Multimedia Đọc Báo in

Nỗ lực vượt khó

07:10, 12/10/2023

Do nhiều nguyên nhân cả chủ quan lẫn khách quan, trong đó có biến động của nền kinh tế thế giới đã dẫn đến tình hình sản xuất, kinh doanh (SXKD) của doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung gặp nhiều khó khăn.

Khó khăn bủa vây

Đại dịch COVID-19, tình hình chính trị thế giới bất ổn... khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm mạnh. Việt Nam cũng bị ảnh hưởng sâu rộng, trong đó xuất khẩu, xây dựng, bất động sản là những lĩnh vực, ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Ngoài ra, còn nhiều khó khăn mà DN phải đối mặt như: giá cả một số nguyên nhiên vật liệu, vật tư nông nghiệp tăng cao và thường xuyên biến động; ngân hàng siết chặt quy mô tín dụng, lãi suất tăng mạnh; sức mua của người tiêu dùng giảm sút…

Công nhân làm việc tại Công ty TNHH May mặc Lực Thiêm (Cụm công nghiệp Tân An, TP. Buôn Ma Thuột).

Ông Huỳnh Văn Dũng, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh cho rằng, hiện nay DN của tỉnh phần lớn là vừa, nhỏ và siêu nhỏ, công nghệ còn lạc hậu, chậm đổi mới. Đồng thời, năng lực quản lý, sự liên kết trong SXKD chưa được cải thiện nhiều; ngoài các sản phẩm chủ lực của tỉnh, nhìn chung sức cạnh tranh của sản phẩm khác chưa cao, nhiều sản phẩm chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường khó tính... nên sẽ càng bị tác động và khó khăn hơn. Điều này đã được chứng minh khi mà thời gian qua có nhiều DN phải giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động do dịch bệnh và suy giảm kinh tế.

 

“Cộng đồng doanh nhân cần tiếp tục nhận thức được trách nhiệm của mình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế - xã hội. Hoạt động sản xuất, kinh doanh không tách rời với việc bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh và thực sự có trách nhiệm đối với xã hội” - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà.

Tính riêng trong 9 tháng năm 2023, có khoảng 792 DN giải thể và tạm ngừng hoạt động (tăng 11,08% so với cùng kỳ năm 2022). Bên cạnh đó, vốn điều lệ đăng ký của các DN cũng thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 (khoảng 35%). Điều này cho thấy DN vẫn chưa mạnh dạn đầu tư, mở rộng SXKD.

Nỗ lực vươn lên

Mặc dù phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức nhưng các DN, doanh nhân của tỉnh đã có nhiều nỗ lực, áp dụng khoa học công nghệ, đổi mới thiết bị hiện đại, cơ cấu lại SXKD phù hợp với yêu cầu, từng bước tự khẳng định mình trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Bên cạnh đó, cộng đồng DN đã tham gia tích cực vào việc giải quyết công ăn, việc làm, an sinh xã hội, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Theo đánh giá của UBND tỉnh, trong 9 tháng năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục duy trì phát triển. Giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn ước đạt 38.376 tỷ đồng, tăng 3,92% so với cùng kỳ năm 2022, bằng 61% kế hoạch năm 2023 (giá trị GRDP đứng đầu khu vực Tây Nguyên), các khu vực đều có tăng trưởng so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 11%. Huy động vốn đầu tư toàn xã hội, tổng mức bán lẻ hàng hóa tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm 2022. Tổng doanh thu du lịch ước đạt 760 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2022. Công tác an sinh xã hội được quan tâm, triển khai kịp thời. Nhiều hoạt động văn hóa, lễ hội được tổ chức, đặc biệt là tỉnh đã tổ chức thành công Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ đời sống vật chất, tinh thần của người dân, đồng thời thu hút khách du lịch đến tỉnh. Quốc phòng được tăng cường; chủ quyền, lãnh thổ, an ninh biên giới được giữ vững.

Dù gặp nhiều khó khăn nhưng cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực thích ứng để ổn định tình hình sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, trong 9 tháng năm 2023, có khoảng 1.078 DN thành lập mới, bằng 65% kế hoạch (tương đương với cùng kỳ năm 2022); có 328 DN tạm ngừng kinh doanh đã quay trở lại hoạt động. Lũy kế đến ngày 30/9/2023, trên địa bàn tỉnh có khoảng 12.496 DN đang hoạt động (gồm 11.528 DN và 968 chi nhánh của DN ngoài tỉnh đăng ký hoạt động trên địa bàn tỉnh).

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà, để đạt được những kết quả trên, có phần đóng góp không nhỏ của các DN, doanh nhân trên địa bàn tỉnh. Thời gian qua, cùng với việc tích cực khôi phục hoạt động SXKD, nhiều doanh nhân đã nhận thức được trách nhiệm của mình, từ đó chủ động và tích cực tham gia công tác an sinh xã hội. Đặc biệt là sự chung tay, đóng góp trực tiếp của cộng đồng DN, doanh nhân, các hiệp hội đại diện cho DN trên địa bàn tỉnh trong việc khắc phục những khó khăn sau đại dịch COVID-19, cùng xây dựng đội ngũ DN, doanh nhân ngày càng lớn mạnh, có khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng, không ngừng nâng cao năng lực kinh doanh và quản trị DN.

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc