Singapore chuẩn bị cho một xã hội siêu… già
Theo Báo cáo tóm tắt dân số hằng năm do Văn phòng Thủ tướng Singapore công bố mới đây, tính đến tháng 6/2024, gần 1 trong 5 người Singapore (19,9%) ở độ tuổi từ 65 trở lên.
Nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu và Giáo dục lão khoa thuộc Trường Y Duke - NUS lưu ý: Việc giải quyết tình trạng lão hóa đã trở nên cấp thiết hơn khi Singapore dự kiến sẽ đạt tình trạng "siêu già" vào năm 2026, vì hơn 1 trong 5 người dân ở đây dự kiến sẽ từ 65 tuổi trở lên; đến năm 2030, cứ 4 người Singapore thì có 1 người từ 65 tuổi trở lên…
Singapore đang triển khai các giải pháp để hỗ trợ một xã hội đang già hóa nhanh chóng, với quan điểm tư duy về già hóa phải thay đổi để người già không cảm thấy mình là gánh nặng cho gia đình.
Từ năm 2023, Bộ Y tế Singapore (MOH) đã triển khai Kế hoạch hành động mới cho quá trình lão hóa dân số với 3 mục tiêu chính: Trao quyền cho người cao tuổi để chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần của họ; Cho phép người cao tuổi tiếp tục đóng góp kiến thức và chuyên môn của mình và vẫn tham gia vào xã hội; Hỗ trợ người cao tuổi duy trì kết nối với những người thân yêu và xã hội. Kế hoạch cũng bao gồm các sáng kiến và mục tiêu chính do chính quyền đặt ra khi họ đẩy nhanh tốc độ xây dựng các kết cấu hạ tầng thân thiện với người cao tuổi.
Tăng cường hạ tầng cơ sở thân thiện với người cao tuổi là một trong những ưu tiên chăm sóc người cao tuổi tại Singapore (Nguồn: Redcrowns). |
Ngoài việc xây dựng các cơ sở thân thiện với người cao tuổi, Singapore cũng đang thiết lập sự hỗ trợ xã hội và mạng lưới an toàn mạnh mẽ hơn cho người cao tuổi. Chẳng hạn, vào tháng 11/2023, chính quyền đã khởi động Age Well SG - một chương trình quốc gia cung cấp các phương tiện đi lại, các sáng kiến kết bạn và hỗ trợ cho những người chăm sóc người cao tuổi…
Cùng với đó, đất nước này cũng đang cải thiện thái độ của xã hội đối với người cao tuổi và quá trình lão hóa để tạo nên một quốc gia thân thiện hơn với người cao tuổi. Điều này bao gồm việc giải quyết thái độ phân biệt tuổi tác và sự phân biệt đối xử đối với người cao tuổi – cho dù là nội tại trong cách họ nhận thức về bản thân và quá trình lão hóa, hay trong cách nhìn nhận của dân số nói chung về những người cao tuổi trong cộng đồng của họ.
Tiến sĩ Carol Ma, người đứng đầu chương trình lão khoa tại Đại học Khoa học Xã hội Singapore (SUSS) cho biết, “lão hóa có hiệu quả” có thể diễn ra dưới nhiều hình thức, chẳng hạn như: người cao tuổi tham gia chăm sóc cháu, duy trì hoạt động xã hội với bạn bè hoặc làm tình nguyện. Để giúp người cao tuổi sống có mục đích trong khả năng của mình, tổ chức phi lợi nhuận TOUCH Community Services đã linh hoạt trong việc tạo ra và điều chỉnh các vai trò tình nguyện của mình theo sở thích và khả năng khác nhau của những người cao tuổi.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cho biết giáo dục công chúng và phương tiện truyền thông xã hội cũng có thể giúp định hình lại quá trình lão hóa theo hướng tích cực hơn đối với những người trẻ tuổi. Cần giáo dục công chúng về quá trình lão hóa, tự chăm sóc và có các cuộc thảo luận cởi mở về các chủ đề như bệnh tật, chăm sóc và chăm sóc cuối đời. Khi mọi người chấp nhận và coi quá trình lão hóa là một quá trình tự nhiên, họ có thể tiếp cận nó với ít sợ hãi và tiêu cực hơn và giúp họ duy trì những năm cuối đời vui vẻ, giảm gánh nặng cho gia đình, xã hội.
Khắc Nam (Theo CNC)
Ý kiến bạn đọc