Multimedia Đọc Báo in

ASEAN cùng ứng phó các thách thức, hướng tới mục tiêu chung

16:41, 12/12/2022

Trên cương vị Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) 2022, Chính phủ Campuchia đã chọn chủ đề “ASEAN hành động cùng đối phó các thách thức” thể hiện nỗ lực đề cao “tinh thần ASEAN như một gia đình” gắn kết mạnh mẽ với 10 quốc gia thành viên, tất cả “cùng hành động,” hướng tới những mục tiêu chung nhằm tiếp tục góp phần kiến tạo, duy trì, thúc đẩy hòa bình, ổn định và phát triển bền vững trong khu vực và trên thế giới.

Trên tinh thần này, năm 2022, ASEAN đã tăng cường hợp tác nội khối nhằm thúc đẩy phục hồi kinh tế hậu COVID-19, củng cố cấu trúc khu vực và vai trò trung tâm của khối, cũng như sớm hoàn thành Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).

Thúc đẩy phục hồi kinh tế

Theo học giả Uch Leang, Phó Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu Á - Phi và Trung Đông, Viện Quan hệ quốc tế Campuchia, Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia, Chủ tịch ASEAN 2022 nhận diện yêu cầu cấp thiết của việc đạt được đà phục hồi kinh tế nhanh chóng sau đại dịch COVID-19 là một trong 4 nhóm thách thức của khối. Từ đó, các ưu tiên của ASEAN cũng được xác định nhằm giải quyết những thách thức đó theo đúng khẩu hiệu “ASEAN hành động cùng ứng phó các thách thức."

Thủ tướng Campuchia, Chủ tịch ASEAN 2022 Samdech Techo Hun Sen phát biểu khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40 và 41. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Thủ tướng Campuchia, Chủ tịch ASEAN 2022 Samdech Techo Hun Sen phát biểu khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40 và 41. Ảnh: TTXVN

Trong 3 trụ cột của ASEAN, riêng trụ cột kinh tế, Campuchia xúc tiến triển khai thực hiện hiệu quả tất cả các sáng kiến, biện pháp đã thống nhất và tận dụng tối đa lợi ích từ các hiệp định thương mại tự do để đẩy nhanh đà phục hồi tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh sống chung với COVID-19, làm thế nào đảm bảo ASEAN tiếp tục là một trung tâm thương mại - đầu tư hấp dẫn và năng động, nhất là thông qua việc thúc đẩy kết nối cả vật lý cũng như kỹ thuật số, cùng nhiều ưu tiên khác, nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển và tăng cường hội nhập khu vực.

Ông Penn Sovicheat, Phó Quốc vụ khanh, người phát ngôn Bộ Thương mại Campuchia cho biết chủ đề chính tại các phiên thảo luận của Hội nghị Bộ trưởng kinh tế ASEAN lần thứ 54 (AEM-54) và các hội nghị liên quan hồi trung tuần tháng 9/2022 tại tỉnh Siem Reap là tập trung đánh giá tình hình và tìm giải pháp hợp tác trong phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, phát triển bao trùm và phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, xoay quanh trọng tâm về các giải pháp hồi phục và phát triển kinh tế khu vực sau khủng hoảng COVID-19.

Theo Bộ trưởng Thương mại Campuchia Pan Sorasak, Hội nghị AEM-54 là dịp để các quốc gia trong khu vực thảo luận nhằm tiếp tục hoàn thiện chương trình nghị sự xây dựng cộng đồng kinh tế ASEAN, góp phần tăng sức hấp dẫn và nâng cao hơn nữa vai trò của ASEAN với tư cách là nơi hội tụ của thương mại và đầu tư.

Kết quả hội nghị cho thấy “ASEAN vẫn mở rộng kinh doanh," thể hiện qua tuyên bố khởi động đàm phán Hiệp định khung ASEAN về cạnh tranh, xúc tiến đẩy nhanh tiến độ hoàn thành nghiên cứu khả thi Hiệp định khung về kinh tế số của ASEAN, chuẩn bị cho hoạt động đàm phán Hiệp định khung ASEAN về hợp tác sở hữu trí tuệ, khởi động đàm phán nâng cấp Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), kiểm điểm tình hình thực hiện Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Ấn Độ (AIFTA), hoàn thành Báo cáo nghiên cứu khả thi về việc tăng cường Khu vực mậu dịch tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA), kết thúc đàm phán nâng cấp Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Australia-New Zealand (AANZFTA)…

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Lễ khai mạc Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 40 và 41 tại thủ đô Phnom Penh, Campuchia. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Lễ khai mạc Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 40 và 41 tại thủ đô Phnom Penh, Campuchia. Ảnh: TTXVN

Trong bối cảnh gia tăng các chỉ số về lạm phát, giá dầu khí, chi phí sinh hoạt và năng lượng, ASEAN đã trao đổi, thảo luận và thống nhất nhiều nội dung và giải pháp hỗ trợ khu vực.

Theo đánh giá của tạp chí Eurasia Revie, khi nhiều nơi trên thế giới đứng bên bờ vực suy thoái, ASEAN đã và đang trên đà phục hồi kinh tế trong nửa đầu năm 2022 nhờ thương mại và đầu tư nội khối tăng mạnh, ngành du lịch phục hồi nhanh sau khi các hạn chế đi lại được gỡ bỏ. Tăng trưởng kinh tế khu vực được dự báo sẽ đạt 5,1%, cao hơn mức dự báo toàn cầu là 3,2%.

Củng cố cấu trúc khu vực và vai trò trung tâm của ASEAN

Trước tình hình biến động nhanh chóng, phức tạp ở khu vực và thế giới, ASEAN tiếp tục củng cố cấu trúc khu vực và duy trì vai trò trung tâm, thể hiện qua tinh thần đoàn kết, chung tay giải quyết các vấn đề phát sinh của khu vực cũng như mở rộng quan hệ ngoại khối.

