Multimedia Đọc Báo in

Những điểm sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội Đắk Lắk năm 2016

18:13, 28/01/2017

Năm 2016 khép lại và ghi dấu những chuyển biến tích cực trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội dù Đắk Lắk phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn…

Tăng trưởng kinh tế ổn định

Đánh giá về việc thực hiện 18 chỉ tiêu nhiệm vụ chủ yếu năm 2016 cho thấy, có 12 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra, nổi bật nhất là chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế. Cụ thể, tổng sản phẩm xã hội (GRDP - theo giá so sánh 2010) khoảng 44.571 tỷ đồng, đạt 101,3% kế hoạch; tăng trưởng kinh tế 7,02%. Cơ cấu kinh tế (theo giá hiện hành): nông - lâm - thủy sản đạt 44,81%; công nghiệp - xây dựng đạt 14,48%; dịch vụ đạt 38,68% (kế hoạch năm 2016 tương ứng là: 43 - 44%, 16 - 17%, 36 - 37%). 

Khởi sắc trong thu hút, xúc tiến đầu tư

Tình hình thu hút đầu tư của tỉnh có nhiều khởi sắc so với năm 2015, số lượng các nhà đầu tư đến tìm hiểu và đăng ký đầu tư nhiều hơn. Các dự án đầu tư đã góp phần quan trọng trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương, tăng thu ngân sách của tỉnh. Trong 10 tháng đầu năm, tỉnh thu hút được 98 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký 23.896 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh đã tiếp đón và hướng dẫn thủ tục đầu tư cho hơn 150 lượt nhà đầu tư. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI): Tiếp nhận 1 dự án, tổng vốn đăng ký 0,23 triệu USD, nâng tổng số các dự án FDI trên địa bàn tỉnh đến thời điểm hiện tại lên 12 dự án với tổng vốn đăng ký 118,89 triệu USD. 

Nông nghiệp dần lấy lại đà tăng trưởng 

Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển, giữ vai trò quan trọng trong ổn định kinh tế và đời sống nông thôn, góp phần chủ yếu trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Việc áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất ngày càng được mở rộng, nhất là ở các khâu làm đất, gieo trồng và thu hoạch làm tăng năng suất lao động. Nhiều tiến bộ khoa học - công nghệ được áp dụng vào sản xuất, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm chăn nuôi; bước đầu hình thành các vùng chăn nuôi tập trung, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, chăn nuôi có kiểm soát; chuyển dần từ chăn nuôi nông hộ, gia trại sang chăn nuôi công nghiệp trang trại quy mô lớn - công nghệ cao; khuyến khích các đơn vị, doanh nghiệp nhập khẩu giống tốt, chất lượng cao phục vụ sản xuất. 

Phơi cà phê thóc ở Công ty TNHH MTV Cà phê Thắng Lợi.
Phơi cà phê thóc ở Công ty TNHH MTV Cà phê Thắng Lợi.

Ngành nông, lâm, thủy sản ước đạt 18.892 tỷ đồng, bằng 107,6% KH, tăng trưởng 4,25% (KH: 17.559 tỷ đồng, tăng 3,5-4%). Giá trị sản xuất của các loại cây trồng lâu năm và hằng năm trên địa bàn tỉnh tăng khoảng 250,4 tỷ đồng, tương ứng giá trị tăng thêm 118 tỷ đồng.

Thu ngân sách tăng so với cùng kỳ

Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 4.100 tỷ đồng, bằng 97,6% kế hoạch do HĐND tỉnh giao (kế hoạch: 4.200 tỷ đồng) và đạt 120,2% kế hoạch Trung ương giao (kế hoạch: 3.671 tỷ đồng), tăng 20,2% so với thực hiện năm 2015. Mặc dù thu ngân sách nhà nước không đạt so với Nghị quyết HĐND tỉnh giao nhưng đây được coi là chuyển biến tích cực và là mức thu cao nhất trong vài năm trở lại đây. Trong đó một số khoản thu đạt và vượt kế hoạch, như: thu thuế, phí và lệ phí; thu biện pháp tài chính; thu tiền bán nhà...

Chế biến gỗ tại Công ty TNHH Tín Nghĩa Đắk Lắk. Ảnh: G.Nam
Chế biến gỗ tại Công ty TNHH Tín Nghĩa Đắk Lắk. Ảnh: G.Nam

Giá trị sản xuất công nghiệp vượt kế hoạch

Giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) năm 2016 thực hiện 13.750 tỷ đồng, tăng 18,5% so với năm 2015, đạt 108,2% kế hoạch. Công nghiệp cơ khí, luyện kim chủ yếu sản xuất các sản phẩm phục vụ sản xuất nông nghiệp, nông thôn như: bơm ly tâm, máy chế biến nông sản, máy bơm nước, có mức tăng trưởng khá do nhu cầu của người dân tăng cao. Lĩnh vực công nghiệp trong năm 2016 gặp nhiều khó khăn nhưng do một số sản phẩm chiếm tỷ trọng lớn như chế biến tinh bột sắn tăng cao nên giá trị sản xuất của ngành cả năm vẫn đạt và vượt kế hoạch. Các nhà máy sản xuất tinh bột sắn trên địa bàn sản xuất ổn định, nguồn nguyên liệu dồi dào, thực hiện khoảng 150.000 tấn, đạt 115,4% kế hoạch năm. Trong năm có 3 nhà máy tinh bột sắn đi vào hoạt động, sản lượng ước đạt 7.000 tấn tinh bột xuất khẩu.

Thi công Dự án đường Đông Tây (TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: H.Tuyết
Thi công Dự án đường Đông Tây (TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: H.Tuyết

Doanh nghiệp từng bước phục hồi sản xuất

Năm 2016 có 686 doanh nghiệp giải thể, bỏ địa chỉ kinh doanh và ngừng hoạt động nhưng so với cùng kỳ năm 2015, số thành lập mới lại tăng 9,6% (720 doanh nghiệp dân doanh) với tổng số vốn đăng ký 2.880 tỷ đồng, tăng 36,04%. Tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động cho 130 chi nhánh và 29 văn phòng đại diện của doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Toàn tỉnh có 6.238 doanh nghiệp hoạt động (51 doanh nghiệp nhà nước, 6.180 doanh nghiệp dân doanh, 7 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài); 1.088 chi nhánh và 261 văn phòng đại diện của doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Kết quả này cho thấy dấu hiệu doanh nghiệp đang từng bước phục hồi sản xuất và khẳng định những tác động tích cực của công tác cải cách hành chính, qua đó góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, tiếp tục tạo dựng niềm tin trong cộng đồng doanh nghiệp.

Đàm Thuần – Giang Nam (Thực hiện)

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.