Multimedia Đọc Báo in

Đoàn kết một lòng chống “giặc COVID” (kỳ 1)

08:13, 15/10/2021

Trong thử thách gian nguy của cuộc chiến chống “giặc COVID”, lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết của mọi giai tầng càng vững vàng, bền chặt. Khơi dậy, tập hợp và phát huy cao độ tinh thần, truyền thống ấy đã và đang tạo nên sức mạnh đẩy lùi dịch bệnh, đưa cuộc sống của nhân dân dần trở về trạng thái bình thường mới.

Kỳ 1: Chủ động thích ứng với tình hình

Tùy vào diễn biến của tình hình dịch bệnh COVID-19, Khối Dân vận, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đã linh hoạt trong công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp nguồn lực, chủ động thích ứng.

Thay đổi phương thức dân vận

Thời gian gần đây, dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, nhất là tại các buôn đồng bào dân tộc thiểu số. Số ca dương tính với SARS-CoV-2 là người dân tộc thiểu số chiếm trên 57% tổng số ca bệnh, số ca tử vong chiếm khoảng 60% tổng số ca tử vong do bệnh COVID-19 của toàn tỉnh. Nhiều buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ đã phát sinh các ca bệnh cộng đồng và trở thành “điểm nóng” của dịch nên chính quyền địa phương phải tổ chức phong tỏa, cách ly y tế và áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ để phòng, chống dịch.

Trước thực tế đó, Ban Dân vận các cấp không thể tổ chức các hoạt động phát động quần chúng, tuyên tuyền, vận động tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số với sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể địa phương, người có uy tín... như trước đây, mà phải thay đổi phương thức nắm bắt tình hình đời sống, tâm tư nguyện vọng của người dân.

Chốt kiểm soát dịch tại buôn Ea Nho (xã Cư Kpô, huyện Krông Búk) có sự tham gia, phối hợp của nhiều lực lượng.

“Chống dịch như chống giặc” đòi hỏi nguồn lực lớn cả về con người, cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư y tế, nhu yếu phẩm để thực hiện công tác phong tỏa, cách ly, truy vết, xét nghiệm, nhất là an sinh xã hội, chăm lo cho người bệnh, người dân khu vực phong tỏa, lực lượng tham gia chống dịch. Để thực hiện được điều này, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức và đứng ra làm “đầu mối” kết nối, tiếp nhận và phân phối các nguồn lực hỗ trợ một cách phù hợp, hiệu quả.

 

“Ban Dân vận, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã chủ động thay đổi nội dung, phương thức hoạt động phù hợp với tình hình dịch COVID-19, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động và thực hiện an sinh xã hội, góp phần quan trọng trong công tác phòng, chống dịch của địa phương”.

 
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Minh Tấn

Trong trận chiến này, bên cạnh kẻ thù vô hình là vi rút SARS-CoV-2, các thế lực thù địch, phần tử phản động, chống đối đã tăng cường hoạt động chống phá, đăng tải hoặc chia sẻ những bài viết, thông tin không đúng sự thật về công tác phòng, chống dịch, gây hoang mang, lo lắng. Do đó, cùng với sự đấu tranh của cơ quan chức năng rất cần sự tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội và vận động các tầng lớp nhân dân không tin, không nghe những luận điệu xuyên tạc.

Ứng biến linh hoạt

Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh H’Kim Hoa Byă cho biết: Công tác tuyên truyền và vận động luôn đi song hành với nhau nhằm “đem một việc gì đó nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm” như Bác Hồ đã chỉ dạy, từ đó thúc đẩy người dân thực hành các công việc nên làm, phải làm. Vì vậy, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, không thể thực hiện được các hoạt động tập trung đông người, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã chỉ đạo Ban Dân vận các cấp chủ động tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo thực hiện công tác dân vận của Đảng, đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.

Theo đó, Ban Dân vận các cấp đã phối hợp cùng MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức tôn giáo, chính quyền địa phương xây dựng các đội hình tình nguyện, tham gia ban chỉ đạo phòng, chống dịch hoặc tổ COVID-19 cộng đồng sẵn sàng thực hiện các phương án ứng phó, phòng, chống dịch... Đồng thời, chủ động bám sát cơ sở, địa bàn, nắm chắc tình hình các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là đối tượng yếu thế, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn... để kịp thời đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền trợ giúp.

Tại huyện Krông Búk, khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, một số xã, buôn đồng bào dân tộc thiểu số trở thành “vùng đỏ”, Ban Dân vận Huyện ủy đã phân công 5 thành viên đội công tác 253 huyện phụ trách 7 xã, trực tiếp tham gia công tác phòng, chống dịch của địa phương, rà soát, nắm bắt các trường hợp F0, F1 tại địa bàn. Đội công tác phối hợp với Khối dân vận các xã tham gia các tổ tuyên truyền – vận động; chủ động thành lập các nhóm Zalo nhằm cung cấp thông tin, nắm bắt kịp thời tình hình ở cơ sở, nhất là hoạt động chống phá, xuyên tạc, gây mất đoàn kết, trật tự xã hội.

Người dân buôn Ktơng Drun (xã Cư Né, huyện Krông Búk) test nhanh kháng nguyên để sàng lọc các trường hợp mắc COVID-19

Phó Ban Dân vận Huyện ủy, Đội trưởng Đội công tác chuyên trách 253 huyện Krông Búk Y Việt Knul cho biết, Ban Dân vận Huyện ủy đã chỉ đạo thành viên đội công tác các cấp và vận động 66 già làng, người có uy tín, lực lượng cốt cán tham gia các đội tuyên truyền lưu động, các chốt phòng, chống dịch của xã, tổ dân vận thôn, buôn và các tổ COVID-19 cộng đồng để vận động nhân dân chống dịch hiệu quả từ gia đình, khu dân cư, thực hiện nghiêm quy định giãn cách xã hội. Công tác tuyên truyền được thực hiện bằng cả tiếng phổ thông và tiếng dân tộc nên đạt hiệu quả cao.

Không chỉ Khối dân vận, mà MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đã chủ động vào cuộc, triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng, chống dịch và vận động nguồn lực để chăm lo công tác an sinh xã hội. Thông qua việc phát động và triển khai Chương trình “Toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch bệnh COVID-19”, đến cuối tháng 9-2021, MTTQ tỉnh đã tiếp nhận trên 33,3 tỷ đồng và hàng hóa, nhu yếu phẩm, vật tư y tế hỗ trợ thực hiện công tác phòng, chống dịch. Các tổ chức chính trị - xã hội đã phát động và thực hiện nhiều hoạt động, chương trình thiết thực.

Chẳng hạn như: “Siêu thị 0 đồng”, “Suất ăn 0 đồng”, “Tổ COVID-19 cộng đồng”, “Tổ xung kích, tình nguyện tham gia phòng, chống dịch COVID-19”, “Hỗ trợ mua hàng thiết yếu cho nông dân”, “Tổ hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân”, “Tuần lễ cao điểm chung tay phòng, chống khắc phục thiệt hại đại dịch COVID-19”... Qua đó, đã huy động được trên 32 tỷ đồng cùng nhiều nhu yếu phẩm, gạo, rau củ quả, thức ăn chăn nuôi, vật tư y tế hỗ trợ lực lượng tham gia công tác phòng, chống dịch và người dân.

(Còn nữa)

Kỳ 2: Những mô hình hay, cách làm hiệu quả

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.