Multimedia Đọc Báo in

Truyền thuyết không phải là chuyện bịa đặt!

17:16, 24/05/2022

Truyền thuyết về “thứ phi Hoàng Phi Yến” sau bao năm lặng lẽ lưu truyền trong dân gian Côn Đảo đã trở thành câu chuyện nóng hổi trong suốt tháng 4 vừa qua, khi Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận “lễ giỗ bà thứ phi Hoàng Phi Yến” là Di sản phi vật thể quốc gia. Vì sao vậy?

Là vì trong câu chuyện truyền thuyết ấy, người ta đã dựng lên một người phụ nữ trung liệt tên là Phi Yến, một nhân vật được hư cấu hoàn toàn, nhưng lại gắn với nhân vật lịch sử có thật là vua Gia Long, với những chi tiết gay cấn nhưng không có thật. Truyền thuyết này kể rằng, có một người phụ nữ tên là Phi Yến, là thứ phi của chúa Nguyễn Ánh - người về sau là vua Gia Long, chỉ vì can ngăn chúa “đừng cõng rắn cắn gà nhà” mà đã bị giam vào ngục tối. Đứa con trai của họ là hoàng tử Hội An đã bị chúa ném xuống biển chết chìm.

Các nhà nghiên cứu văn hóa - lịch sử đã xác định đây là một câu chuyện hoang đường và hư cấu hoàn toàn. Bởi vì, không có một bà thứ phi nào của vua Gia Long tên là Phi Yến, tục danh Lê Thị Răm. Tương tự, không có hoàng tử nào của vua Gia Long tên là Hội An, tục gọi là “hoàng tử Cải”. Thế phả của Nguyễn Phước Tộc - dòng họ của vua Gia Long, cũng như các sách sử của triều Nguyễn không hề ghi gì về hai nhân vật này. Các nhà sử học từ mấy chục năm qua và mới đây cũng đã chứng minh rõ: vua Gia Long chưa hề đặt chân ra Côn Đảo.

Miếu An Sơn - nơi diễn ra Lễ giỗ Bà Thứ phi Hoàng Phi Yến - Ảnh: NGUYỄN HỮU LỘC
Miếu An Sơn - nơi diễn ra Lễ giỗ Bà Thứ phi Hoàng Phi Yến. Ảnh: Nguyễn Hữu Lộc 

Theo kiến thức trong các giáo trình văn học dân gian, truyền thuyết là chuyện kể của dân gian, dựa trên cốt lõi là sự kiện - nhân vật của lịch sử, được hư cấu trở thành thần thánh, nhằm mục đích thể hiện sự ngưỡng mộ và tôn vinh những người có công với đất nước hoặc với cộng đồng cư dân của một vùng. Với truyền thuyết “bà thứ phi Hoàng Phi Yến” thì cái “lõi lịch sử” không có nên nó hoàn toàn là hư cấu. Nhưng những câu chuyện kể của dân gian đậm chất hoang đường và hoàn toàn hư cấu như thế cũng có nhiều trong kho tàng chuyện cổ dân gian. Điều bất thường là, tác giả của câu chuyện đã hư cấu nên nhân vật “thứ phi Hoàng Phi Yến” trung liệt và linh thiêng, nhưng lại tưởng tượng thêm câu chuyện phi đạo lý “đày vợ, giết con” của chúa Nguyễn Ánh - vua Gia Long, một nhân vật lớn của lịch sử Việt Nam. Có người nói rằng, đã là truyền thuyết thì dân gian có quyền hư cấu. Song, nếu quyền hư cấu đó đã bóp méo lịch sử và làm tổn thương đến nhân vật lịch sử có thật thì có nên hư cấu như vậy không? 

Gần đây, khi du khách đến tham quan, vui chơi tại những khu du lịch mới xây dựng, thường được nghe hướng dẫn viên kể những câu chuyện truyền thuyết về núi sông, suối thác gắn liền với khu du lịch đó. Nghe xong thì du khách hiểu rằng đây là truyền thuyết mới được sáng tác. Có thể chủ nhân khu du lịch “đặt hàng” cho các nhà văn hay nghệ nhân dân gian nào đó sáng tác nên truyền thuyết này để tạo nên màu sắc huyền ảo cho sản phẩm du lịch mới, nhằm hấp dẫn du khách. Điều đó không có gì sai, thậm chí nên khuyến khích. Bởi vì, văn hóa dân gian cũng như “cây đời mãi mãi xanh tươi”, nó cần phải sinh sôi phát triển. Những truyền thuyết thời hiện đại đã tiếp tục làm cho kho tàng văn hóa dân gian dồi dào và trường tồn. Nhưng với điều kiện, nó phải là những câu chuyện kể dân gian hấp dẫn và nhân văn. Nó không thể là câu chuyện bịa đặt bậy bạ và sống sượng, không thể vì mục đích thương mại của mình mà bất chấp làm tổn thương đến người khác. Đó là lý do khiến cho giới nghiên cứu văn hóa - lịch sử bất bình với câu chuyện truyền thuyết “thứ phi Hoàng Phi Yến”.

Tây Nguyên có một kho tàng văn hóa dân gian vô cùng đặc sắc và phong phú. Dường như ngọn núi, con sông, dòng thác... nào cũng gắn liền với những truyền thuyết. Đó đều là những câu chuyện huyền ảo, linh thiêng, được kể ra với mục đích nhân văn và cao thượng. Vì vậy, những người làm du lịch, nhất là các hướng dẫn viên hãy nên khai thác kho tàng quý giá đó mà tạo nên những sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách đến với Tây Nguyên. Nếu có khả năng sáng tác chuyện kể mới, thì hãy cứ sáng tác, nhưng phải học theo dân gian mà làm. Hãy bằng trí tưởng tượng của mình mà nghĩ ra những câu chuyện thật hay, thật hấp dẫn, nhưng không bôi đen, tô xấu người khác, nhất là những nhân vật lịch sử đã được sách sử ghi tạc rõ ràng. Chẳng hạn, có thể kể về những câu chuyện đi săn của vua Bảo Đại ở hồ Lắk, nhưng đừng bịa thêm những chuyện đại loại đây là “ông vua ăn chơi trác táng”...

Truyền thuyết, hay nói rộng hơn là các thể loại chuyện kể dân gian như thần thoại, cổ tích..., là sản phẩm của trí tưởng tượng của cả cộng đồng. Nó luôn làm cho cuộc sống trở nên phong phú, cao đẹp. Nó không phải là chuyện bịa đặt, làm tổn thương cộng đồng!

Minh Tự


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.