Multimedia Đọc Báo in

Bảo đảm nguồn nhân công lao động sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán

08:33, 10/02/2022

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 dài ngày, hiện hầu hết doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu hoạt động trở lại. Người lao động có mặt đông đủ đi làm vào ngày đầu năm mới và nhanh chóng bắt nhịp sản xuất.

Công ty Cổ phần Thép Đông Nam Á (Khu công nghiệp Hòa Phú) là một trong những DN có đông lao động nhất của tỉnh, với 850 người.

Ông Nguyễn Minh Hải, Trưởng Phòng Hành chính - Nhân sự công ty cho hay, ngày làm việc đầu tiên sau Tết vào mồng 8 âm lịch, 100% người lao động có mặt. Công ty cũng đã xuất thành công đơn hàng đầu tiên hơn 1.000 tấn thép ra thị trường ngoại tỉnh. Một tín hiệu vui là vừa ra Tết năm nay, các đơn hàng đầu năm khá dồi dào, do đó công ty nhanh chóng bắt tay vào ổn định sản xuất để kịp tiến độ các đơn hàng.

Theo đó người lao động có cơ hội làm việc hết công suất và thu nhập tốt, ổn định ngay từ đầu năm. Lao động ở công ty hầu hết là người địa phương, chỉ 20% là lao động ngoại tỉnh. Đối với người lao động ở xa, về quê ăn Tết cũng thu xếp để trở lại địa phương vào ngày mồng 5 sẵn sàng tinh thần cho ngày làm việc đầu tiên của năm mới. Công ty thực hiện test nhanh COVID-19 cho toàn thể cán bộ, nhân viên trước khi vào ca làm việc đầu năm.

Sản xuất thép tại Công ty Cổ phần Thép Đông Nam Á.

Tại Nhà máy bia Sài Gòn Đắk Lắk, 100% công nhân đã quay trở lại làm việc, tiến độ sản xuất nhanh chóng bắt nhịp lại như ngày thường. Ông Huỳnh Văn Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn - miền Trung kiêm Giám đốc Nhà máy Bia Sài Gòn - Đắk Lắk cho biết, lao động của công ty đa số ở lại địa phương, một số ít về quê ăn Tết nhưng đã có mặt đầy đủ để làm việc bình thường vào ngày mồng 7 Tết. Do đó, đơn vị không bị rơi vào tình trạng khan hiếm nhân lực trong ngày làm việc đầu tiên sau Tết Nguyên đán. Mấy ngày làm việc đầu năm diễn ra trong khí thế phấn khởi, người lao động tỏ rõ quyết tâm cùng công ty tăng tốc sản xuất, bù lại những thiệt hại do dịch bệnh COVID-19 gây ra. Hiện tại, công ty duy trì 3 ca/ngày đêm, mỗi ca có từ 50 - 70 người.

 

Nhiều DN ở các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh nhận định, sau Tết Nguyên đán năm nay không có biến động lớn về lao động, phần lớn công nhân đều gắn bó với công ty và vào guồng làm việc với khí thế khẩn trương, quyết tâm cao ngay từ ngày đầu năm.

Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Đắk Lắk, đa số lao động trong khu công nghiệp là lao động tại chỗ cộng với công tác phòng, chống dịch COVID-19 được thực hiện tốt, quán triệt chặt chẽ tại mỗi công ty, DN dịp trước kỳ nghỉ Tết nên sự biến động lao động sau Tết Nguyên đán là không nhiều. Đến thời điểm hiện tại, ở hầu hết các DN, người lao động trở lại sản xuất như ngày thường với quyết tâm cao hơn. Tạo được khí thế lao động sản xuất sôi nổi ngay từ đầu năm, các DN tăng cường tiến độ khôi phục sản xuất, lấy lại đà tăng trưởng để hoàn thành các mục tiêu của năm mới.  Sau kỳ nghỉ Tết, Ban Quản lý vẫn thường xuyên nắm bắt tình hình dịch bệnh, biến động lao động tại các DN và đẩy mạnh tuyên truyền về phòng dịch COVID-19 để bảo đảm duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Sản xuất bia lon tại Nhà máy Bia Sài Gòn Đắk Lắk.

Bên cạnh đó, chính nhờ sự hỗ trợ, thực hiện đầy đủ các chế độ cho người lao động nên công nhân yên tâm, đồng hành cùng các công ty, DN ở tỉnh. Trước Tết, Nhà máy Bia Sài Gòn Đắk Lắk hỗ trợ người lao động tháng lương thứ 13 và 14; Công ty Cổ phần Thép Đông Nam Á cũng bố trí kinh phí, thưởng 1 - 2 tháng lương để hỗ trợ người lao động ăn Tết. Hiện, vẫn tiếp tục duy trì xe đưa đón công nhân đến nơi làm việc, thực hiện bổ sung chế độ ăn uống giữa buổi nhằm tăng sức khỏe cho người lao động và bảo đảm quân số làm việc ngay từ ngày mồng 8 Tết.

Anh Lê Văn Quân, công nhân phân xưởng luyện thép, Công ty Cổ phần Thép Đông Nam Á bày tỏ, trải qua một năm đầy khó khăn do đại dịch COVID-19 nhưng công ty vẫn quan tâm thực hiện đầy đủ quyền, chế độ theo quy định và ghi nhận nỗ lực của người lao động thông qua việc thưởng, hỗ trợ kinh phí ăn Tết. Đây là một trong những điều khiến anh yên lòng, toàn tâm làm việc để cống hiến cho công ty ngày càng phát triển.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.