc năm 2017.

Tác giả bài viết  và Phó Giáo sư, nhạc sĩ Chu Minh tại Đại hội  Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ IX.  (Ảnh tác giả  cung cấp)
Tác giả bài viết và Phó Giáo sư, nhạc sĩ Chu Minh tại Đại hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ IX. (Ảnh tác giả cung cấp)


Phó Giáo sư Chu Minh cũng viết nhiều ca khúc, nhưng có hai bài gắn liền với sự phát triển của âm nhạc Việt Nam, mà theo nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam “không phải là ca khúc thông thường, mà là thể loại thanh nhạc mới đậm tư duy khí nhạc với âm hưởng hùng ca - triết lý.

Đây là đóng góp lớn của Chu Minh với nền thanh nhạc Việt Nam. Không có ông góp giọng thì trong bản hòa ca dân tộc Việt thiếu hẳn chất bi hùng – trữ tình – hào sảng”. Bởi giọng hát và những lời ca ấy khi cất lên cùng dàn nhạc giao hưởng đã hòa quyện như một nhạc cụ trong cả dàn. Đó là hai ca khúc sống mãi cùng thời gian: “Người là niềm tin tất thắng” và “Ta tự hào đi lên, ôi Việt Nam” được viết ở hai giai đoạn lịch sử khác nhau của đất nước và đã trở thành các tác phẩm lớn trong nền âm nhạc cách mạng Việt Nam. Ngay sau khi Bác Hồ mất (năm 1969), ca khúc “Người là niềm tin tất thắng” đã được chọn phát trên sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam trong lễ truy điệu.
 
Khi đất nước thống nhất, ca khúc đầy hào sảng “Ta tự hào đi lên, ôi Việt Nam” được dàn nhạc giao hưởng Việt Nam biểu diễn tại thành phố mang tên Bác trong những ngày đầu sau ngày đại thắng 30-4-1975. Đúng như nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân nhận xét, ca khúc “Người là niềm tin tất thắng” chất chứa cả sự bi tráng lẫn anh hùng ca “Đất nước nghiêng mình, đời đời nhớ ơn/Tên Người sống mãi với non sông Việt Nam/Người sống trong muôn triệu trái tim. Hồ Chí Minh… Người là niềm tin tất thắng sáng ngời”.
Tôi có một kỷ niệm khó quên với ca khúc “Người là niềm tin tất thắng”.
 
Cuối năm 1969, Đại hội các dân tộc thiểu số Việt Bắc được tổ chức. Đoàn Ca múa Tây Nguyên được lệnh đến phục vụ Đại hội. Với một sự kiện như thế, ca khúc “Người là niềm tin tất thắng” tất nhiên có trong chương trình biểu diễn và tôi là người thể hiện. Thông thường thời ấy, một tiết mục hát đơn ca phải hát hai bài, nhưng để tôi có thể tập trung thể hiện tốt “điểm nhấn” của chương trình. Chỉ đạo nghệ thuật là nghệ sĩ Y Brơm yêu cầu tôi chỉ tập trung tốt cho ca khúc “Người là niềm tin tất thắng”.
 
Hội trường dã chiến dựng lên giữa rừng xanh đầy ắp người. Sắc màu đỏ, đen, xanh, vàng của cờ hoa và trang phục truyền thống các dân tộc làm ấm hẳn bóng đêm mênh mang se se lạnh của núi rừng. Những tiếng lao xao trao đổi của rất nhiều thổ ngữ. Chúng tôi múa, hát, tấu nhạc thật sự hết mình như chưa bao giờ được diễn như thế.
 
Khi tôi học thanh nhạc ở trường, thầy cô luôn dặn dò: “Hãy luôn hát bằng một trái tim nóng bỏng nhưng với cái đầu lạnh. Nghệ sĩ là người phải biết kiểm soát cảm xúc của mình”. Nhưng duy nhất trong đời, ngày hôm ấy tôi không làm được lời dặn dò ấy. Nỗi đau lớn lao vì Bác mất trong mọi trái tim người Việt Nam vẫn chưa nguôi, nhìn xuống hội trường, hát đến câu “Người là ước mơ của các dân tộc…”, tôi bỗng nghẹn ngào, không còn có thể cất tiếng nổi; rồi cứ thế đứng trào nước mắt trong sự im lặng đồng cảm sâu sắc từ trái tim của hàng trăm người. Đạo diễn cho người dìu tôi vào sau cánh gà. Ngồi trên thùng điện mà chân tay tôi vẫn run bần bật và sự thổn thức không nén lại được. Cho mãi đến gần cuối chương trình, tôi mới tự động viên, cả tự trách mình, để ra sân khấu hát trọn vẹn ca khúc với tình cảm đã được dồn nén. Có lẽ đấy là lần đầu tiên không ai bị kỷ luật vì làm hỏng đêm diễn.
 
Đã hơn 50 năm qua rồi nhưng mỗi lần tôi cất lên bài ca “Người là niềm tin tất thắng” vẫn vẹn nguyên cảm xúc rưng rưng như ngày ấy… 
Linh Nga Niê Kdăm

Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.