Multimedia Đọc Báo in

Nhiều đổi mới trong công tác truyền thông

09:15, 07/01/2019

Kết hợp hài hòa giữa kênh truyền thông địa phương và Trung ương cùng với sự tham gia tích cực của doanh nghiệp truyền thông; tận dụng mạng xã hội để công chúng có thể tham gia vào để truyền tải thông điệp, thể hiện cảm xúc, tạo hiệu ứng tích cực trong cộng đồng mạng xã hội… đó là những đổi mới về phương thức truyền thông, bước đầu mang lại hiệu ứng tích cực, thu hút được sự quan tâm cũng như sự lan tỏa thông tin về Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 năm 2019 trong cộng đồng.

Một tiết mục nghệ thuật trong Lễ Khai mạc Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 năm 2017.
Một tiết mục nghệ thuật trong Lễ Khai mạc Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 năm 2017.

Là đơn vị thực hiện truyền thông Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 năm 2019, Công ty TNHH Truyền thông và Sự kiện Pro đã xây dựng các sản phẩm phù hợp để truyền thông trên mạng xã hội như Facebook, Zalo, Youtube… Với việc thiết kế trên 10 mẫu avatar mang thông điệp về lễ hội để đưa đến cộng đồng mạng sử dụng, đơn vị này đã thu hút hàng ngàn người tham gia, tạo thành làn sóng truyền thông sôi nổi cho lễ hội.

Tại buổi cà phê báo chí về chia sẻ thông tin truyền thông cho Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột do Tiểu ban Truyền thông Lễ hội tổ chức (9-12-2018), ông Phạm Thanh Tuấn, Phó Giám đốc Công ty TNHH Truyền thông và Sự kiện Pro cho biết, hiện có khoảng 10 trang mạng xã hội uy tín trong và ngoài tỉnh được liên kết để truyền thông các hoạt động về lễ hội, thu hút hơn 300 nghìn tổng lượt yêu thích, theo dõi trang. Việc phát huy sức mạnh của các trang mạng xã hội đang mang lại hiệu ứng tích cực cho công tác truyền thông lễ hội. Bên cạnh đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho các phóng viên báo chí tác nghiệp trước, trong và sau lễ hội, Công ty đã đổi mới hình thức cung cấp thông tin cho báo chí bằng phương thức tài khoản dùng chung. Theo đó, những dữ liệu về lễ hội và các thông tin liên quan được tập hợp, cập nhật thường xuyên trên tài khoản google drive (đã được chia sẻ cho các cơ quan báo chí). Trên cơ sở đó, các cơ quan báo chí có thể trao đổi dữ liệu cho nhau một cách nhanh nhất để truyền thông hiệu quả, kịp thời cho lễ hội.

 Phóng viên các cơ quan báo chí  tác nghiệp tại Lễ hội Cà phê Buôn  Ma Thuột lần thứ 6 năm 2017.
Phóng viên các cơ quan báo chí tác nghiệp tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 năm 2017.

Cũng tại buổi cà phê báo chí này, ông Nguyễn Hoàng Dưỡng, Phó trưởng Phòng Báo chí xuất bản (Sở Thông tin – Truyền thông) cho biết, triển khai thực hiện Kế hoạch 10748/KH-UBND của  UBND tỉnh, ngày 6-12-2018 về thông tin và truyền thông cho Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 năm 2019, Sở Thông tin – Truyền thông đã liên tục cập nhật tin, bài, hình ảnh đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh (daklak.gov.vn), trang thông tin Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột (lehoicaphe.vn), fanpage Buon Ma Thuot Coffee Festival…

Bên cạnh công tác truyền thông của Ban tổ chức, để tạo sức lan tỏa trong cộng đồng, thì mỗi người dân, doanh nghiệp đều có thể trở thành “đại sứ” truyền thông cho lễ hội, chuyển tải thông điệp về một lễ hội với nhiều hoạt động kết nối, tôn vinh ngành cà phê, chắt lọc những tinh hoa của đại ngàn đến với bạn bè trong nước và quốc tế, góp phần quảng bá thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột, giá trị văn hóa đặc sắc của cộng đồng Tây Nguyên, từng bước đưa Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk trở thành điểm đến của cà phê thế giới.

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 năm 2019 sẽ diễn ra từ ngày 9-3 đến ngày 16-3-2019. Với chủ đề “Tinh hoa đại ngàn”, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 năm 2019 nhằm tiếp tục quảng bá thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột, góp phần nâng tầm giá trị và khẳng định vị thế cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới; tôn vinh người trồng, chế biến và kinh doanh cà phê; động viên cộng đồng cùng chung tay vun đắp cho sự phát triển của văn hóa cà phê trên địa bàn Đắk Lắk nói riêng và Việt Nam nói chung.

 

Lê Hương


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.