Multimedia Đọc Báo in

Nỗ lực nối lại chuỗi lao động bị “đứt gãy”

09:40, 10/12/2021

Sau chuyến làm việc của tỉnh Đắk Lắk với UBND TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Dương trong ngày 2 và 3/12 (Báo Đắk Lắk đăng số ra ngày 9/12) để nắm bắt nhu cầu tuyển dụng, các chính sách ưu đãi cho người lao động địa phương khi trở lại làm việc, các phiên giao dịch việc làm trực tiếp đã khởi động trở lại vào ngày 9/12 kể từ đợt dịch bệnh COVID-19 cơ bản được kiểm soát với sự tham gia của 6 doanh nghiệp (DN) tuyển dụng LĐ (gồm 3 DN ngoài tỉnh và 3 DN trong tỉnh).

Nhiều lao động đến tìm việc làm

Chị Dương Thị Thúy Hồng (47 tuổi) ở đường Lê Hồng Phong (TP. Buôn Ma Thuột) làm nghề may vá tại nhà, nhưng hiện nay nhu cầu may mặc của khách hàng ít. Dịch COVID-19 kéo dài trong 2 năm qua khiến mọi thứ càng khó khăn hơn, do đó chị Hồng quyết định đến sàn giao dịch việc làm tổ chức tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh từ sáng sớm để tìm hiểu thông tin tuyển dụng về nghề may.

Người lao động tham gia phiên  giao dịch việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh.

Sau khi nghe nhân viên Công ty TNHH Elite Long Thành (khu công nghiệp Lộc An - Bình Sơn, tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) tư vấn về mức lương bình quân của công nhân từ 7,8  đến 15 triệu đồng/tháng, cùng nhiều chính sách ưu đãi khác, chị Hồng đã quyết định tham gia công ty. “Ảnh hưởng dịch bệnh và thất nghiệp nên tôi quyết định ra ngoài tỉnh làm công nhân. Nhưng có lẽ phải sau Tết Nguyên đán mới đi được, một phần do chưa thu xếp được việc gia đình, phần hơi e ngại dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát tốt nên tôi muốn đón Tết bên gia đình rồi mới đi làm”, chị Hồng trò chuyện.

Chị H’Phên ÊCăm (SN 1995) ở buôn H’Đớk (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) từng làm công nhân tại một công ty may mặc ở tỉnh Bình Dương trong 2 năm, với thu nhập 8 triệu đồng/tháng. Do dịch COVID-19 phức tạp, kéo dài, lo lắng nên chị đã "nghỉ ngang" trở về nhà tránh dịch. Hiện tình hình dịch bệnh đã tạm ổn, các công ty bắt đầu tuyển dụng lao động trở lại làm việc, chị đã đến phiên giao dịch việc làm tìm hiểu kỹ thông tin liên quan để sớm trở lại làm công nhân. Ngoài quan tâm mức thu nhập, chế độ đãi ngộ, chị còn mong muốn công ty mới có môi trường làm việc tốt, thân thiện, tôn trọng, hỗ trợ người lao động tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng COVID-19 để an tâm làm việc.

Trong khi đó, anh Trần Quang Hải (SN 1973), ở xã Ea Tiêu (huyện Cư Kuin) quyết định ký hợp đồng với một công ty của tỉnh Đồng Nai tại phiên giao dịch việc làm. “Thời điểm dịch bệnh như thế này mà người lao động được giới thiệu việc làm với các thông tin cụ thể, rõ ràng, minh bạch trực tiếp từ DN tuyển dụng như thế này thì rất tốt, nhất là lại được thông qua đơn vị có chức năng giới thiệu việc làm của tỉnh càng an tâm hơn”, anh Hải cho biết.

Nhân viên Công ty TNHH Elite Long Thành tư vấn cho lao động.

