Multimedia Đọc Báo in

Phan Đăng Lưu - nhà báo cách mạng

16:08, 24/05/2022

Đồng chí Phan Đăng Lưu sinh ngày 5 tháng 5 năm 1902 ở thôn Đông, xã Tràng Thành (nay là xã Hoa Thành), huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.

Ngay từ nhỏ, Phan Đăng Lưu nổi tiếng về sự hiếu học, thông minh, mẫn tiệp hơn người. Tư chất đó giúp cậu học trò họ Phan sớm bộc lộ phẩm chất của một tài năng về sự nghiệp bút nghiên và trở thành người cộng sản kiên trung, một nhà báo sắc sảo, giàu nhiệt huyết.

Tranh thủ sức mạnh của báo chí

Khoảng cuối năm 1927 đầu 1928, để tuyên truyền tư tưởng xã hội chủ nghĩa và tư tưởng dân chủ mới, Đào Duy Anh và lãnh đạo Đảng Tân Việt ở Huế thành lập Nhà sách Quan hải Tùng thư. Trên cương vị là Thường vụ Tổng bộ phụ trách tuyên truyền, Phan Đăng Lưu - với kiến thức Hán học uyên thâm và vốn Pháp ngữ tinh tế đã dịch và biên soạn nhiều tư liệu quý như: “A.B.C Chủ nghĩa Mác”, “Dân chủ mới”; dịch các cuốn “Xã hội luận”, “Lược sử các học thuyết kinh tế”… Các cuốn sách, bài báo của Phan Đăng Lưu và các tác gia ở Quan hải Tùng thư góp phần thức tỉnh nhiều thanh niên, học sinh yêu nước, phục vụ đắc lực cho công tác tuyên truyền chủ nghĩa Mác.

Đồng chí Phan Đăng Lưu (1902 – 1941).

Cuối năm 1929, Phan Đăng Lưu bị mật thám bắt tại Hải Phòng, sau đó đày lên Nhà đày Buôn Ma Thuột. Nhận rõ tình hình, nhiệm vụ lúc này, ông lập ra tờ “Doãn Đê tuần báo”. Tờ báo viết tay bí mật ra hằng tuần, vừa là công cụ giác ngộ binh lính người Êđê, vừa là tài liệu tuyên truyền nội bộ. Các bài viết ngắn gọn, đơn giản, nói lên nỗi nhục mất nước; về quan hệ gắn bó giữa người Êđê và người Kinh trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Sau đó, Phan Đăng Lưu tiếp tục chủ trương viết báo bằng cả tiếng Việt, tiếng Pháp, phòng khi có người được ra tù hoặc qua đường dây bí mật gửi đăng ở các báo, tố cáo chế độ nhà tù, kêu gọi dư luận bên ngoài hỗ trợ cuộc đấu tranh của tù nhân. Một số ít bài báo của ông đã lọt ra ngoài, tạo nên cơn địa chấn dư luận, thức tỉnh lương tri và là lời tố cáo đanh thép về sự hà khắc, dã man của chính quyền thực dân xâm lược.

Linh hồn của những tờ báo đấu tranh dân chủ

Năm 1936, sau khi được trả tự do, Phan Đăng Lưu được bổ sung vào Xứ ủy Trung Kỳ, được Đảng phân công phụ trách phong trào đấu tranh công khai, bán công khai ở Huế - trung tâm đầu não của thực dân Pháp và bọn phong kiến Nam triều. Với nhãn quan chính trị sáng suốt, tài năng nhiều mặt, đồng chí Phan Đăng Lưu đã thể hiện rõ vai trò là linh hồn trong cuộc đấu tranh đòi dân sinh dân chủ ở Huế, góp phần đưa phong trào trở thành một cao trào cách mạng sôi nổi, rộng khắp trong quần chúng. Đồng chí đã vận dụng linh hoạt chủ trương của Đảng, sử dụng diễn đàn đấu tranh công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong đó báo chí và văn học nghệ thuật được coi là phương tiện hiệu quả nhất. Tên tuổi Phan Đăng lưu gắn liền với mặt trận báo chí và những tờ báo: Sông Hương tục bản, Dân, Dân tiến, Dân muốn…

