Multimedia Đọc Báo in

Giá điện tăng, thêm áp lực cho người dân và doanh nghiệp

08:26, 07/12/2023

Từ ngày 9/11/2023, giá điện tăng thêm 4,5% (tăng từ 1.920,37 đồng lên 2.006,79 đồng/kWh) khiến người dân và doanh nghiệp (DN) thêm áp lực, bởi kéo chi phí sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh tăng theo.

Doanh nghiệp: Khó chồng khó

Công ty TNHH Sản xuất và Dịch vụ Đắc Hải (Cụm công nghiệp Tân An 1, TP. Buôn Ma Thuột) là DN ngành cơ khí, chuyên sản xuất các sản phẩm từ kim loại đúc sẵn nên tiêu tốn rất nhiều điện năng. Mỗi tháng, tiền điện của công ty dao động từ 150 – 160 triệu đồng. Theo ông Nguyễn Văn Phan, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Dịch vụ Đắc Hải, từ khi xảy ra dịch COVID-19 đến nay, công ty gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đơn hàng. Mọi năm vào thời điểm từ giữa tháng 8 đến cuối năm, công ty có rất nhiều đơn đặt hàng, công nhân phải làm tăng ca cả vào buổi tối mới kịp có hàng giao cho đối tác. Thế nhưng hiện nay, công ty chỉ hoạt động 4 buổi/tuần và làm theo kiểu cầm chừng. Bên cạnh đó, tất cả nguyên vật liệu đầu vào phục vụ cho việc sản xuất đang có giá rất cao, trong khi giá sản phẩm làm ra thấp, nên công ty gần như không có lãi. Với tình trạng này cộng thêm giá điện tăng sẽ khiến công ty lâm vào cảnh khó chồng khó. Đối với những đơn hàng cũ đã thỏa thuận xong giá cả thì chấp nhận chi phí đội lên, nhưng với những đơn hàng mới, trước mắt công ty cũng không dám tăng giá vì áp lực cạnh tranh, sợ mất khách hàng. “Giá điện tăng nhưng không thể tăng giá bán sản phẩm nên công ty phải thực hiện các giải pháp tiết kiệm như: điều chỉnh lại công thức sản xuất nguyên liệu, tăng cường sản xuất vào giờ trung điểm, cân đối lại các khoản chi phí về nhân công, nguyên liệu…”, ông Phan chia sẻ.

Sản xuất cơ khí là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng lớn khi giá điện tăng. (Trong ảnh: Đúc gang bằng công nghệ lò trung tần tại Công ty TNHH Sản xuất và Dịch vụ Đắc Hải). Ảnh: M. Chi

Các DN, cơ sở kinh doanh dịch vụ cũng chịu thêm những áp lực gia tăng chi phí khi giá điện tăng lên. Ông Đàm Xuân Khôi, cán bộ phụ trách kỹ thuật, Khách sạn Dakruco cho biết, thời gian gần đây, lượng khách ít nên các cơ sở lưu trú gặp nhiều khó khăn. Với giá điện cũ, khách sạn phải trả tiền điện với mức bình quân khoảng 180 triệu đồng/tháng. Sau khi giá điện tăng, hóa đơn tiền điện tháng 11 đội lên khoảng hơn 10 triệu đồng. Thời điểm này, đơn vị chưa tăng giá phòng dịch vụ, đồng thời thực hiện các giải pháp để giảm lượng tiêu thụ điện như: thay thế các bóng đèn compact bằng bóng đèn led có công suất thấp hơn; các máy móc công suất lớn hoạt động tránh giờ cao điểm, chỉ hoạt động vào giờ bình thường và thấp điểm; sắp xếp khách ở tập trung vào những phòng có cùng tổ hợp máy lạnh nhằm tránh chạy nhiều tổ hợp gây lãng phí điện…

Người dân lo giá hàng hóa tăng đồng loạt

Theo các DN, khi giá điện tăng thêm 4,5% sẽ làm tăng thêm chi phí sản xuất, kinh doanh của đơn vị. Điều này đồng nghĩa với việc giá thành sản phẩm tăng, nhưng hầu hết các DN rất “ngại” tăng giá bán sản phẩm vì sợ ảnh hưởng đến sức cạnh tranh trên thị trường. Mặc dù vậy, theo các nhà chuyên môn, giá cả một số mặt hàng sẽ bị ảnh hưởng, bởi đang vào thời điểm cuối năm, khi nhu cầu sản xuất, tiêu thụ tăng, kéo nhu cầu sử dụng điện tăng.

Nhiều người dân cũng lo ngại việc tăng giá điện không chỉ tăng tiền điện hằng tháng của gia đình mà còn tăng giá cả các loại hàng hóa, dịch vụ, khiến chi tiêu, sinh hoạt thêm chật vật, nhất là trong thời buổi kinh tế khó khăn như hiện nay. Bà Trần Thị Sen (phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột) cho biết, tiền điện sinh hoạt hằng tháng của gia đình bà luôn ở mức từ 1 - 1,2 triệu đồng, cao điểm lên đến 1,4 triệu đồng. Theo giá điện mới, gia đình bà Sen phải trả thêm từ 45.000 - 72.000 đồng/tháng. Vì vậy, gia đình bà buộc phải cân đối lại các khoản chi tiêu và thực hiện tiết kiệm bằng cách tắt bớt bóng điện, hạn chế sử dụng các thiết bị điện khi không cần thiết.

Giá điện tăng sẽ thêm áp lực chi tiêu cho người dân. Ảnh: Tuyết Mai

Còn chị Hoàng Thị Hằng (phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột) cho hay, mỗi tháng gia đình chị trả khoảng 300.000 – 400.000 đồng tiền điện. Với mức tăng giá điện 4,5%, tính ra số tiền tăng thêm không đáng kể, nhưng điều chị lo ngại là các dịch vụ, hàng hóa khác cũng tăng theo giá điện, nhất là vào thời điểm nhu cầu mua sắm, tiêu dùng tăng cao. “Thường thì cứ mỗi lần giá xăng, giá điện tăng, người buôn bán, kinh doanh dịch vụ cũng lợi dụng để tăng giá bán một cách tùy tiện. Năm hết tết đến mà thực phẩm, quần áo, đồ dùng… tăng giá thì người dân rất khó xoay xở”, chị Hằng e ngại.

Tăng giá điện vào thời điểm cuối năm sẽ gây áp lực lên lạm phát bởi chỉ số tiêu dùng phụ thuộc nhiều vào sản xuất, kinh doanh, nhất là các mặt hàng phục vụ tiêu dùng và dịch vụ phục vụ Tết. Theo Cục Thống kê Đắk Lắk, chỉ số giá tiêu dùng hiện đã tăng 4,07% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó tăng mạnh nhất là nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng. Có thể thấy, giá điện mới điều chỉnh và mức tăng cũng không quá cao nên chưa tác động rõ rệt lên thị trường. Tuy nhiên, giá tiêu dùng có thể biến động mạnh vào tháng 12/2023 và tháng 1/2024 khi người dân chuẩn bị sắm Tết. Do đó, các cơ quan chức năng cần có biện pháp tăng cường quản lý thị trường, bình ổn giá cả hàng hóa, xử lý nghiêm tình trạng “té nước theo mưa”, tăng giá cả hàng hóa ồ ạt, đặc biệt là những mặt hàng thiết yếu.

Tuyết Mai - Minh Chi


Ý kiến bạn đọc