Multimedia Đọc Báo in

Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk thảo luận, góp ý Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi)

16:10, 21/10/2020

Tiếp tục thực hiện Chương trình của Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, sáng 21-10, Quốc hội đã nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và tiến hành thảo luận trực tuyến về Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu.

Tham dự phiên họp tại điểm cầu Đắk Lắk có các đồng chí: Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Y Biêr Niê, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; các ĐBQH tỉnh.

Các đại biểu tham dự phiênhọp tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk
Các đại biểu tham dự phiên họp tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk.

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết: Tại Kỳ họp thứ 9, Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) đã được tiếp thu, chỉnh lý tại 42 điều, trong đó đã tập trung làm rõ phạm vi điều chỉnh của Luật; chỉnh lý, bổ sung nội dung giải thích một số từ ngữ liên quan đến cư trú; quy định nguyên tắc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân, nguyên tắc về quản lý cư trú; quy định cụ thể hơn quyền, nghĩa vụ của công dân về cư trú, nghĩa vụ của chủ hộ và thành viên hộ gia đình về cư trú; rút ngắn thời gian thụ lý và giải quyết thủ tục hành chính; rà soát quy định về các trường hợp xóa đăng ký thường trú, xóa đăng ký tạm trú…

Đa số đại biểu đánh giá cao Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) đã tiếp thu, chỉnh lý nhiều nội dung đại biểu góp ý. Các đại biểu cũng góp ý thêm về các quy định liên quan đến khái niệm thường trú, tạm trú, nơi cứ trú, nơi tạm trú; điều kiện đăng ký thường trú, tạm trú; xóa đăng ký thường trú; điều khoản thi hành của Luật…

Đại biểu Ngô Trung Thành đóng góp ý kiến tại phiên họp. Ảnh: quochoi.vn
Đại biểu Ngô Trung Thành đóng góp ý kiến tại phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều đóng góp bổ sung vào Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công dân khi thực hiện các thủ tục hành chính.

Đại biểu Ngô Trung Thành cho rằng: các quy định về nơi cư trú trong dự thảo luật không có cụm từ nào thể hiện yếu tố thường xuyên sinh sống, do vậy nếu đối chiếu riêng các quy định này với quy định của Bộ Luật Dân sự có vẻ không thống nhất. Tuy nhiên, tại Khoản 10, 11 Điều 2 của Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) có giải thích khái niệm nơi thường trú, nơi tạm trú. Theo đó, nơi thường trú là nơi công dân sinh sống ổn định, lâu dài; nơi tạm trú là nơi công dân sinh sống trong một khoảng thời gian nhất định. Như vậy, yếu tố nơi sinh sống ổn định lâu dài, sinh sống trong khoản thời gian nhất định chính là thể hiện nội dung thường xuyên sinh sống trong quy định về nơi cư trú trong Bộ Luật Dân sự. Do vậy, quy định về nơi cư trú, nơi thường trú, nơi tạm trú trong dự thảo luật vẫn bảo đảm tính thống nhất với quy định về nơi cư trú của công dân với Bộ Luật Dân sự.

Đại biểu Nguyễn Duy Hữu đóng góp ý kiến, bổ sung về Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi).
Đại biểu Nguyễn Duy Hữu đóng góp ý kiến, bổ sung về Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi).

Còn theo đại biểu Nguyễn Duy Hữu thì nơi đăng ký thường trú, tạm trú là vấn đề rất quan trọng đối với hoạt động của các cơ quan Tư pháp. Bởi, nếu không xác định được nơi thường trú, tạm trú của công dân thì các văn bản tố tụng không biết phải tống đạt cho người nào, địa chỉ nào. Do đó, ban soạn thảo cần xác định thật kỹ vấn đề nơi đăng ký thường trú, tạm trú để các cơ quan tố tụng thuận lợi trong việc tiến hành nhiệm vụ của mình một cách chính xác, cũng như tránh việc bị các nguyên đơn, bị đơn, những người có nghĩa vụ liên quan căn cứ vào vấn đề này để khiếu nại về sau…  

Duy Tiến

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.