Multimedia Đọc Báo in

Các chuỗi lây nhiễm COVID-19 đáng lưu ý tại TP. Hồ Chí Minh

06:29, 07/07/2021
Tính từ đầu làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư (27-4) đến 6 giờ ngày 6-7, TP. Hồ Chí Minh ghi nhận 7.136 ca bệnh COVID-19, trong đó có 6.675 ca đã được Bộ Y tế công bố, 461 ca chưa công bố.

Đặc điểm lớn nhất của các chuỗi lây nhiễm trong đợt dịch này là chủng vi rút Delta gây lây nhiễm mạnh trong gia đình, hàng xóm, nơi làm việc (đặc biệt là các tòa nhà văn phòng, cơ sở sản xuất thực phẩm đông lạnh). Sự lây nhiễm từ gia đình vào nơi làm việc và từ nơi làm việc về nhà đã làm cho dịch lan tỏa rất nhanh và rộng trên địa bàn thành phố. Các ổ dịch cộng đồng lớn được ghi nhận chủ yếu tại các khu nhà trọ, cụm dân cư tại các quận, huyện vùng ven và khu vực nông thôn đô thị hóa.  Đồng thời đã ghi nhận các bệnh nhân làm việc trong các khu công nghiệp, bệnh nhân là nhân viên y tế, nhân viên văn phòng.

Nhân viên ngành y tế TP. Hồ Chí Minh lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho học sinh trước kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.  Ảnh tư liệu
Nhân viên ngành y tế TP. Hồ Chí Minh lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho học sinh trước kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Ảnh tư liệu

Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện phân nhóm mức độ diễn biến dịch bệnh đối với TP. Thủ Đức, các quận, huyện; nâng cao vai trò của Ban Chỉ đạo các địa phương theo phương châm 5 tại chỗ (nhiệm vụ tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ). Chủ tịch UBND quận, huyện và TP. Thủ Đức toàn quyền quyết định một số vấn đề, trong đó có việc ra lệnh phong tỏa các khu vực trên địa bàn. Sở Y tế hình thành một đội công tác đặc biệt khẩn cấp đến 22 quận, huyện và tăng cường tổ công tác đặc biệt tại những nơi có nguy cơ cao như ga Tân Sơn Nhất, cảng hàng hải, bến xe, nhà ga...

Bên cạnh đó, tại các khu cách ly và khu phong tỏa, thành phố cũng chỉ đạo các ngành chức năng tổ chức lấy mẫu xét nghiệm hằng ngày; tăng cường kiểm tra, ngăn chặn sự tiếp xúc giữa các gia đình; chăm lo đời sống tinh thần cho người cách ly; tiến hành thí điểm test nhanh kháng nguyên tại các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, các ổ dịch, chuỗi lây nhiễm phức tạp.

Ngoài ra, để chủ động ứng phó hiệu quả với diễn biến mới của dịch, tăng cường hiệu quả điều trị cho người mắc COVID-19, nhất là các trường hợp nặng, ngành y tế TP. Hồ Chí Minh đã xây dựng kế hoạch ứng phó COVID-19. Cụ thể, xây dựng kế hoạch tăng số giường điều trị COVID-19 theo kịch bản 10.000 - 15.000 trường hợp mắc COVID-19 theo mô hình “hình tháp ba tầng”. Với mô hình này, hiện thành phố đã có các bệnh viện chuyên trách hồi sức cấp cứu chuyên sâu đối với các trường hợp COVID-19 nặng và nguy kịch (tầng ba của tháp, khoảng 500 - 1.000 giường) và các bệnh viện chuyên điều trị COVID-19 có triệu chứng (tầng hai của hình tháp, khoảng 3.000 - 4.000 giường), với tổng công suất là 5.000 giường. Đồng thời tận dụng các cơ sở hạ tầng sẵn có trên địa bàn thành phố như: ký túc xá các trường đại học, doanh trại quân đội, khu nhà ở xã hội, nhà thi đấu thể thao, khu triển lãm... để làm các cơ sở thu dung điều trị COVID-19.

TP. Hồ Chí Minh hiện có các bệnh viện hồi sức chuyên sâu điều trị các trường hợp COVID-19 nặng và nguy kịch gồm: Chợ Rẫy, Bệnh Nhiệt đới, Điều trị COVID-19 Phạm Ngọc Thạch, Điều trị Covid-19 Trưng Vương, Điều trị Covid-19 Thủ Đức, Nhi Đồng 2, Nhi Đồng thành phố. Các bệnh viện điều trị COVID-19 có triệu chứng gồm: Điều trị COVID-19 Cần Gờ, Điều trị COVID-19 Củ Chi, Điều trị COVID-19 Bình Chánh, Dã chiến Củ Chi.


 Kim Oanh (tổng hợp)

 

 


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.