Multimedia Đọc Báo in

Cần phát triển, hoàn thiện hệ thống logistics

07:15, 16/11/2021

Sự tác động của logistics đến hoạt động của doanh nghiệp (DN) sản xuất và xuất khẩu là rất rõ ràng. Vì thế, việc phát triển, hoàn thiện hệ thống logistics trên địa bàn tỉnh trở thành nhu cầu rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay để nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Không thể chần chừ

Đắk Lắk có thế mạnh ở các sản phẩm nông sản, phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Với hơn 10.000 DN đang hoạt động, trong đó 21 DN có hoạt động xuất khẩu thường xuyên nên nhu cầu về logistics để phục vụ vận chuyển, giao thương hàng hóa là rất lớn. Tuy nhiên, theo Sở Công thương, trên địa bàn tỉnh chưa có DN đủ các điều kiện hoạt động logistics đồng bộ về quy mô vận chuyển, nhân lực, kho tàng, bến bãi… đáp ứng các nhu cầu của thị trường.

Thời gian qua, DN của tỉnh phải chịu thêm các chi phí vận chuyển hàng hóa, lưu kho… phục vụ hoạt động xuất khẩu. Do đó, việc đầu tư phát triển hạ tầng logistics được nhiều DN mong chờ. Ông Huỳnh Ngọc Dương, Phó Giám đốc Sở Công thương cho rằng, khi dịch COVID-19 đang gây nên nhiều tác động khó lường khiến việc lưu thông hàng hóa bị tắc nghẽn thì càng khẳng định vai trò của ngành logistics trong việc phát triển sản xuất, xuất nhập khẩu và thương mại. Hiện nay, các DN của Đắk Lắk đang phải thuê, xây dựng kho bãi tại các tỉnh thành như Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh… để tập kết hàng hóa, dẫn đến giá thành sản phẩm cao, khó cạnh tranh.

Vận chuyển hàng hóa phục vụ xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển An Thái (Ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch COVID-19).

Nhiều DN cho rằng, Đắk Lắk cần có trung tâm logistics để kết nối chuỗi vận tải xuất khẩu, giảm chi phí cho DN và giúp hoạt động vận chuyển hàng hóa, nhất là xuất khẩu trở nên đồng bộ và chuyên nghiệp hơn. Ông Nguyễn Xuân Lợi, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển An Thái chia sẻ, gặp khó khăn trong vấn đề logistics khiến hàng hóa phải chờ lâu hơn, DN phải "gánh" thêm nhiều chi phí. Hơn nữa, thời gian vận chuyển kéo dài là bất lợi đối với mặt hàng nông sản và giảm lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm xuất khẩu. Xây dựng trung tâm logistics trên địa bàn sẽ góp phần giảm thiểu chi phí trong sản xuất, rút ngắn thời gian, bảo đảm đúng giao kết hợp đồng với đối tác.

 

“Dịch vụ logistics là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công đoạn bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan tới hàng hóa theo thỏa thuận với khách hàng để hưởng thù lao” (Điều 233 Luật Thương mại Việt Nam năm 2005).

Tạo điều kiện thuận lợi để logistics phát triển

Trên thực tế, Đắk Lắk có nhiều tiềm năng để phát triển logistics khi nằm ở vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên. Đắk Lắk cũng được định hướng sẽ trở thành trung tâm logistics của vùng Tây Nguyên để gắn kết, là trọng điểm phát triển kinh tế, đầu mối giao thông quan trọng, động lực thúc đẩy cả vùng Tây Nguyên và duyên hải miền Trung. Tại Quyết định số 249/QĐ-TTg, ngày 13-2-2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung TP. Buôn Ma Thuột đến năm 2025, trung tâm logistics khu vực Tây Nguyên sẽ đặt tại xã Hòa Thắng và xã Ea Tu, với diện tích 336 ha.

Xác định phát triển logistics là một ngành kinh tế quan trọng, tạo đà cho hoạt động xuất khẩu và tác động lớn đến các ngành kinh tế khác, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 898/QĐ-UBND, ngày 19-4-2021 về việc phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021 - 2025. Kế hoạch đề ra là từng bước hoàn thiện các cơ chế quản lý nhà nước ở địa phương, bao gồm: các chính sách hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics, ưu tiên quỹ đất cho phát triển dịch vụ logistics, chính sách đầu tư, cải cách hành chính, đẩy mạnh công tác phối hợp của các sở, ban, ngành trong chuỗi dịch vụ logistics; đào tạo nhân lực chuyên nghiệp, trình độ cao, ứng dụng các công nghệ mới vào hoạt động logistics, góp phần thúc đẩy phát triển dịch vụ này phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Theo kế hoạch, trước mắt, tỉnh tập trung kêu gọi đầu tư xây dựng, phát triển trung tâm logistics trên Quốc lộ 26, với quy mô diện tích 82 ha. Trong kế hoạch, tỉnh cũng hỗ trợ kinh phí đào tạo nhân lực cho DN làm dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nhận thức và chất lượng nguồn nhân lực cho đội ngũ cán bộ, quản lý và người lao động trong các cơ quan, đơn vị và DN về lĩnh vực logistics. Đồng thời, khuyến khích và thu hút các thành phần kinh tế đầu tư phát triển giáo dục nghề nghiệp liên quan đến logistics; tổ chức công tác điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động trên địa bàn tỉnh về ngành dịch vụ này…

Vận chuyển nông sản xuất khẩu tại Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk.

Mới đây, Đắk Lắk đã lựa chọn được DN tài trợ lập quy hoạch 1/500 xây dựng trung tâm logistics tại TP. Buôn Ma Thuột. Theo Sở Công thương, để thúc đẩy hình thành sớm trung tâm logistics tại Đắk Lắk thì cần phải có các cơ chế đặc thù ở lĩnh vực này. Trên cơ sở đó, Sở đã có đề xuất điều chỉnh dự án Cảng cạn ICD và phát triển hạ tầng logistics được hưởng ưu đãi như đối với dự án thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư vào địa bàn đặc biệt khó khăn.

“Nếu hình thành được trung tâm logistics tại địa phương sẽ giúp DN tiết giảm được nhiều chi phí, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm. Thay vì vận chuyển hàng hóa đi xa, DN xuất khẩu của tỉnh sẽ xây dựng các kho, bãi tại chỗ và đóng hàng xuất đi, sẽ thuận lợi hơn rất nhiều”, ông Huỳnh Ngọc Dương khẳng định.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.