Multimedia Đọc Báo in

Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020

14:37, 11/12/2020

Sáng 11-12, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Tham dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Minh Tấn; Chủ tịch HĐND tỉnh Y Biê Niê; Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kđoh; thành viên Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2016 - 2020 và lãnh đạo các sở, ngành hữu quan.

Theo báo cáo tại hội nghị, được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, trực tiếp là Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia và sự nỗ lực, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương cũng như sự hưởng ứng tích cực thực hiện của cộng đồng, người dân, trong giai đoạn 2016 - 2020, công tác giảm nghèo đã đạt được những kết quả tích cực. Các chính sách dự án thuộc chương trình đã được các cấp, ngành quan tâm, tổ chức triển khai tốt, tác động trực tiếp đến nhiều lĩnh vực của đời sống người nghèo, giúp hộ nghèo phát triển kinh tế, ổn định đời sống. Nguồn vốn đầu tư của chương trình được đảm bảo theo Luật Đầu tư công, được giao trung hạn, tạo điều kiện cho các địa phương chủ động bố trí vốn phù hợp với đặc điểm, nhu cầu trên địa bàn. Chương trình được thực hiện công khai minh bạch từ việc xác định đối tượng hỗ trợ đến việc phân bổ vốn và kiểm tra giám sát. Phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau” được các tỉnh, thành phố triển khai quyết liệt, phấn đấu giảm nghèo nhanh, bền vững với nhiều chính sách đặc thù của địa phương.

Đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn 3,75%, bình quân trong 4 năm giảm 1,53%/năm, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao, giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân của cả nước từ 1-1,5%/năm. Trong 4 năm đã có 1.353.805 hộ/tổng số 2.338.569 hộ nghèo (số liệu năm 2015) đã thoát nghèo (chiếm 58%). Ước đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm còn khoảng 2,75%. Như vậy, sau 5 năm, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm khoảng 1,43%/năm, đạt chỉ tiêu Quốc hội giao. Thu nhập bình quân hộ nghèo đến cuối năm 2018 tăng khoảng 1,4 lần so với cuối năm 2015, dự kiến cuối năm 2020, thu nhập hộ nghèo tăng 1,6 lần, vượt chỉ tiêu đề ra là 1,5 lần.

Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh.
Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, công tác giảm nghèo còn một số hạn chế, đó là kết quả giảm nghèo chưa thực sự mang tính bền vững tại một số địa phương, tỷ lệ tái nghèo trong 4 năm 2016 - 2019 bình quân 4,09%/năm so với tổng số hộ thoát nghèo; tỷ lệ tái nghèo phát sinh tương đối lớn, trung bình giai đoạn 2016 - 2019 là 21,8% so với tổng số hộ thoát nghèo. Chênh lệch giàu nghèo, chên lệch về tiếp cận các dịch vụ cơ bản, tiếp cận thị trường, việc làm giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên; tỷ trọng hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm trên 58,53% tổng số hộ nghèo trong cả nước (số liệu cuối năm 2019)…

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, sau hơn 30 năm qua, Việt Nam là một trong những hình mẫu trên thế giới về thành tựu xóa đói giảm nghèo, là câu chuyện thành công, truyền cảm hứng cho bạn bè năm châu. Đảng và Nhà nước ta luôn nhất quán quan điểm phát triển kinh tế gắn với xã hội, môi trường, trong đó luôn chú trọng giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội. Mặc dù ngân sách còn nhiều khó khăn nhưng Quốc hội, Chính phủ đã tăng nguồn lực đầu tư cho giảm nghèo gấp 2 lần so với giai đoạn trước, 21% ngân sách Nhà nước đã dành cho phúc lợi xã hội, là mức cao nhất trong số các nước ASEAN.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia nghiên cứu trình Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành các nghị quyết, chỉ thị về chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội bền vững đến năm 2030, trình Quốc hội ban hành nghị quyết về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bao trùm và phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn 2045 vì một Việt Nam không có đói nghèo. Tiếp tục hoàn thiện hỗ trợ người nghèo, chuẩn nghèo đa chiều, ưu tiên trẻ em, đồng bào dân tộc thiểu số, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau.

Đồng thời, đầu tư hạ tầng kinh tế xã hội ở các vùng khó khăn, nhất là hạ tầng giao thông kết nối để tạo cơ hội giao thương, việc làm, đầu tư cho giáo dục và dạy nghề, tạo điều kiện thông thương là con đường căn bản để giảm nghèo bền vững, tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận nguồn lực để họ tự vươn lên. Cần tạo điều kiện cho người dân chủ động hơn, năng động hơn, có năng lực, động lực lớn hơn, được trao quyền tự quyết nhiều hơn trong việc thực hiện các mô hình giảm nghèo từ xây dựng chính sách đến tổ chức thực hiện. Chính quyền phải sát dân hơn, nắm vững từng hộ để có biện pháp hỗ trợ cụ thể.

Kim Oanh

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.