Multimedia Đọc Báo in

Hợp tác xã chung tay xây dựng nông thôn mới

14:15, 28/01/2014

Trong nỗ lực xây dựng nông thôn mới (NTM), nhiều hợp tác xã (HTX) đã phát huy tốt vai trò hoàn thành tiêu chí số 13 về hình thức tổ chức sản xuất; đồng thời đóng góp tích cực vào việc nâng cao thu nhập cho nông dân và xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu làm thay đổi căn bản diện mạo nông thôn trong thời kỳ hội nhập.

Tăng thu nhập cho nông dân

Năm 2013, những nông dân làm lúa thuộc HTX Nông nghiệp Thành Lợi (xã Ea Ô, huyện Ea Kar) rất phấn khởi vì giá lúa của địa phương bán ra cao hơn giá thị trường 1.000 đồng/kg nhờ chất lượng gạo thơm ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng. Nông dân Triệu Xuân Úy, ở thôn 7A vui vẻ cho hay, năm nay gia đình làm theo phương án của HTX là chọn những giống lúa thơm để gieo sạ thử nghiệm. Hiệu quả ngoài mong đợi, năng suất rất cao, bình quân 2 vụ là 8 tạ/sào. Không những thế, lúa trên đồng chưa gặt xong thương lái đã đến hỏi mua tấp nập với giá cao hơn mức giá lúa thông thường, sau khi trừ chi phí, gia đình ông thu về trên 50 triệu đồng. Theo ông Phạm Phi Cường, Chủ nhiệm HTX: năm 2013 HTX tham gia xây dựng 2 cánh đồng mẫu trong vụ đông xuân và hè thu, diện tích mỗi vụ là 20 ha. Với suy nghĩ cần phải nâng giá trị hạt gạo, tăng thu nhập cho các hộ sản xuất và xã viên, ông đã mạnh dạn đưa các giống lúa chất lượng cao vào sản xuất trên cánh đồng mẫu, gồm: Hương thơm, Nàng Hương, RVT thay thế các giống lúa như: VND, TR64… Trong vụ đông xuân, giống Hương thơm cho năng suất rất cao, bình quân 9 tạ/sào, nông dân phấn khởi vô cùng và hưởng ứng nhiệt tình. Đến vụ hè thu, HTX tiếp tục thí điểm giống lúa cho gạo ngon hơn là Nàng Hương và RVT, năng suất đạt bình quân 7 tạ/sào nhưng giá bán lúa rất cao 7.400 đồng/kg, trong khi các giống lúa khác chỉ bán được khoảng từ 6.000 - 6.400 đồng/kg; giá gạo do các nhà máy xay xát bán ra từ 13.000 - 14.000 đồng/kg. Những hộ trồng các giống lúa này có thu nhập tăng đáng kể, đến vài chục triệu/ha. Không dừng lại ở việc nâng cao thu nhập của nông dân thông qua việc nâng cao chất lượng giá trị sản phẩm lúa gạo, HTX Thành Lợi còn đang dự tính xây dựng quy trình sản xuất khép kín từ đầu vào đến đầu ra. Theo đó, HTX đã trình Sở Công thương đầu tư cho hệ thống máy xay xát trị giá 700 triệu đồng và hệ thống bảo quản nông sản sau thu hoạch gồm: một nhà kho, 2 lò sấy với diện tích 200 m2 từ nguồn vốn của chương trình xây dựng NTM. Ông Cường cho biết, người dân làm lúa gặp rất nhiều rủi ro từ thời tiết, những năm mưa nhiều, lúa thu hoạch về không phơi được, máy sấy không có, nhiều hộ lúa bị lên mầm gần hết, nông dân thất thu, nguồn vốn để tái đầu tư cũng xem như mất. Trước thực tế đó, HTX đang từng bước thực hiện mục tiêu song song với việc xây dựng vùng lúa chất lượng cao sẽ tiến hành xây dựng một cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ quy trình sản xuất khép kín cho bà con và tiến tới xây dựng thương hiệu gạo cho riêng vùng Ea Ô.