Khi chính quyền địa phương vào cuộc

 

"Công ty TNHH Elite Long Thành đã kết nối với rất nhiều tỉnh để tư vấn, tuyển dụng lao động, chúng tôi đánh giá cao sự chủ động của Đắk Lắk khi đến Đồng Nai làm việc với lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành và DN khi trở lại trạng thái "bình thường mới", nhờ đó mà DN có cơ hội tham gia các phiên giao dịch việc làm tại tỉnh. Đắk Lắk là địa phương đầu tiên mà đơn vị đến tuyển dụng lao động sau khi hoạt động trở lại".

 
Chị Nguyễn Thị Kiều Oanh, Trưởng Phòng Nhân sự Công ty TNHH Elite Long Thành.

Sau thời gian dài “đóng băng” vì giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19, nhiều tỉnh, thành phố phía Nam đang từng bước mở cửa kinh tế. DN của các tỉnh đã chủ động, nỗ lực tuyển dụng lao động với cam kết việc làm ổn định cùng nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn khác, nhằm giải quyết bài toán thiếu hụt công nhân do một lượng lớn người lao động đi về quê nhà trước đó.

Công ty TNHH Elite Long Thành (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) là một trong 3 DN ngoài tỉnh tham gia sàn giao dịch việc làm, với nhu cầu tuyển dụng 500 lao động ngành may, trong đó có 250 lao động nữ. Ông Chien Ho Jui, Phó Tổng Giám đốc Công ty thông tin, lợi thế của công ty là "nhà máy xanh" đầu tiên của Việt Nam, có thể mang đến môi trường làm việc thân thiện, an toàn, chất lượng. Chúng tôi không giới hạn về mức lương, thưởng và chế độ phúc lợi; do đó người lao động có thể tùy vào hiệu quả tay nghề của mình để phát triển thu nhập. Công ty thành lập hơn 5 năm và có những mối quan hệ chặt chẽ, tốt đẹp với khách hàng như Adidas. Đến thời điểm này, Elite Long Thành đã nhận được những cam kết về các đơn hàng từ Adidas trong vòng 5 năm tới. Mỗi năm, đơn hàng tăng 20%, từ sự cam kết của khách hàng vì vậy việc làm của người lao động chắc chắn sẽ ổn định, bởi 20% đơn hàng tăng mỗi năm buộc công ty phải tăng theo 20% lao động.

Để kêu gọi công nhân trở lại nhà máy, không chỉ có sự chủ động của DN, chính quyền tỉnh Đắk Lắk cũng đã chung tay với DN khi đến các tỉnh thành phía Nam để làm việc với lãnh đạo tỉnh, lắng nghe thông tin về nhu cầu tuyển dụng, chính sách ưu đãi dành cho người lao động, để rồi có những chỉ đạo kịp thời, quyết liệt đối với các sở, ngành liên quan sau chuyến công tác.

Người lao động tìm hiểu thông tin việc làm tại phiên giao dịch việc làm sáng 9/12.

Các phiên giao dịch việc làm diễn ra trong ngày 9/12 chỉ là bắt đầu, dự kiến từ nay đến cuối tháng 12/2021, sẽ có khoảng 20 phiên giao dịch việc làm linh động ở các địa phương có nhiều lao động cần tìm kiếm việc làm, như các huyện: Ea Kar, Krông Năng, M’Drắk, Krông Bông… để kết nối giữa DN ở các tỉnh thành phía Nam với người lao động.

Ông Lê Hải Lý, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh thông tin, để làm tròn vai trò cầu nối giữa DN và người lao động, Trung tâm đã chủ động liên hệ với chính quyền địa phương để rà soát lại các trường hợp đang thất nghiệp và có nhu cầu muốn quay trở lại các tỉnh phía Nam làm việc. Kết nối với Trung tâm Dịch vụ việc làm của các tỉnh thành phía Nam, qua đó làm việc với các DN để kêu gọi, mời về tỉnh tổ chức các sàn giao dịch việc làm, qua đó người lao động có sự lựa chọn việc làm phù hợp với trình độ, khả năng, năng lực của bản thân, còn DN tuyển dụng được lao động đúng nhu cầu.

 Thùy Hoàng


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.