Multimedia Đọc Báo in

Về Đình Lạc Giao dự Lễ Tế Thu

11:52, 18/10/2020

Hằng năm, cứ vào ngày 16, 17-8 Âm lịch, đông đảo người dân lại tụ họp về Di tích Lịch sử - Văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao (TP. Buôn Ma Thuột) để tham gia Lễ Tế Thu, cầu mong một năm nhiều may mắn và thuận lợi.

Đình Lạc Giao là ngôi đình của làng người Kinh đầu tiên trên đất Buôn Ma Thuột vào những năm đầu thế kỷ 20. Ngày nay, Đình Lạc Giao là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh, tế lễ xuân, thu nhị kỳ, là nơi thờ cụ Đào Duy Từ, vị Thần Hoàng bản thổ, thờ cụ Phan Hộ vị tiền hiền, người có công khởi xướng thành lập làng Lạc Giao. Lễ Tế Thu hay còn gọi là Lễ Thu Tế thường được tổ chức với ước mong cầu cho quốc thái dân an, mùa màng bội thu, bình an sức khỏe, con em trong làng học hành đỗ đạt.

Lễ Tế Thu là hội làng, kéo dài hai ngày liên tục diễn ra các nghi lễ hương phát, rước thần, khao, chánh tế và có cả vui chơi văn nghệ. Phần lễ kết thúc là lúc người dân làng quây quần bên mâm cỗ, cùng nhau sẻ chia những món ăn ngon do các bà, các cô nấu nướng. Hội làng, vui nhất vẫn là sự đủ đầy của dân làng. Ai đi xa cũng háo hức trở về vào ngày Tế Thu, nhất là những người đi xa làm ăn mà phát đạt, thịnh vượng, con em công thành danh toại; theo tâm ý đó cũng một phần nhờ Thành hoàng che chở, phù hộ độ trì. Bởi vậy, đây chính là dịp để bà con tụ tập về tổ chức thật chu đáo, làm lễ dâng lên Thành hoàng vừa để báo công, vừa để tri ân, tạ ơn phù trì.

Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao (TP. Buôn Ma Thuột).
Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao (TP. Buôn Ma Thuột).

Năm Canh Tý 2020, tại Đình Lạc Giao, Lễ Tế Thu được diễn ra ngắn gọn, trong không khí nghiêm trang, gắn kết cũng mang ý nghĩa tích cực này. Những người dân quanh vùng, của ít, lòng nhiều, gửi một ít công đức để thờ cúng, ghi nhớ công ơn các vị tổ tiên. Đối với người dân TP. Buôn Ma Thuột, nét văn hóa đình làng này đã có từ rất lâu. Lễ hội thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó từ thuở hàn vi, sự đoàn tụ của người dân địa phương; bà con ôn lại ký ức xa xưa, một thời gian khó, nhớ về nguồn cội.

Đặc biệt, với những người tha hương, đến đây lập nghiệp, khi được nghe các bô lão kể về lịch sử ngôi đình trong phố đã ghi đậm dấu ấn lịch sử từ ngôi làng Lạc Giao thuở ban đầu thì càng ngưỡng mộ hơn nữa. Theo người lớn tuổi trong vùng, tên gọi đình là Lạc Giao chính là lời nguyền giao ước an cư lập nghiệp của đồng bào Kinh với đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ cùng chung lưng đấu cật để xây dựng vùng đất mới này. Đình Lạc Giao còn là nơi in đậm truyền thống cách mạng của đồng bào các dân tộc tỉnh Đắk Lắk…

Các vị bô lão  thắp  nén nhang  tưởng nhớ công ơn  các vị  hiền tiền  đã có công xây dựng đình.
Các vị bô lão thắp nén nhang tưởng nhớ công ơn các vị hiền tiền đã có công xây dựng đình.

Hơn hết, nhân dịp này, các thế hệ trẻ còn được các bậc cao niên truyền đạt kinh nghiệm làm ăn, đối nhân xử thế, sống có tôn ti, mẫu mực, tạo mối quan hệ chan hòa, đồng cảm, nhường nhịn lẫn nhau; được động viên học hành, làm người tốt... Từ những bài học có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thiết thực đó được áp dụng để xây dựng quê hương, xã, phường, thôn, xóm ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Ông Nguyễn Đình Hãn (đường Nguyễn Trung Trực, phường Thành Công, TP. Buôn Ma Thuột) cho biết: “Tôi năm nay đã 70 tuổi, chứng kiến nhiều sự đổi thay của cuộc sống, nhưng có một điều không hề thay đổi đó chính là sự hân hoan, mong chờ mỗi khi được tham gia Lễ Tế Thu tại Đình Lạc Giao. Tôi được gặp lại những người bạn tâm giao dù không hẹn trước, được ôn lại truyền thống tốt đẹp của làng nước, quê hương… Dù rằng, những năm gần đây thế hệ trẻ tham gia không được mặn mà, nhưng ít ra lễ hội vẫn được duy trì để các con, cháu thấy được sự tốt đẹp, sẻ chia của cộng đồng, từ đó có ý thức gắn bó, gìn giữ vốn văn hóa quê hương từ những điều đơn giản nhất.

Mai Sao


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.