Multimedia Đọc Báo in

Bảo tồn, phát huy vốn di sản kiến trúc Buôn Ma Thuột (Kỳ 2)

08:10, 27/09/2021

Bản sắc văn hóa đô thị được xem là yếu tố đóng vai trò động lực cho sự phát triển. Với Buôn Ma Thuột, bản sắc ấy sớm được định hình qua từng giai đoạn lịch sử - và đến nay, yếu tố ấy được tiếp tục bồi đắp, nảy nở thêm để dễ dàng nhận biết hơn, nhất là trong kiến trúc và việc tổ chức không gian cho đô thị này.

Kỳ 2: Xác lập bản sắc đô thị

Nhiều chuyên gia quy hoạch, phát triển đô thị cho rằng Buôn Ma Thuột có những xuất phát điểm và tiềm năng đủ mạnh để trở thành một thành phố có kiến trúc đô thị giàu bản sắc

Phong phú tiềm năng    

TP. Buôn Ma Thuột có địa hình, địa mạo phong phú và đặc sắc; có tài nguyên nhân văn hết sức độc đáo được cộng đồng các dân tộc ở đây sản sinh, gìn giữ từ bao đời nay, kết hợp với khát vọng và sức bật mạnh mẽ của cư dân các vùng miền khác trên cả nước đến sinh cơ, lập nghiệp và hình thành thêm những giá trị văn hóa mới. Đặc biệt là sự tích lũy, tạo lập những giá trị kiến trúc đô thị từ truyền thống đến hiện đại hiện ra khá bài bản và chưa thật sự bị đe dọa từ những thách thức có tính chất tự phát, thiếu kiểm soát.

Hồ Ea Kao và rừng cảnh quan bao bọc là không gian sinh thái quan trọng trong quy hoạch và xây dựng đô thị Buôn Ma Thuột. Ảnh: Hữu Hùng

Còn nhớ, trong tham luận tại Hội thảo khoa học “Quy hoạch và quản lý quy hoạch đô thị Buôn Ma Thuột” được tổ chức vào đầu tháng 3-2017, kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Ủy viên Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhận xét:  Đặc điểm nổi trội trong bức tranh kiến trúc đô thị Buôn Ma Thuột là thành phố này đang mở mang vượt tầm một đô thị cấp tỉnh, trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên; vươn rộng ra các không gian mới, tạo sự gắn kết chặt chẽ bởi hạ tầng cơ sở thuận lợi cho việc xây dựng đô thị với quy mô ngày càng to lớn hơn.

Đặc trưng hình thái học đô thị và cảnh quan ở đây cũng đã định hình rõ nét - đó là sự chuyển hóa mềm các không gian đô thị có mật độ xây dựng (đặc hay loãng) đều mang hình thái kiến trúc khác nhau nhờ sự kết hợp khá nhuần nhuyễn những biến thái của địa hình, địa mạo gắn với kiến trúc đa dạng của từng đường phố và khu phố hiện hữu.

Gợi mở bản sắc

Theo kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính, đến nay, TP. Buôn Ma Thuột đã có nhiều công viên, lâm viên được quy hoạch bài bản bên cạnh các không gian xanh tự nhiên (là rừng phòng hộ đầu nguồn, bến nước, thảm thực vật, ao hồ, sông suối trong các buôn làng người dân tộc thiểu số tại chỗ), khiến toàn cảnh của TP. Buôn Ma Thuột - nhìn từ trên cao xuống mang lại nhiều thiện cảm.

Kiến trúc đô thị được quy hoạch, xây dựng trong hai thập kỷ qua đã gây ấn tượng tốt về tính lành mạnh và sự mới mẻ về kiểu cách. Thành phố được chăm sóc, xây cất khá quy củ, tính tự phát trong xây dựng chưa ở mức thách thức.

Đã xuất hiện những tuyến phố, những không gian đô thị có thẩm mỹ cao, khác biệt và có phần vượt trội so với một số thành phố khác trên cả nước. Điều này có thể nhận thấy rõ ở sự bài trí các tiệm cà phê, nhà hàng, cửa hiệu và văn phòng làm việc ở trung tâm thành phố.

Nếp nhà dài luôn gợi nhớ bản sắc kiến trúc đô thị Buôn Ma Thuột.
 

Chỉ có thể xây dựng một thành phố có bản sắc, cả về đời sống cộng đồng thành thị và cả về diện mạo kiến trúc, nếu ta đi lên và kiến tạo nó từ sự gợi mở của tài nguyên thiên nhiên, từ sự tích lũy văn hóa cộng đồng đặc trưng, từ quỹ kiến trúc đô thị đã hình thành và từ những chủ trương/chương trình mở mang TP. Buôn Ma Thuột có tầm nhìn và nhất quán”.

 
 Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính

Về phương diện ngôn ngữ kiến trúc, nhiều kiến trúc sư cho rằng, ở TP. Buôn Ma Thuột phổ biến sự kế thừa và biến tấu hình ảnh ngôi nhà dài của người Êđê.

Trong một số trường hợp, giải pháp này có thể nói là thành công, do công năng sử dụng của công trình phù hợp với đời sống hiện đại ngày nay. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp khiên cưỡng, hình thức do thiếu sự sáng tạo từ mô típ nhà dài truyền thống.

Theo Tiến sĩ - Kiến trúc sư Lê Thanh Sơn, giảng viên Trường Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh thì nhà dài người Êđê, điểm nhấn cho kiến trúc đô thị Buôn Ma Thuột cần có sự khai thác tinh tế hơn, nhất là các công trình trọng điểm.

Về chủ trương chọn kiến trúc nhà dài người Êđê như một trọng tâm trong việc xây dựng, kiến tạo bản sắc cho đô thị Buôn Ma Thuột là hoàn toàn đúng đắn. Song, cũng cần nhớ rằng kiến trúc được hình thành trước hết là để đáp ứng nhu cầu sử dụng của con người. Khi nhu cầu sử dụng thay đổi thì kiến trúc cũng thay đổi theo.

Việc áp đặt kiến trúc nhà dài lên kiến trúc hiện đại, nhà cao tầng bằng bê tông cốt thép để gây dựng yếu tố hình ảnh, biểu tượng, biểu trưng văn hóa… sẽ gây không ít bất cập cho việc sử dụng, trở ngại cho giải pháp kỹ thuật, ít hiệu quả kinh tế và sa vào hình thức.

Kiến trúc ngày nay phải phản ánh được tinh thần của thời đại sản sinh ra nó, những nhân tố kiến trúc và nghệ thuật truyền thống nên được duy trì với hàm lượng nhất định, ở những phạm vi và quy mô thích hợp, tránh sự gượng ép và phản cảm.

Tiến sĩ - Kiến trúc sư Lê Thanh Sơn lưu ý: Để kiến trúc nhà dài người Êđê có khả năng đại diện, gợi nhớ về bản sắc, yếu tố không thể trộn lẫn của Buôn Ma Thuột với bất kỳ địa phương nào trên cả nước thì công tác bảo tồn “quỹ” di sản kiến trúc đô thị hiện có ở Buôn Ma Thuột có liên quan đến văn hóa nhà dài cần được xúc tiến thực hiện.

Để làm được điều này, cần phải hình thành một quan niệm quản lý mới cho quy trình cấp phép và quản lý quá trình xây dựng. Ngoài ra, cần khai thác hiệu quả yếu tố về địa hình, cây xanh, mặt nước - một trong những thế mạnh mà thiên nhiên đã ban tặng cho Buôn Ma Thuột để tạo nên bản sắc cho thành phố này.

  Đình Đối


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.