Multimedia Đọc Báo in

Làm rõ trách nhiệm của các đơn vị, tổ chức trong triển khai, thực hiện một số dự án

15:46, 21/06/2022

Sáng 21/6, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức phiên giải trình về việc triển khai, thực hiện một số dự án trên địa bàn tỉnh.

Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Y Vinh Tơr và Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Phú Hùng chủ trì phiên làm việc.  

Tại phiên làm việc, Thường trực HĐND tỉnh đã nghe các đơn vị liên quan báo cáo và tiến hành chất vấn về thực trạng, tình hình thực hiện, những vấn đề tồn tại, khó khăn, vướng mắc, các nguyên nhân và làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình triển khai, thực hiện một số dự án trên địa bàn tỉnh.

Đối với Tiểu dự án cấp nước tưới cho cây cà phê tại thôn Tiến Cường (xã Quảng Tiến, huyện Cư M’gar), qua tiến hành chất vấn, giải trình, các đại biểu đánh giá: Dự án do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư 65.229.872.000 đồng. Dự án có nhiệm vụ cấp nước tưới cho 450 ha cà phê. Tháng 7/2020 việc thi công cơ bản hoàn thành và bắt đầu giai đoạn chạy thử, tuy nhiên tuyến ống 630mm bị vỡ, nhiều vị trí khớp nối rò rỉ nên không vận hành chạy thử được.

Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Y Vinh Tơr chủ trì phiên giải trình. Ảnh: Hoàng Gia
Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Y Vinh Tơr chủ trì phiên giải trình. Ảnh: Hoàng Gia

Chủ đầu tư cùng các đơn vị có liên quan thiếu sự phối hợp, chưa xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp xử lý tồn tại dẫn đến sự chậm trễ, kéo dài việc thực hiện tiểu dự án, gây bức xúc trong dư luận, gây ảnh hưởng không tốt đến uy tín của địa phương trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư. Trong quá trình quản lý dự án, chủ đầu tư đã thực hiện quản lý dự án chưa đảm bảo chặt chẽ, sâu sát để xảy ra nhiều tồn tại, khiếm khuyết.

Đối với Dự án đầu tư xây dựng 1 đơn nguyên cầu 110 thuộc Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn km 1667+570 - Km1738+148 (do Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư), các đại biểu đã phân tích, làm rõ nguyên nhân vướng mắc của việc bàn giao mặt bằng để triển khai dự án; trong đó có cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan như: Phạm vi ảnh hưởng của công trình nằm trên địa bàn 2 tỉnh Gia Lai (huyện Chư Pưh) và Đắk Lắk (huyện Ea H’leo).

Tuy nhiên, hai địa phương áp dụng chính sách bồi thường, hỗ trợ không đồng bộ, dẫn đến các hộ dân chưa đồng thuận, so bì, cản trở, không hợp tác với chính quyền địa phương; nguồn vốn trái phiếu Chính phủ bố trí cho dự án đã kết thúc vào thời điểm 31/12/2018 và không được kéo dài sang năm 2019 nhưng Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh chưa nắm bắt được thông tin cụ thể để có văn bản thông báo chính thức cho UBND huyện Ea H’leo có giải pháp xử lý kịp thời.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoài Dương giải trình tại phiên làm việc. Ảnh: Hoàng Gia
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoài Dương giải trình tại phiên làm việc. Ảnh: Hoàng Gia

Sự phối hợp giữa UBND huyện Ea H’leo và Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh chưa tốt, dẫn đến không kịp thời đưa dự án vào Kế hoạch sử dụng đất năm 2017 của huyện Ea H’leo, dẫn đến không thực hiện được thu hồi đất và bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng theo quy định…

Liên quan đến việc chậm xử lý các hạng mục đã đầu tư của công trình cầu treo dây văng Quảng Phú (huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Lắk cũ), các đại biểu cho rằng trong quá trình thi công công trình cầu Quảng Phú có 3 lần phải dừng thi công. Lần thứ nhất và thứ hai dừng thi công do liên quan Quy hoạch bậc thang thủy điện trên sông Sêrêpốk, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án thủy điện Buôn Kuốp – Cư Pông Krông; lần dừng thi công thứ ba liên quan đến dự án thủy điện Buôn Tua Srah. Trong dự án thủy điện Buôn Tua Srah có dự án thành phần đường công vụ, đường quản lý vận hành; tuyến đường này nối từ Quốc lộ 27 (Km74+100) – Nam Ka – cầu vượt sông Krông Nô – Tỉnh lộ 4.

Cùng thời điểm đầu năm 2004, tỉnh Đắk Nông được thành lập, tách từ tỉnh Đắk Lắk. Theo đó, hai xã Ea R’Bin và Nam Ka được điều chỉnh địa giới thuộc về huyện Lắk (tỉnh Đắk Lắk). Như vậy việc kết nối thông thương giữa hai địa phương đã được giải quyết, đảm bảo lưu thông thông suốt, thuận lợi, an toàn, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh…

Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Võ Đại Huế nêu chất vấn tại phiên làm việc. Ảnh: Hoàng Gia
Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Võ Đại Huế nêu chất vấn tại phiên làm việc. Ảnh: Hoàng Gia

Để tạo sự đồng thuận, thống nhất cao giữa hai tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông và sự ủng hộ, đồng tình của nhân dân, tránh ảnh hưởng dư luận xã hội, ngày 5/4/2022 Sở Giao thông vận tải đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan của hai tỉnh để trao đổi, bàn bạc. Qua đó, về phía tỉnh Đắk Lắk cơ bản thống nhất đề xuất UBND tỉnh không tiếp tục đầu tư thi công dự án; về phía tỉnh Đắk Nông, cơ bản thống nhất đề xuất tiếp tục đầu tư thi công dự án cầu Quảng Phú. Hiện Sở Giao thông vận tải đang rà soát, nghiên cứu nội dung kiến nghị của các cơ quan liên quan, tham mưu văn bản cho UBND tỉnh Đắk Lắk gửi UBND tỉnh Đắk Nông đề nghị phối hợp, thống nhất nội dung, phương án xử lý tồn tại cầu Quảng Phú.

Phát biểu kết luận tại phiên giải trình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Y Vinh Tơr đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương có liên quan khẩn trương đẩy nhanh tiến độ, xác định rõ lộ trình, phân công rõ nhiệm vụ để khắc phục các tồn tại, hạn chế, khiếm khuyết đã được chỉ ra và có phương án thống nhất giải quyết phù hợp, báo cáo kết quả gửi về Thường trực HĐND tỉnh trước ngày 31/8/2022…

Lan Anh
 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.