Multimedia Đọc Báo in

Kinh tế Việt Nam qua đánh giá của dư luận thế giới

09:49, 24/08/2010

"Việt Nam là thị trường khổng lồ, tiềm năng, một trong những nền kinh tế năng động nhất châu Á"- đó là đánh giá của tờ Mirror (Tấm gương) của Đức số ra trung tuần tháng 8-2010 để nói về sự trỗi dậy ngoạn mục của nền kinh tế Việt Nam. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc những đánh giá mới nhất của dư luận thế giới nói về tình hình kinh tế - xã hội của  nước ta trong những tháng đầu năm 2010.

1. Kinh tế Việt Nam phát triển đều cả nông nghiệp lẫn công nghiệp
Trong số ra ngày 22-7-2010, tạp chí Nhà kinh tế  (The Economist) của Anh đã đưa ra những đánh giá do Phân ban Phân tích thông tin kinh tế (EIU) thực hiện. Theo EIU, tổng sản phẩm GDP  của Việt Nam năm 2010 có thể đạt 6,4% (tăng 0,2 %) so với dự báo cũ. Sự tăng trưởng của Việt Nam đều ở cả lĩnh vực công nghiệp lẫn nông nghiệp, đặc biệt là xuất khẩu. Điều này cho thấy nền kinh tế của Việt Nam đang bắt đầu phục hồi và phát triển mạnh. Cũng theo EIU, dự kiến công nghiệp của Việt Nam sẽ tăng mạnh trong năm 2010 và 2011 do đầu tư nước ngoài tăng nhanh. Bằng chứng là trong 6 tháng đầu năm 2010, sản xuất công nghiệp vượt năm 2009 tới 13,6%, trong đó đầu tư nước ngoài tăng 17%, riêng lĩnh vực xây dựng ở Việt Nam tăng trưởng nhanh, quý I-2010 tăng 11,5%. Trong 6 tháng đầu năm 2010, cả nước có khoảng 438 dự án mới được cấp phép đầu tư với tổng vốn đăng ký 7,9 tỷ USD, tăng 43% so với năm 2009. Tính chung cả cấp mới lẫn tăng vốn 6 tháng năm 2010 các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam 8,43 tỷ USD, bằng 80,9% so với cùng kỳ năm 2009. Các lĩnh vực được đầu tư nhiều nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, kinh doanh bất động sản, sản xuất và phân phối điện. Trong 6 tháng đầu năm 2010, có 39 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, các nhà đầu tư lớn bao gồm Hà Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản... và địa phương thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài có Bà Rịa-Vũng Tàu, Quảng Ninh, TP. Hồ Chí Minh và Nghệ An. Về lĩnh vực nông nghiệp, 6 tháng đầu năm 2010, cả nước xuất khẩu được 2,9 triệu tấn gạo, kim ngạch đạt 1,3 tỷ USD, với mức giá bình quân 513,43 USD/tấn, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

 

2."Kinh tế Việt Nam đang bùng nổ"
Đó là tiêu đề bài viết của phóng viên Jenni Rith của tờ Mirror (Đức) số ra 15-8-2010 nói về sự trỗi dậy của nền kinh tế Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á. Theo Jenni Rith, Việt Nam là một thị trường khổng lồ, năng động nhất khu vực và là bạn hàng lớn của Đức trong lĩnh vực xuất khẩu hồ tiêu, cà phê và hàng may mặc. Đức hiện có trên 200 doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam với nhiều tên tuổi nổi tiếng như Siemens, Adidas hay Bosch... Cũng theo bài viết trên, một trong những thế mạnh của Việt Nam là có lực lượng công nhân trẻ tuổi, có kiến thức, thậm chí nếu so với Trung Quốc thì giá nhân công của Việt Nam còn rẻ hơn và có tính cạnh tranh hơn. Chưa hết Việt Nam còn có nhiều chính sách được nới lỏng, đổi mới... Ví dụ  từ năm 2009, công ty nước ngoài được phép thuê đất sử dụng riêng hoặc tham gia lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng trong bối cảnh Việt Nam vẫn còn yếu lĩnh vực này.

3. Bài học về mở cửa và phát triển kinh tế của Việt Nam
Nhật báo Young Africa (Châu Phi Trẻ) số ra cuối tháng 7-2010 đã dành hẳn một dung lượng lớn đăng tải bài viết ca ngợi chính sách mở cửa và phát triển kinh tế của Việt Nam. Tác giả bài viết, ông Alaine Faujas cho biết nhờ định hướng đúng đắn, dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam mà mức tăng trưởng kinh tế hằng năm của Việt Nam rất cao. Bằng chứng là chỉ trong vòng 20 năm, tỷ lệ người nghèo thu nhập có dưới 20.000 đồng/ngày đã giảm  từ 70% dân số xuống còn 11%.

 

4. Báo chí Mỹ ca ngợi Việt Nam
Một trong những sự kiện rất đáng quan tâm là trong tháng 7-2010 Việt Nam và Mỹ đã kỷ niệm 15 năm ngày thành lập mối quan hệ ngoại giao. Nhân sự kiện này, giới truyền thông Mỹ đã có nhiều bài viết ca ngợi mối quan hệ cũng như thành tựu kinh tế- xã hội mà Việt Nam đã được. Theo Tiến sĩ Richard Cronin, Giám đốc chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Henry Sitimson (trụ sở tại Washington), Việt Nam thực sự là quốc gia năng động và quan trọng trong khu vực. Thượng nghị sĩ Jim Webb, Chủ tịch Tiểu bang Đông Á-Thái Bình Dương thuộc Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ cũng cho rằng với thành tích đạt được trong khuôn khổ hợp tác Việt - Mỹ trong những năm gần đây Việt Nam đóng vai trò vô cùng quan trọng trong ASEAN. Chính phủ Việt Nam đã tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty nước ngoài đến làm ăn, trong đó có Mỹ. Thượng nghị sĩ Jim Webb đánh giá cao chính sách mở cửa của Việt Nam trong vấn đề tự do tôn giáo, đây chính là bước đột phá giúp hai nước xóa bỏ khác biệt tiến tới hợp tác chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn.

Khắc Hùng (Theo Net/AF/AFP/Reuters - 8-2010)

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.