Trong quan hệ nội khối, kết quả nổi bật năm 2022 là việc các nhà lãnh đạo ASEAN thông qua Tuyên bố về việc Timor Leste xin gia nhập ASEAN, chấp thuận về nguyên tắc Timor Leste là thành viên thứ 11 của ASEAN.

Quang cảnh Hội nghị cấp cao ASEAN-Trung Quốc lần thứ 25. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Quang cảnh Hội nghị cấp cao ASEAN - Trung Quốc lần thứ 25. Ảnh: TTXVN

Trên cơ sở khẳng định Myanmar là thành viên của ASEAN, các nước nhất trí tiếp tục hỗ trợ Myanmar vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, thúc đẩy triển khai Đồng thuận 5 điểm mà ASEAN đã đề ra trong năm 2021.
Bên cạnh việc duy trì đoàn kết nội khối trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc và Hiến chương ASEAN, trong năm kỷ niệm 55 năm thành lập, ASEAN tiếp tục thúc đẩy, mở rộng quan hệ với các đối tác bên ngoài, thông qua việc kết nạp Ukraine vào Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC).

Tháng 8/2022, sáu quốc gia Đan Mạch, Hy Lạp, Hà Lan, Oman, Qatar và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất đã ký văn kiện gia nhập TAC. ASEAN và 2 đối tác đối thoại Ấn Độ và Mỹ cũng đã nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện.

Nhà báo kỳ cựu Puy Kea, Tổng Thư ký Câu lạc bộ các Nhà báo Campuchia, cho rằng từ khi ra đời năm 1967 đến nay, nhiệm vụ của ASEAN là duy trì sự ổn định và hòa hợp để tăng trưởng kinh tế, làm cho Đông Nam Á nổi lên trong khuôn khổ phát triển chung.

Nhiều năm qua, ASEAN luôn trăn trở làm thế nào để xích lại gần nhau hơn, hay gọi là hội nhập ASEAN. Bên cạnh đó, mỗi khi có sự việc, vấn đề, sự kiện gì phát sinh, ASEAN luôn nỗ lực giữ vai trò điều phối hợp, hỗ trợ trong mức độ và khả năng có thể.

Thúc đẩy sớm hoàn tất một COC hiệu quả và thực chất

Tại Hội nghị cấp cao ASEAN - Trung Quốc lần thứ 25 ở Phnom Penh, hai bên đã thông qua Tuyên bố chung ASEAN - Trung Quốc về kỷ niệm 20 năm ra đời Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), khẳng định ý nghĩa và tầm quan trọng của văn kiện này đối với việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định ở Biển Đông.

Theo ông Kung Phoak, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Campuchia, tại hội nghị, hai bên đã trao đổi nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc trên nền tảng vững chắc của hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng trong khu vực.

Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen bàn giao chiếc búa tượng trưng cho vị trí Chủ tịch ASEAN tới Tổng thống Indonesia Joko Widodo. (Ảnh Nguyễn Hùng/TTXVN)
Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen bàn giao chiếc búa tượng trưng cho vị trí Chủ tịch ASEAN tới Tổng thống Indonesia Joko Widodo. Ảnh: TTXVN

Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Campuchia Nguyễn Huy Tăng cho biết ASEAN và Trung Quốc đã chia sẻ về tình hình Biển Đông, việc thực hiện DOC và xây dựng COC; khẳng định tầm quan trọng của hòa bình, an ninh, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, nhấn mạnh việc tự kiềm chế, không có hành động gây phức tạp tình hình, giải quyết tranh chấp thông qua luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982.

Lưu ý ASEAN và Trung Quốc đều mong muốn sớm đạt được COC, Đại sứ Nguyễn Huy Tăng nêu rõ: “Về tiến trình đàm phán COC, đối thoại là giải pháp tốt nhất."

Chia sẻ quan điểm trên, học giả Uch Leang cho rằng tất cả các quốc gia liên quan đều đang nỗ lực hướng tới một COC.

Có thể nói những kết quả ASEAN đạt được năm 2022 trong tiến trình xây dựng Cộng đồng đã thể hiện rõ tinh thần "ASEAN hành động cùng ứng phó các thách thức," qua đó củng cố vai trò và vị thế của ASEAN.

Đánh giá về kết quả này, chuyên gia phân tích chính trị, Phó Giáo sư, tiến sỹ Awang Azman Awang Pawi, Đại học Malaya (Malaysia), nêu bật những đóng góp chủ động của Việt Nam trong việc thúc đẩy chương trình nghị sự và nỗ lực hành động ứng phó các thách thức chung của ASEAN trong năm 2022, cho rằng "Việt Nam đã là một phần chiến lược trong thành công của ASEAN."

Trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2023, Indonesia đã chọn chủ đề "Tâm điểm tăng trưởng” với mong muốn ASEAN trở thành một khu vực hòa bình, ổn định, là mỏ neo cho ổn định toàn cầu. Tuy nhiên, giới lãnh đạo Indonesia cũng nêu rõ năm 2023, tình hình toàn cầu - từ địa chính trị đến kinh tế - không dễ dàng và thuận lợi, các cuộc đối đầu địa chính trị hiện nay có thể vẫn sẽ diễn ra gay gắt trong năm tới.

Hơn bao giờ hết, ASEAN cần nhất quán hành động mang tính tập thể đoàn kết, thống nhất, phù hợp với tinh thần chủ chốt của ASEAN là “Một tầm nhìn, một bản sắc, một cộng đồng".

Theo TTXVN/Vietnam+
 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.