Multimedia Đọc Báo in

Ban Pháp chế HĐND tỉnh giám sát tại huyện Lắk

18:11, 10/01/2019

Ngày 10-1, Đoàn giám sát của Ban Pháp chế HĐND tỉnh do Trưởng Ban Phạm Hát làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND huyện Lắk

Đoàn đã giám sát việc triển khai thực hiện Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18-7-2016 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn (Nghị định 116) và Nghị quyết số 26/2017/NQ-HĐND ngày 11-10-2017 của HĐND tỉnh Quy định khoảng cách và địa bàn làm căn cứ xác định học sinh không thể đi đến trường và trở về nhà trong ngày; tỷ lệ khoán kinh phí phục vụ việc nấu ăn cho học sinh theo Nghị định 116 trên địa bàn huyện.

Các đại biểu tham dự buổi làm việc.
Quang cảnh buổi làm việc.

Theo báo cáo của UBND huyện Lắk, đối với việc hỗ trợ gạo cho học sinh: Trong năm học 2016 - 2017 trên địa bàn huyện có 10 trường được nhận hỗ trợ gạo với tổng khối lượng là 31.515 kg; năm học 2017 - 2018 toàn huyện có 5 trường với 83 học sinh được nhận gạo hỗ trợ với tổng khối lượng là 11.205 kg. Đối với việc hỗ trợ tiền ăn, nhà ở: năm học 2016 - 2017 đã có 70/92 học sinh được hỗ trợ với số tiền hơn 386 triệu đồng; năm học 2017 - 2018 có 80/83 học sinh được hỗ trợ với số tiền 468 triệu đồng. Riêng đối với Trường THPT Lắk thì trong năm học 2016 - 2017 đã hỗ trợ hơn 53,6 tấn gạo và 1,74 tỷ đồng cho 408 học sinh; năm học 2017 - 2018 hỗ trợ hơn 54 tấn gạo và hơn 2 tỷ đồng cho 413 học sinh; học kỳ I năm học 2018 - 2019 hỗ trợ 26,2 tấn gạo và hơn 1,1 tỷ đồng cho 438 học sinh.

Phó Chủ tịch UBND huyện Lắk Tô Văn Dũng phát biểu ý kiến tại buổi giám sát.
Phó Chủ tịch UBND huyện Lắk Tô Văn Dũng phát biểu ý kiến tại buổi giám sát.

Đối với học sinh học trái tuyến được thụ hưởng theo Nghị định 116, toàn huyện có Trường Tiểu học Lý tự Trọng với 23 học sinh được thu hưởng. Về chính sách hỗ trợ cho nhà trường, toàn huyện có 1 trường tổ chức nấu ăn cho học sinh bán trú, tuy nhiên do tiếp cận thông tin muộn nên đến nay nhà trường đang làm hồ sơ đề nghị hỗ trợ...

Công tác triển khai thực hiện Nghị định 116, Nghị quyết 26 và các văn bản khác trên địa bàn huyện cũng gặp những khó khăn, vướng mắc như: một số nội dung trong Nghị định 116 và Nghị quyết 26 chưa rõ ràng, do đó có sự hiểu chưa đúng nên việc thực hiện chưa thống nhất; địa bàn huyện rộng, các đơn vị đa phần ở vùng sâu, vùng xa nên công tác tổng hợp báo cáo chưa kịp thời…

Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Phạm Hát phát biểu tại buổi giám sát.
Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Phạm Hát phát biểu tại buổi giám sát.

Phát biểu tại buổi làm việc, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Phạm Hát cho rằng việc triển khai Nghị định 116, Nghị quyết 26 và các văn bản khác liên quan trên địa bàn huyện được thực hiện khá bài bản; đặc biệt là lãnh đạo địa phương rất quan tâm đến công tác này. Tuy nhiên, huyện vẫn còn để xảy ra một vài sai sót như: vẫn còn tình trạng cấp thiếu, cấp thừa, cấp sai đối tượng so với quy định; số lượng học sinh được phê duyệt theo quyết định của UBND tỉnh và UBND huyện không khớp với nhau… Về những kiến nghị, đề xuất của huyện Lắk, Đoàn giám sát sẽ tiếp thu, tổng hợp và báo cáo HĐND tỉnh trong thời gian tới.

Theo kế hoạch, Đoàn giám sát của Ban Pháp chế HĐND tỉnh sẽ tiếp tục có những buổi làm việc với UBND các huyện M’Đắk, Krông Bông, Cư Kuin từ ngày 11-1 đến ngày 16-1-2019.

Duy Tiến

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.