Multimedia Đọc Báo in

Gam màu sáng trong bức tranh kinh tế Dak Lak năm 2013

09:47, 30/01/2014

Năm 2013, mặc dù bối cảnh tình hình kinh tế trong nước tiếp tục gặp nhiều khó khăn, hoạt động của nhiều doanh nghiệp (DN) kém hiệu quả, sản xuất, kinh doanh bị đình trệ cùng với điều kiện thời tiết không thuận lợi... nhưng tình hình kinh tế của Dak Lak vẫn tiếp tục có những bước phát triển với tốc độ tăng trưởng trên 7% .

Dấu ấn tăng trưởng

Các tổ chức tín dụng đẩy mạnh hoạt động cho vay đã góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho các thành phần kinh tế
Các tổ chức tín dụng đẩy mạnh hoạt động cho vay đã góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho các thành phần kinh tế.

Theo đánh giá của UBND tỉnh, các chỉ tiêu kinh tế năm 2013 dù không đạt kế hoạch nhưng đều tăng so với năm 2012. Cụ thể: tổng sản phẩm xã hội (giá so sánh năm 1994) ước đạt 16.008 tỷ đồng, bằng 94,3% kế hoạch, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước; trong đó ngành nông, lâm, ngư nghiệp ước đạt 7.163 tỷ đồng, bằng 97,2% kế hoạch, tăng 3,6%; ngành công nghiệp - xây dựng ước đạt 2.725 tỷ đồng, bằng 92,7% KH, tăng 5,6%; ngành dịch vụ ước đạt 6.120 tỷ đồng, bằng 91,8% kế hoạch, tăng 12,8%. Một trong những điểm sáng của nền kinh tế tỉnh nhà năm 2013 là sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp, giữ vai trò quan trọng trong ổn định kinh tế và đời sống nông thôn, góp phần chủ yếu trong duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn tỉnh. Điểm nổi bật nhất trong sản xuất nông nghiệp là trồng trọt, sản lượng lương thực cây có hạt ước đạt 1,2 triệu tấn, tăng 116.623 tấn, đạt 111% so với KH. Việc hỗ trợ người dân thực hiện tái canh cây cà phê theo Chương trình phát triển cà phê bền vững được chính quyền địa phương các cấp quan tâm. Công tác chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng được đẩy mạnh, các loại giống lai, giống tốt được đưa vào sản xuất đại trà và đặc biệt là việc chủ động được nguồn nước tưới đã góp phần làm tăng năng suất cây trồng, nhất là giống lúa và ngô. Việc áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp ngày càng mở rộng, nhất là ở các khâu làm đất, gieo trồng và thu hoạch... đã góp phần làm tăng năng suất, nâng cao chất lượng nông sản.

Đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp  góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Năm 2013, trong khi các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp gặp nhiều khó khăn bởi suy thoái kinh tế thì công nghiệp cơ khí vẫn phát triển khá ổn định, phục vụ đắc lực cho hoạt động sản xuất nông nghiệp, giữ vai trò quan trọng góp phần thúc đẩy cơ giới hóa nền nông nghiệp nông thôn tại địa phương. Bên cạnh các doanh nghiệp cơ khí tập trung, tại hầu khắp các xã, phường thị trấn trong tỉnh còn có các làng nghề và cơ sở sản xuất cơ khí thủ công. Tuy chưa có kỹ thuật chế tạo hiện đại nhưng sản phẩm thủ công lại rất đa dạng về mẫu mã và chủng loại, góp phần tạo việc làm cho hàng nghìn lao động, nhất là ở khu vực nông thôn. Các sản phẩm bơm tưới cà phê của cơ khí Đăng Phong, Bắc Trường, Văn Thể… hỗ trợ đắc lực cho người nông dân, trở thành thương hiệu của cơ khí Dak Lak. Ngoài ra, những sản phẩm cơ khí phục vụ cho công nghiệp chế biến cà phê và các loại nông sản cũng là một trong những thế mạnh của công nghiệp cơ khí vẫn tiếp tục khẳng định thương hiệu trên thị trường: giàn đánh bóng cà phê của Công ty TNHH Xuân Hòa, Viết Hiền; máy hái cà phê của cơ khí Vinh Long; cối xay cà phê của cơ khí Hưng Phát, Văn Minh…. Có thể khẳng định những sản phẩm của công nghiệp cơ khí tỉnh đã góp phần rất lớn cho sản xuất nông nghiệp; đặc biệt trong quá trình xây dựng nông thôn mới, chính ngành công nghiệp cơ khí đang từng bước hỗ trợ đắc lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Tuy số lượng không nhiều, chỉ khoảng 30 doanh nghiệp và hơn 50 cơ sở nhưng các sản phẩm cơ khí của tỉnh đang ngày càng khẳng định chất lượng và thương hiệu bởi có sự đột phá về khâu kỹ thuật trong sản xuất. Theo đánh giá của Hội Cơ khí Dak Lak, ngành cơ khí ngày càng có nhiều đóng góp quan trọng cho nền kinh tế của tỉnh cả về giá trị sản xuất và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường, trong đó đáng chú ý là cơ khí sản xuất máy nông cụ. Ước tính ngành cơ khí thu hút khoảng từ 3.000 đến 4.000 lao động khu vực nông thôn. Cũng chính sự phát triển của ngành cơ khí gắn bó mật thiết với sản xuất nông nghiệp của địa phương đã tạo nên sự tương tác rõ rệt. Đó là trong tiến trình cơ giới hóa nông nghiệp, các sản phẩm cơ khí trong tỉnh đã phục vụ và hỗ trợ tích cực cho hoạt động sản xuất của người nông dân và ngược lại, chính nhu cầu phát triển của ngành nông nghiệp đã tạo nên thị trường ổn định nhưng cũng đầy cạnh tranh để ngành cơ khí không ngừng cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm. 

Tăng trưởng tín dụng cũng là một trong những gam sáng của bức tranh kinh tế Dak Lak năm 2013. Trong năm, các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn đã triển khai đồng bộ, kịp thời cơ chế, chính sách của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về tiền tệ, tín dụng; chấp hành nghiêm túc các chính sách tiền tệ của Chính phủ, đặc biệt là các quy định về lãi suất và tỷ giá để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ gia đình; tập trung nguồn vốn để cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hộ gia đình tiếp cận nguồn vốn vay để sản xuất kinh doanh... Điểm nổi bật nhất là các NH thương mại đã sử dụng cùng lúc 2 giải pháp hỗ trợ khách hàng, gồm: liên tục hạ lãi suất cho vay mới và điều chỉnh giảm lãi suất các khoản vay cũ. Đối với việc điều chỉnh giảm lãi suất các khoản vay cũ, tính đến hết tháng 9-2013, tỷ trọng dư nợ có lãi suất dưới 13%/năm chiếm xấp xỉ 65%; dư nợ có lãi suất từ 13%-15%/năm chiếm 34% và đặc biệt là dư nợ có lãi suất trên 15%/năm chỉ còn 1,1% so với tổng dư nợ - đây là con số khá thấp so với mức 8% của toàn quốc. Được biết, trước thời điểm thực hiện điều chỉnh giảm lãi suất các khoản vay cũ theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN Việt Nam (tháng 7-2012), dư nợ cho vay có lãi suất trên 15%/năm chiếm gần 66% tổng dư nợ cho vay trên địa bàn. Bên cạnh việc điều chỉnh giảm lãi suất các khoản vay cũ, các tổ chức tín dụng trên địa bàn cũng đã liên tục giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay mới. Từ những nỗ lực của hệ thống ngân hàng trên địa bàn, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ, nhất là từ quý II-2013 đến nay. Tính đến hết tháng 10-2013, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt khoảng 38.343 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm trước, tăng 10,5% so với đầu năm. Tính về doanh số cho vay, chỉ trong vòng 10 tháng năm 2013, các TCTD trên địa bàn đã đưa ra nền kinh tế khoảng 48.576 tỷ đồng, tăng hơn 12% so với cùng kỳ năm trước. Đánh giá về kết quả cho vay năm 2013 của hệ thống ngân hàng Dak Lak, nhiều khách hàng cho rằng, cơ cấu tín dụng đã có sự dịch chuyển theo đúng định hướng của địa phương, tập trung chủ yếu vào khu vực nông lâm nghiệp, tư nhân cá thể - một trong những ngành nghề, lĩnh vực tạo sức sống cho nền kinh tế của tỉnh. Đây cũng là một trong những đóng góp quan trọng giúp các ngành kinh tế mũi nhọn tiếp tục vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất và vươn lên, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Năm 2013, hoạt động cơ khí tiếp tục hỗ trợ đắc lực cho sản xuất nông nghiệp, nông thôn.
Năm 2013, hoạt động cơ khí tiếp tục hỗ trợ đắc lực cho sản xuất nông nghiệp, nông thôn.