Sau khi báo Nhành Lúa và Kinh tế Tân văn bị cấm phát hành, Xứ ủy Trung Kỳ không còn báo chí trong tay làm vũ khí đấu tranh công khai, hợp pháp. Trước tình hình ấy, các đồng chí Xứ ủy chủ trương mua lại tờ báo Sông Hương của Phan Khôi, và vẫn giữ nguyên tên báo, thêm hai chữ “tục bản” (Sông Hương tục bản) vì báo nghỉ đã lâu, nay ra lại. Đồng thời vẫn giữ nguyên tên người sáng lập là Phan Khôi để giữ thế hợp pháp mà không cần xin phép chính quyền. Chủ nhiệm là Nguyễn Cửu Thạnh, một nhân sĩ dân chủ, có cảm tình với Đảng; Ngô Đức Mậu được phân công làm thư ký tòa soạn. Tòa soạn đặt tại số 68 Jules Ferry, Huế. Thực chất tờ Sông Hương tục bản trở thành cơ quan ngôn luận của Xứ ủy Trung Kỳ và Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế, đặt dưới sự chỉ đạo, điều hành trực tiếp của đồng chí Phan Đăng Lưu.

Ngày 19/6/1937, Sông Hương tục bản ra số đầu tiên và được đông đảo các tầng lớp nhân dân hưởng ửng. Ngoài vai trò chỉ đạo, Phan Đăng Lưu còn tham gia viết các mục bình luận, xã luận, tiểu phẩm… Trong tờ báo này có mục “Chiếu điện” của tác giả Nghị Toét (bút danh của đồng chí Phan Đăng Lưu) vạch mặt, chỉ tên bọn tay sai bán nước, hại dân. Sông Hương tục bản ra được 14 số (từ ngày 19/6 đến ngày 14/10/1937) thì bị chính quyền thực dân thu hồi giấy phép.

Báo Sông Hương tục bản (số 1, ra ngày 19/6/1937). Ảnh tư liệu

Trước tình hình đó, Xứ ủy Trung Kỳ tìm cách ra các tờ báo khác để tiếp tục đấu tranh và vận động các nhà báo, nghị viện dân biểu tiến bộ đứng tên xin phép nhà cầm quyền ra tờ báo công khai lấy tên là Dân. Đồng chí Lê Duẩn, Bí thư Xứ ủy đã chỉ thị việc xuất bản báo Dân và giao cho đồng chí Phan Đăng Lưu trực tiếp chỉ đạo. Báo Dân được xuất bản thứ tư hằng tuần tại Huế, do Nguyễn Đan Quế quản lý, đồng chí Phan Đăng Lưu, Xứ ủy viên Xứ ủy Trung Kỳ chỉ đạo biên tập. Tòa soạn báo đặt tại số 11, Doudart de Lagreé, Huế. Báo Dân tồn tại được 3 tháng, ra được 17 số. Số đầu tiên ra ngày 6/7/1938, cho đăng nhiều bài phản ánh nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân đòi cải cách thuế khóa, tự do dân chủ, đòi thả tù chính trị, tự do thành lập Hội ái hữu và nghiệp đoàn; đồng thời vạch trần bộ mặt thối nát của chế độ thực dân phong kiến. Số cuối là số 17 ra ngày 7/10/1938 thì bị chính quyền thực dân tịch thu giấy phép với lý do phản đối dự án tăng thuế của chính phủ.

Không chịu bó tay và cũng không cần xin phép chính quyền thực dân Pháp, đồng chí Phan Đăng Lưu chỉ đạo ra tiếp tờ Dân Tiến xuất bản thứ năm hằng tuần tại Sài Gòn. Danh nghĩa báo là cơ quan Liên hiệp các lực lượng cấp tiến nhưng thực chất là của Xứ ủy Trung Kỳ. Báo được biên tập ở Huế, in và phát hành tại Sài Gòn. Báo Dân Tiến ra tuyên ngôn: “Dân là dân, tiến là tiến tới. Dân tiến là dân tiến tới, dân cứ đi mãi. Dân có bị giết chết, bị tù, bị phạt, bị đói… dân vẫn cứ sống, vẫn cứ tới”… Báo ra được 5 (số 1 ra ngày 27/10/1938; số cuối - số 5 ra ngày 22/12/1938) thì bị đóng cửa.

Lần nữa, Xứ ủy Trung Kỳ cùng đồng chí Phan Đăng Lưu cho ra tiếp tờ báo mang tên Dân Muốn, vẫn biên tập ở Huế, in và phát hành ở Sài Gòn. Báo ra được 2 số thì bị đình bản (số 1 ra ngày 20/12/1938, số cuối ra ngày 25/1/1939).

Trong giai đoạn này, đồng chí Phan Đăng Lưu thực sự là linh hồn của những tờ báo đấu tranh đòi quyền dân sinh – dân chủ, là hạt nhân đoàn kết, tập hợp lực lượng báo giới, hướng dẫn họ đi về với quần chúng lao khổ.

Nguyễn Đình Dũng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.