Multimedia Đọc Báo in

Trách nhiệm chia sẻ vắc xin để thế giới vượt qua đại dịch

17:08, 29/10/2021

Chủ đề công bằng vắc xin đã trở thành trọng tâm của Hội nghị thượng đỉnh Y tế thế giới 2021 diễn ra ở Berlin (Đức) từ ngày 24 đến 26-10.

Tại hội nghị, Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh những thành tựu về vắc xin ngừa COVID-19, vốn được phát triển và đưa ra thị trường với tốc độ kỷ lục, đang bị hủy hoại bởi thảm kịch phân phối không đồng đều. Ba phần tư số vắc xin đã được chuyển đến các nước có thu nhập cao và khá. Theo người đứng đầu Liên hiệp quốc, chủ nghĩa dân tộc vắc xin và việc tích trữ vắc xin đang khiến tất cả thế giới gặp rủi ro. Ông một lần nữa nhắc lại rằng, phân bổ vắc xin không công bằng là một vấn đề phi đạo đức.

Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) cũng cho biết khoảng cách giữa những người đã được tiêm vắc xin ngừa COVID-19 và những người chưa được tiêm đang ngày càng gia tăng. Trong khi một số quốc gia đã bảo vệ được cho phần lớn dân số, thì ở những quốc gia khác, mới có chưa đến 3% dân số được tiêm một mũi. Nhóm chưa được tiêm thậm chí lại chính là các bác sĩ, y tá, nhân viên y tế cộng đồng, giáo viên và nhân viên xã hội.

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nêu rõ COVID-19 sẽ chỉ kết thúc khi thế giới đồng lòng chọn cách loại bỏ vi rút gây căn bệnh này. Theo ông, với gần 50 nghìn ca tử vong mỗi tuần như thống kê hiện nay, đại dịch còn lâu mới kết thúc. Ông nhấn mạnh rằng mục tiêu hoàn thành tiêm chủng cho 40% dân số mỗi nước vào cuối năm nay có thể đạt được nếu các quốc gia và công ty kiểm soát nguồn cung vắc xin lập tức biến lời nói thành hành động.

Người dân chờ tiêm vắc xin ngừa COVID-19 tại Tunis (Tunisia). Ảnh: THX/TTXVN

Ông Ghebreyesus đánh giá rào cản ở đây không phải nằm ở khâu sản xuất, mà ở ý chí chính trị và lợi nhuận. Tổng Giám đốc WHO kêu gọi các quốc gia đã đạt mục tiêu tiêm chủng 40% cần ưu tiên cho chương trình tiêm chủng COVAX của Liên hiệp quốc hoặc sáng kiến thu mua vắc xin của châu Phi (AVAT).

Trước mắt, các nước thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới (G20) cần thực hiện ngay lập tức các cam kết chia sẻ vắc xin, trong khi các nhà sản xuất phải ưu tiên thực hiện các hợp đồng cung cấp vắc xin với COVAX và AVAT. Bên cạnh đó, các nước và các nhà sản xuất cũng cần chia sẻ bí quyết, công nghệ và cấp phép, từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ liên quan tới vắc xin ngừa COVID-19.

Với vai trò là một trong các nhà bảo trợ của Hội nghị thượng đỉnh Y tế thế giới, Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh mọi người dân trên toàn cầu cần được tiếp cận với vắc xin và đây là con đường duy nhất để vượt qua đại dịch, trong đó sáng kiến phân bổ vắc xin COVAX của Liên hiệp quốc là quan trọng nhất và thế giới sẽ chỉ có thể đạt được thành công bền vững thông qua hành động đa phương và đoàn kết quốc tế.

 

Thông điệp phát đi từ Hội nghị thượng đỉnh Y tế thế giới năm 2021 nhấn mạnh rằng mỗi quốc gia xuất hiện trên bản đồ thế giới đều là thành viên dưới mái nhà chung Liên hiệp quốc, và các sáng kiến phân bổ công bằng vắc xin như COVAX, cần phải được chia sẻ, bởi đó không chỉ là vấn đề đạo đức mà còn là tự bảo vệ chính mình.

Theo dữ liệu của tổ chức "Our World in Data", tính đến ngày 27-10, toàn thế giới đã tiêm được hơn 6,8 tỷ liều vắc xin, 48,7% dân số toàn cầu đã được nhận ít nhất 1 liều vắc xin. Tuy nhiên, tỷ lệ rất khác nhau ở các châu lục và giữa các nước trong từng châu lục. Trong khi những nước giàu đã đạt tỷ lệ tiêm chủng khá cao, thậm chí nhiều nước phương Tây đã tiến hành tiêm mũi tăng cường, thì tỷ lệ tiêm chủng ở nhiều nơi vẫn còn rất thấp. Chỉ có 3,1% dân số ở các nước thu nhập thấp được tiêm 1 liều vắc xin, đặc biệt ở lục địa châu Phi, có nơi chỉ đạt trên dưới 1%.

Các chuyên gia nhận định chủ nghĩa dân tộc vắc xin sẽ chỉ giúp vi rút lây lan rộng hơn. Đặc biệt, với sự xuất hiện của những biến thể nguy hiểm như Delta hay các biến thể phụ kiểu "Delta plus" mà mới nhất là biến thể AY.4.2, được cho có khả năng lây nhiễm cao hơn 15% so với chủng Delta thông thường, thì khi càng nhiều người không được tiêm chủng, nguy cơ đối với cộng đồng sẽ càng lớn và nghiêm trọng hơn. Một thực tế rõ ràng là thế giới đã trải qua nhiều làn sóng đại dịch đi kèm những biến thể mới.

Một điều khá nghịch lý là trong khi nhiều nước đang trông chờ từng liều vắc xin thì kho dự trữ vắc xin của nhiều nước lại càng phình to. Một số quốc gia mua quá nhiều và thậm chí để vắc xin hết hạn sử dụng, trong khi những quốc gia khác không có vắc xin để bảo vệ các nhóm nguy cơ cao và tất cả các nhân viên y tế. Theo Tổ chức Bác sĩ không biên giới, một phần đáng kể vắc xin dư thừa sẽ hết hạn trong vài tháng. Từ nay tới cuối năm, riêng Liên minh châu Âu (EU) và các nước thuộc Nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) có thể lãng phí 241 triệu liều vắc xin.

Sẽ còn một khoảng thời gian dài trước khi tất cả mọi người ở tất cả quốc gia có cơ hội được tiêm chủng và COVAX là cơ chế cần thiết và quan trọng để dẫn dắt quá trình này. Như lời Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres, đây là cơ hội để cộng đồng quốc tế "chuyển từ báo động sang hành động" thể hiện "trách nhiệm đạo đức'' trong việc chia sẻ vắc xin nếu muốn vượt qua đại dịch nguy hiểm COVID-19.

Hồng Hà (Theo TTXVN)

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.