Multimedia Đọc Báo in

Xã Pơng Drang (huyện Krông Buk): Huy động sức dân xây dựng đường giao thông nông thôn

10:22, 28/09/2011

Đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống đường giao thông nông thôn là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Vì vậy, ngoài nguồn vốn của Nhà nước, rất cần sự chung tay, góp sức của cộng đồng để đẩy nhanh tiến độ xây dựng mạng lưới giao thông nông thôn. Nhận thức được điều này, xã Pơng Drang (huyện Krông Buk) đã có nhiều cách làm hay để huy động sức dân làm đường giao thông nông thôn.

Xã Pơng Drang có hai trục giao thông quan trọng đi qua là Quốc lộ 14 (dài 7,4 km) và Tỉnh lộ 8 (dài 3,5 km). Toàn xã có 21 thôn, buôn với tổng chiều dài đường giao thông nông thôn và đường liên xã trên 227 km. Trước đây, do hệ thống đường giao thông nông thôn chưa được đầu tư, nâng cấp đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của xã. Khắc phục điểm yếu này, những năm qua, cấp ủy đảng, chính quyền xã đã chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết 33 về xây dựng đường giao thông nông thôn. Nhờ chủ trương đúng đắn, thiết thực, phù hợp với nguyện vọng của người dân nên được đông đảo bà con hưởng ứng, tạo thành một phong trào có sức lan tỏa rộng. Các thôn, buôn đã đẩy mạnh phong trào làm đường giao thông nông thôn, coi đó là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong chiến lược phát triển kinh tế. Xã đã thành lập ban chỉ đạo làm đường giao thông nông thôn, các thôn, buôn cũng bầu ra ban vận động, ban xây dựng và ban giám sát công trình, trong đó thành viên của các ban là đảng viên và quần chúng có uy tín, được nhân dân tín nhiệm. Các đoàn thể, mặt trận trong xã, thôn phối hợp chặt chẽ đi sâu phổ biến, tuyên truyền, vận động đến từng hộ dân; đài truyền thanh xã dành nhiều thời lượng tuyên truyền, phát động làm đường giao thông nông thôn. Đồng thời, các thôn, buôn đã tiến hành họp dân, lấy ý kiến đóng góp của dân trong quá trình thực hiện nâng cấp, cải tạo các tuyến đường giao thông. Ngoài ra, ban tự quản các thôn, buôn còn giao nhiệm vụ cho ban vận động đến từng hộ dân để tuyên truyền, vận động đóng góp, ban xây dựng thiết kế công trình công khai các khoản tài chính để nhân dân giám sát, kiểm tra. Nhờ vậy, việc triển khai làm đường giao thông liên thôn, buôn đã đạt kết quả cao.

Ban tự quản thôn 9 (xã Pơng Drang, huyện Krông Buk) kiểm tra việc bảo quản đường giao thông liên thôn.
Ban tự quản thôn 9 (xã Pơng Drang, huyện Krông Buk) kiểm tra việc bảo quản đường giao thông liên thôn.
Từ năm 2008 trở về trước, nhiều tuyến đường đất nội thôn 9 bị xuống cấp nghiêm trọng. Hầu hết mặt đường chỉ rộng 2-3m, qua nhiều năm sử dụng không được tu sửa nên ngày càng xuất hiện nhiều ổ voi, ổ gà, mùa nắng bụi mù, mùa mưa lầy lội, xói lở ảnh hưởng đến việc đi lại, vận chuyển hàng hóa và sinh hoạt của người dân. Từ chủ trương của xã và tình hình thực tế của thôn, ban tự quản, các đoàn thể đã quyết định huy động sức dân để nâng cấp, cải tạo lại đường. Trưởng thôn Vũ Quang Nghĩa thổ lộ: nhờ được tuyên truyền, vận động và phát huy quyền làm chủ nên người dân rất đồng tình, ủng hộ, bàn bạc, đóng góp ý kiến sôi nổi, từ mức đóng góp tiền của đến thi công, giám sát công trình. Theo đó, tất cả các hộ dân trong thôn đều đóng góp từ 100.000 – 150.000 đồng cho quỹ xây dựng đường giao thông nông thôn. Sau đó, những hộ dân ở khu vực được chọn làm đường sẽ đóng thêm từ 300.000 – 400.000 đồng/m chiều ngang đất theo mặt đường. Những hộ có xe gắn máy đóng thêm 50.000 đồng/xe, xe máy cày 100.000-200.000 đồng/xe, xe ô tô các loại từ 300.000-1.000.000 đồng/xe. Ông Đậu Công Trường, một người dân trong thôn chia sẻ: khi được Ban tự quản thôn phổ biến chủ trương huy động sức dân làm đường giao thông nông thôn, nhận thấy đây là việc làm ý nghĩa, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển nên gia đình tôi đồng tình hưởng ứng; tự nguyện tháo dỡ công trình, hoa màu, đóng góp 28 triệu đồng để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thi công mở rộng mặt đường. Từ ngày con đường được thảm nhựa, việc đi lại làm ăn buôn bán, học hành của người dân không còn vất vả như trước nữa”. Nhờ vậy,  thôn 9 đã huy động được hơn 2 tỷ đồng và hàng nghìn ngày công để thảm nhựa 4 km đường; nâng cấp, tu sửa hơn 13 km đường giao thông nông thôn. Đồng thời, người dân trong thôn cũng đóng góp hơn 32 triệu đồng để mắc điện chiếu sáng trên các tuyến đường nội thôn. Với cách làm tương tự trên, từ năm 2007 đến nay, xã đã huy động người dân đóng góp gần 4 tỷ đồng và hàng chục nghìn ngày công để sửa chữa, nâng cấp 40 km đường giao thông nông thôn. Cùng với việc đóng góp cải tạo các tuyến đường, công tác duy tu, bảo dưỡng đã được chính quyền và người dân ở đây quan tâm đúng mức. Những con đường làm xong được giao trực tiếp cho các thôn, buôn quản lý, sửa chữa.

Ông Lục Duy Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Pơng Drang cho biết, xác định giao thông phải đi trước một bước và giao thông có thuận lợi mới đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương… nên xã đã xây dựng Nghị quyết 33 về phát triển giao thông nông thôn, trong đó chú trọng việc huy động sức dân sửa chữa, nâng cấp đường giao thông. Giải pháp chính mà xã thực hiện để huy động sức dân là thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của người dân trong bàn bạc, thảo luận từ mức đóng góp, cách thức làm, trách nhiệm kiểm tra, giám sát, nghiệm thu công trình v.v… đồng thời kịp thời khen thưởng những tổ chức, cá nhân tích cực vận động, đóng góp xây dựng công trình. Nhờ vậy, xã đã có một diện mạo mới, bộ mặt nông thôn đổi thay đáng kể.

Nguyễn Xuân

Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.