Multimedia Đọc Báo in

Làm giàu từ cây nhãn Hương Chi

17:46, 19/04/2016
Năm 1993, gia đình chị Phạm Thị Mười từ tỉnh Hải Dương vào lập nghiệp tại thôn 10, xã Ea Pil (huyện M'Đrắk). Với hai bàn tay trắng, hằng ngày vợ chồng chị phải làm thuê cuốc mướn song cuộc sống nghèo vẫn hoàn nghèo.

Năm 2003, tình cờ xem ti vi, đọc báo thấy nói về cây vải thiều và nhãn Hương Chi ở quê mình, chị Mười quyết định về quê đưa 11 cây nhãn Hương Chi vào trồng thử nghiệm. Nhận thấy cây nhãn  rất phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu ở Ea Pil nên chị tiếp tục đưa vào trồng 100 cây nhãn nữa. Chị Mười còn lặn lội khắp nơi học hỏi cách chăm sóc cây nhãn để áp dụng vào vườn nhãn của mình. Đến nay, gia đình chị đã có hơn 3 ha nhãn Hương Chi đang cho thu hoạch. Năm 2012, chị mạnh dạn đầu tư trồng thêm vải thiều trên 5 ha đất còn lại của mình; vườn vải cũng đang phát triển tốt và gần cho thu hoạch. Những ngày đầu, cây nhãn trong vườn chỉ ra quả theo đúng thời vụ của tự nhiên, quả ít, chất lượng chưa cao, đến nay nhờ nắm rõ đặc tính của cây trồng nên nhãn có thể cho quả trái vụ, chất lượng quả ngọt, thơm, bán ra thị trường luôn được đánh giá cao. Không chỉ trồng trọt, chị Mười còn chăn nuôi heo theo hướng trang trại, đào ao thả cá và tận dụng đất trong vườn trồng xen rau màu các loại vừa phục vụ nhu cầu của  gia đình vừa có sản phẩm để bán.

 Chị  Phạm Thị Mười  (bên trái)  dẫn cán bộ Hội Phụ nữ xã Ea Pil thăm  vườn nhãn  Hương Chi.
Chị Phạm Thị Mười (bên trái) dẫn cán bộ Hội Phụ nữ xã Ea Pil thăm vườn nhãn Hương Chi.

Hiện nay gia đình chị Mười có 11 ha đất trồng nhãn, vải thiều, ao thả cá, chăn nuôi... Hằng năm, chỉ tính riêng hơn 3 ha nhãn Hương Chi xuất ra thị trường hơn 25 tấn nhãn/năm được lái thương khắp nơi đổ về mua tận vườn với giá bán từ 25.000 - 26.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí gia đình chị lãi trên 500 triệu đồng/năm. Chị Mười còn có nguồn thu khoảng 100 triệu đồng từ chăn nuôi hơn 50 con heo, 1 ha ao cá... Theo kinh nghiệm của chị Mười, cây vải thiều, nhãn Hương Chi có đặc tính chịu hạn tốt, phù hợp với vùng đất Tây Nguyên, lại ít bị sâu bệnh, dễ chăm sóc trong khi công đầu tư ít, đặc biệt cây sinh trưởng nhanh (vải từ khi ươm mầm đến lúc cho quả chừng 4,5 - 5 năm, nhãn Hương Chi trên 2 năm).

Mô hình trồng vải thiều, nhãn Hương Chi của gia đình chị Phạm Thị Mười được nhiều người khắp nơi tìm đến học hỏi kinh nghiệm và hợp tác. Ngoài việc hướng dẫn những kiến thức cách chăm sóc cây, chị Mười còn hỗ trợ cây giống cho bà con trong xã có nhu cầu. Chị Đỗ Thị Hòe, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ea Pil cho biết: "Từ mô hình trồng nhãn của chị Mười, chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình này trên toàn xã, đồng thời phối hợp với Phòng Nông nghiệp - phát triển nông thôn, Trạm Khuyến nông huyện... mở lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc cây trồng cho người dân, tiến tới tạo thương hiệu cho loại cây ăn này của địa phương".

Đức Khá


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.