Multimedia Đọc Báo in

Khát vọng Lý Sơn

16:49, 26/09/2024

Tôi trở lại Lý Sơn (Quảng Ngãi) sau mấy năm, huyện đảo thay đổi quá nhiều. Dễ thấy nhất là từ lúc toàn huyện chỉ có vài khách sạn, nay thì đã có mấy chục khách sạn mọc lên cùng hàng trăm nhà nghỉ, homestay.

Lý Sơn trước đây được gọi là cù lao Ré mà theo cách lý giải của dân gian là “cù lao có nhiều cây ré”; là huyện đảo duy nhất của Quảng Ngãi, cách đất liền 15 hải lý. Hiện tại, mỗi ngày đang có hàng chục chuyến tàu khách cao tốc, siêu tốc ra vào Lý Sơn từ cảng Sa Kỳ.

Lịch sử đảo Lý Sơn gắn liền với các khối cộng đồng cư dân đã sinh sống trên đảo từ hàng nghìn năm trước. Ba lớp cư dân Sa Huỳnh - Chăm Pa - Việt đã gắn bó chặt chẽ với sự hình thành và phát triển của đảo tiền tiêu. Họ đã bảo vệ chủ quyền hòn đảo và để lại nhiều di sản văn hóa vô cùng giá trị, đến nay vẫn được bảo tồn và phát huy. Ngày 1/1/1993, huyện Đảo Lý Sơn chính thức được thành lập. Vai trò quan trọng đặc biệt của đảo tiền tiêu Lý Sơn về kinh tế - xã hội và chiến lược an ninh quốc phòng được khẳng định từ lâu…

Cư dân Lý Sơn hôm nay ngày càng ý thức được tiềm năng, lợi thế của vùng đất này, cùng chung tay góp sức xây dựng huyện đảo phát triển.

Buổi sáng ở cầu cảng Lý Sơn.

Ngư dân Trần Minh Khải (ở xã An Vĩnh, Lý Sơn) đang điều hành tàu cá 90CV và vợ ở nhà làm 2 sào tỏi. Anh Khải bộc bạch: “Vùng biển Hoàng Sa là ngư trường truyền thống của người dân Lý Sơn, cá nhiều lắm. Ở đây, ngư dân và lực lượng biên phòng luôn phối hợp chặt chẽ để bảo đảm an toàn đánh bắt. Chủng loại phong phú, chất lượng của hải sản Lý Sơn thì khó đâu sánh bằng. Ngư dân Lý Sơn luôn sống khỏe với việc đánh bắt xa bờ, gần bờ. Khi du khách đến Lý Sơn càng nhiều thì hải sản biển và hành, tỏi bán tại chỗ tăng mạnh, cuộc sống của người Lý Sơn càng được nâng cao…”.

Ở Lý Sơn, tôi gặp đôi vợ chồng trẻ Phạm Văn Công và Nguyễn Thị Mỹ Yến, với khát khao xây dựng thương hiệu “Tỏi sạch Lý Sơn”. Quen nhau từ giảng đường đại học, tốt nghiệp xong là cặp đôi này trở lại quê nhà Lý Sơn để khởi nghiệp bằng mô hình trồng tỏi an toàn.

“Giống tỏi truyền thống Lý Sơn đã vang danh về giá trị, chất lượng. Thế nhưng hiện tại, người dân vẫn chưa hướng nhiều đến phương thức canh tác an toàn. Chưa kể, nhiều loại tỏi từ “đất liền” được đưa ngược ra để “trà trộn” tỏi Lý Sơn. Ước mong của vợ chồng tôi là tỏi Lý Sơn phải được canh tác theo phương thức hữu cơ, an toàn tuyệt đối cho người tiêu dùng và người sản xuất. Tôi vừa làm, vừa tác động đến nông dân huyện đảo hướng ý thức sản xuất nông sản sạch”, Công tâm sự.

Năm 2016, vợ chồng Công đầu tư gần 100 triệu đồng để trồng 2.000 m2 tỏi theo phương thức canh tác an toàn. Sản xuất tỏi theo cách này chi phí tăng khoảng 20% và sản lượng thì sụt giảm khoảng 30% so với cách trồng thông thường. Thế nhưng thành quả lớn nhất là tỏi sạch. Bên cạnh đó, vợ chồng Công còn trồng gối vụ hành củ Lý Sơn, một sản phẩm cũng nổi tiếng không kém tỏi Lý Sơn. Tiếp đó, gia đình anh vét vốn thành lập doanh nghiệp Dori, vừa sản xuất, vừa phân phối các đặc sản sạch của Lý Sơn.

Du khách thăm đảo Bé, Lý Sơn.

Tại trung tâm đảo Lý Sơn lúc này, cửa hàng mang thương hiệu Dori có phong cách trưng bày, kinh doanh rất khác biệt với thông điệp “Khát vọng Lý Sơn”. Cửa hàng chỉ vài chục mét vuông nhưng lượng khách đến mỗi ngày rất đông. Vợ chồng anh cũng vừa đầu tư hàng trăm triệu đồng để xây dựng nhà xưởng chế biến tỏi đen và các sản phẩm từ hành, tỏi. Một showroom mới của Dori đã khai trương tại cảng Bến Đình, Lý Sơn. Doanh nghiệp Dori còn nhận được các đơn hàng thường xuyên từ Nhật Bản nhập mua các sản phẩm đặc sản hành, tỏi Lý Sơn.

“Phải làm kiên trì từng việc nhỏ để du khách tin tưởng và trở lại Lý Sơn. Tôi mong Lý Sơn phát triển nhanh nhưng phải chắn chắn, bền vững. Trong đó có việc góp công sức tạo một thương hiệu tin cậy, mạnh mẽ cho đặc sản Lý Sơn”, Phạm Văn Công khẳng định.

Hùng Phiên


Ý kiến bạn đọc