Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV

Kiến nghị tăng và bổ sung hình phạt đối với các tội danh xâm hại trẻ em

17:28, 27/05/2020

Ngày 27-5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu đã tiến hành giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em (PCXHTE).

Theo báo cáo của Chính phủ, từ ngày 1-1-2015 đến ngày 30-6-2019, cả nước đã phát hiện, xử lý 8.442 vụ xâm hại trẻ em, với 8.709 trẻ em bị xâm hại; 790.518 trẻ em lao động không đúng quy định; 156.932 trẻ bị bỏ rơi, bỏ mặc và khoảng 13.489 trẻ em tảo hôn.
 
Nhiều vụ xâm hại trẻ em xảy ra nơi kín đáo, biệt lập, hoặc xảy ra trong thời gian dài mới bị phát hiện… Nhiều đối tượng xâm hại lợi dụng mạng xã hội, lấy tên, địa chỉ, nhân thân giả nên việc thu thập thông tin, điều tra, xử lý của các cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn, dẫn đến việc chưa phản ánh đầy đủ tình hình trẻ em bị xâm hại trên thực tế.
 
f
Toàn cảnh Kỳ họp tại Hội trường Diên Hồng. Ảnh: quochoi.vn
Thảo luận về vấn đề này, nhiều đại biểu cho rằng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần có điều tra khoa học, bài bản, thống kê cụ thể hơn về số liệu trẻ em xâm hại trong thời gian qua, bao gồm trẻ em bị bạo lực, bóc lột, xâm hại, mua bán, bỏ rơi, bỏ mặc… và các hình thức gây tổn hại khác theo Luật Trẻ em để dự báo tình hình xâm hại trẻ em trong tương lại cũng như phục vụ công tác xây dựng chính sách trong giai đoạn tới. 
 
Do đó, trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về PCXHTE” cần có nội dung yêu cầu Chính phủ khẩn trương lồng ghép kế hoạch hành động quốc gia về PCXHTE như là một hợp phần quan trọng của chương trình quốc gia, đưa ra chỉ tiêu cụ thể trong việc giảm thiểu số lượng trẻ em bị xâm hại cùng các giải pháp theo lộ trình và có phân công trách nhiệm cụ thể cho cơ quan, tổ chức hữu quan.
 
f
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên họp. Ảnh: quochoi.vn
 
Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cũng cho rằng, hiện nay có nhiều nguy cơ rủi ro đối với trẻ em trên môi trường mạng. Do đó, kiến nghị các bậc phụ huynh dành quan tâm thỏa đáng hướng dẫn cho con, em mình sử dụng mạng an toàn và hướng cho các em trở thành công dân có trách nhiệm trên mạng xã hội. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đưa nội dung giảng dạy về an toàn trên môi trường mạng vào giờ học tin học; Bộ Công an cần thông tin đầy đủ về thủ đoạn của loại tội phạm này để trẻ em và gia đình đề cao cảnh giác, đồng thời tăng cường biện pháp nghiệp vụ để ngăn chặn hiệu quả hành vi phạm tội.
 
Nhận định từ thực tế, nhiều đại biểu cho biết, đối tượng xâm hại trẻ em hầu hết là những người thân quen, lợi dụng sự ngây thơ của trẻ em để lạm dụng; có những tội phạm tái phạm nhiều lần… Vì vậy, Chính phủ, các cơ quan liên quan cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ trẻ em; nghiên cứu, đề xuất Quốc hội hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng và bổ sung hình phạt đối với các tội danh xâm hại trẻ em; mở rộng hình thức phạt như: “thiến hoá học”, nâng mức xử phạt hành chính, lao động công ích, công khai danh tính kẻ xâm hại… để răn đe đối tượng xâm hại, tránh đối tượng tái phạm. 
 
f
Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Y Khút Niê phát biểu thảo luận tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk
 
Tham gia thảo luận tại phiên họp, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Y Khút Niê nêu ý kiến: Hiện nay, chế tài xử phạt đối với hành vi xâm hại trẻ em còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe; công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật trong lĩnh vực trẻ em còn chưa thường xuyên và thiếu linh hoạt; việc đầu tư nguồn lực cho công tác PCXHTE chưa thật sự ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ đề ra...
 
Ông Y Khút Niê đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành liên quan xem xét, có biện pháp xử lý nghiêm đối với trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức thiếu sự quan tâm, chậm tổ chức, triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về PCXHTE. Chính phủ chỉ đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội rà soát lại Luật Hôn nhân và Gia đình để kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Các địa phương, tổ chức chính trị - xã hội, gia đình tăng cường công tác giáo dục truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đồng thời chú trọng chăm sóc, bảo vệ con em mình, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình chăm sóc, bảo vệ trẻ em trong thời gian tới.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.