Những giải pháp đột phá

Để đạt được tốc độ tăng trưởng, UBND tỉnh đã đề ra những giải pháp cơ bản, trong đó tỉnh tiếp tục triển khai có hiệu quả sự chỉ đạo của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội; tăng đầu tư để ổn định và phát triển sản xuất nông nghiệp. Tập trung chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành một số công trình thủy lợi đưa vào sử dụng, huy động các nguồn lực để triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 theo 19 tiêu chí gắn với phong trào thi đua “Chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới”. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Quyết định số 1158/QĐ-UBND ngày 19-6-2013 của UBND tỉnh ban hành Chương trình hành động thực hiện Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 19-2-2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013-2020 của tỉnh. Phấn  đấu  từng  bước  tạo  đà  tăng  trưởng  cao  của  ngành  công  nghiệp; sớm rà soát xây dựng và điều chỉnh bổ sung cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện của tỉnh, của thị trường; phát triển các cụm công nghiệp, khu công nghiệp theo hướng tập trung; liên kết để khuyến khích các thành phần kinh tế tập trung đầu  tư  phát  triển  những  sản  phẩm  có  lợi  thế  cạnh tranh  cao;  phát  triển  công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp sử dụng đầu vào là các sản phẩm nông, lâm, thủy sản.

Để tạo sức bật cho sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, được tỉnh triển khai sâu rộng đến các cấp, các ngành và được người dân đồng tình hưởng ứng. Sau 3 năm triển khai chương trình, bước đầu đã góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, kết cấu hạ tầng nông thôn từng bước được đầu tư, nhiều mô hình phát triển kinh tế mang lại hiệu quả, đời sống của người dân ngày càng nâng lên. Cùng với thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, năm 2013, các địa phương trong tỉnh cũng đã đẩy mạnh việc triển khai mô hình cánh đồng mẫu lớn có sự liên kết chặt chẽ “4 nhà” bước đầu mang lại hiệu quả cao với năng suất và chất lượng vượt trội, mở ra hướng phát triển mới cho ngành nông nghiệp.

Năm 2014, nền kinh tế cả nước được dự báo tiếp tục trên đà phục hồi mạnh mẽ nhưng cũng đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn. Đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng như: từng bước thực hiện cơ cấu các ngành kinh tế hợp lý; huy động và sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư phát triển… là những giải pháp căn cơ, nhất quán từ Trung ương đến địa phương để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, đà phục hồi kinh tế. Dak Lak cũng đã đề ra một số giải pháp cho năm 2014: tập trung thực hiện tốt công tác thu hút đầu tư nước ngoài: tăng cường quản lý vốn đầu tư từ ngân sách và vốn Trái phiếu Chính phủ; cương quyết đình, hoãn giãn tiến độ, cắt giảm các công trình chưa thực sự cấp bách, cấp thiết, hạn chế tối đa việc khởi công dự án mới. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử theo lộ trình đã hoạch định và thực hiện tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, lãng phí; phát triển Khoa học và Công nghệ; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế... Với những giải pháp cụ thể kèm theo các biện pháp quyết liệt trong triển khai thực hiện, chắc chắn năm 2014, kinh tế - xã hội tỉnh ta sẽ có những bước phát triển đáng mừng.

Lê Ngọc – Lê Hương

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.