Nông dân tham quan cánh đồng mẫu lúa nước của HTX Thành Lợi.
Nông dân tham quan cánh đồng mẫu lúa nước của HTX Thành Lợi.

Chung tay làm đường giao thông nông thôn

Cũng là HTX nông nghiệp nhưng HTX Công Bằng ở xã Ea Kiết (huyện Cư M’gar) lại hoạt động ở lĩnh vực cà phê. Ngoài việc giúp nông dân tăng thu nhập bằng chương trình sản xuất cà phê bền vững, HTX còn tham gia tích cực vào hoạt động xây dựng đường giao thông nông thôn và bảo vệ môi trường trong xây dựng NTM. Dẫn chúng tôi ra xem con đường đang được thi công ở thôn 9, ông Trần Thanh Sơn, Phó Chủ nhiệm HTX cho biết, đây là con đường liên thôn, nối thôn 8 thôn 9 và đi xã Ea Kuêh, vốn là đường đất, luôn trong tình trạng nắng bụi, mưa lầy, người dân đi lại rất vất vả, nhất là các em học sinh đi học. Trước thực trạng trên, chính quyền địa phương và HTX thống nhất làm một con đường bê-tông dài 1 km với tổng kinh phí 872 triệu đồng, trong đó HTX đầu tư 600 triệu đồng được trích từ nguồn quỹ phúc lợi tiền thưởng bán cà phê chất lượng cao. Con đường khi hoàn thành không những tạo thuận lợi cho nhân dân đi lại, việc thông thương hàng hóa cũng dễ dàng hơn, mà còn có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thay đổi diện mạo của thôn 9 - thôn điểm về xây dựng NTM của xã trở nên xanh, sạch đẹp hơn. Hiện tại, đã thi công được 1/3 công trình, dự kiến sẽ xong trước Tết Nguyên đán để bà con đón chào năm mới. Ngoài ra, trong năm 2012 HTX cũng đã hỗ trợ thôn 5 số tiền 220 triệu đồng làm 600m đường cấp phối liên thôn. Dự kiến trong năm 2014, HTX sẽ tiếp tục hỗ trợ thêm một thôn trong xã làm 1km đường giao thông nông thôn.

Đường giao thông ở thôn 9, xã Ea Kiết được HTX Công Bằng hỗ trợ kinh phí đang thi công.
Đường giao thông ở thôn 9, xã Ea Kiết được HTX Công Bằng hỗ trợ kinh phí đang thi công.

Ngoài việc tham gia tích cực vào hoạt động làm đường giao thông nông thôn, HTX Công Bằng cũng là đơn vị tiên phong trong việc làm dịch vụ thu gom rác trên địa bàn xã để bào vệ môi trường, cảnh quan thôn xóm. Trước tình trạng không có nơi thu gom rác nên người dân vứt rác bừa bãi (nhất là khu vực chợ, rác tấp đống, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng), đầu tháng 11-2013 HTX đã thành lập một tổ thu gom rác gồm 4 người với nhiệm vụ đi thu gom rác trên địa bàn xã vào 3 ngày/tuần và vận chuyển, tập kết về bãi rác (đã được quy hoạch) nằm xa khu dân cư khoảng 5 km. Hiện đã có 210 cá nhân, tập thể đăng ký tham gia dịch vụ này với mức phí 50 nghìn đồng/tháng đối với hộ gia đình, tiểu thương; 100 nghìn đồng/tháng đối với tập thể theo đề án được HĐND xã phê duyệt. Tuy việc thu gom rác thời gian đầu đang gặp nhiều khó khăn, HTX đang phải bù lỗ mỗi tháng 3 triệu đồng, nhưng tập thể lãnh đạo HTX vẫn quyết tâm làm với mục tiêu trước mắt là nâng cao ý thức của người dân trong bảo vệ môi trường, cảnh quan thôn, xóm và góp phần vào việc hoàn thành tiêu chí về môi trường trong xây dựng NTM.  

Thuận Nguyễn


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.