Multimedia Đọc Báo in

Làng nghề nhộn nhịp đón xuân

07:06, 27/01/2017

Trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đang khiến cho nghề truyền thống có nguy cơ mai một thì một số làng nghề trên địa bàn tỉnh vẫn cố gắng tạo ra những sản phẩm độc đáo để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Không chỉ vậy, làng nghề truyền thống còn giải quyết việc làm cho người lao động, mang lại nguồn thu nhập ổn định, góp phần đưa kinh tế nông thôn phát triển…

Làng bánh tráng Ea Bar tất bật dịp cuối năm

Làng nghề bánh tráng truyền thống Hòa Nhơn ở xã Ea Bar (huyện Buôn Đôn) hoạt động quanh năm, nhưng nhộn nhịp nhất là từ giữa tháng 11 âm lịch đến Tết Nguyên đán. Đây là thời điểm bánh tráng được khách tiêu thụ nhiều nên những hộ làm nghề nơi đây phải “thức khuya dậy sớm”, huy động hết mọi người trong gia đình, thậm chí thuê thêm lao động làm bánh kịp cung ứng cho thị trường.

Chị Huỳnh Thị Hồng ở thôn 6, làm nghề bánh tráng hơn 15 năm nay cho biết, những ngày này hai vợ chồng chị phải thức dậy từ lúc 3 giờ sáng để khuấy bột, nhóm lò làm bánh. Ngày thường chị dậy lúc 4 giờ và chỉ tráng đến 9 giờ sáng là xuống lò, nhưng nay thì phải làm đến khi tắt nắng vì nhu cầu của khách hàng tăng cao. Mỗi ngày gia đình chị làm hết 30 kg gạo, với khoảng 1.200 cái bánh, tăng gấp 3 lần so với ngày thường.

Chị Đinh Thị Thanh ở thôn 5 (xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn) đang tráng bánh
Chị Đinh Thị Thanh ở thôn 5 (xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn) đang tráng bánh.

Ông Trần Văn An, Phó Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hòa Nhơn cho hay, hiện nay hợp tác xã có gần 400 hộ xã viên, trong đó có 182 hộ sản xuất bánh tráng (hầu hết đều theo nghề “cha truyền con nối”), giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 500 lao động với mức thu nhập khoảng 3 triệu đồng/người/tháng, riêng vào 2 tháng cuối năm có thể tăng gấp đôi, gấp ba. Vài năm trở lại đây, nhiều hộ làm nghề đã đầu tư máy móc, nâng cấp lò tráng bánh, mọi công đoạn từ xay bột đến tráng bánh được thực hiện nhanh, ít hao hụt. Chất lượng sản phẩm cũng ngày càng nâng lên nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Không chỉ phục vụ cho người tiêu dùng trong tỉnh, bánh tráng Hòa Nhơn còn được tư thương đưa sang các tỉnh lân cận như Đắk Nông, Lâm Đồng, Gia Lai để tiêu thụ. Ước tính mỗi năm làng nghề cung cấp cho thị trường gần 10 tấn bánh tráng, thu nhập bình quân mỗi lao động trên 50 triệu đồng/năm.

Rộn rã mùa hoa Tết

Mỗi dịp Tết đến xuân về, làng hoa, cây cảnh phường Khánh Xuân (TP. Buôn Ma Thuột) lại trở nên nhộn nhịp hơn hẳn. Thương lái nườm nượp tìm về mua hoa đưa đi các địa phương trong và ngoài tỉnh để bán, còn người trồng hoa thì tất bật tưới nước, tỉa cành và bứng hoa vào chậu để kịp giao hàng. Năm nay, ngoài những loại hoa truyền thống như cúc, ly, lay ơn, hoa hồng… thì người trồng hoa cũng nhập về những giống cây cảnh mới từ các tỉnh phía Bắc như quất, cam, bưởi đáp ứng nhu cầu chơi Tết của người dân. Với bà con nơi đây, việc trồng hoa Tết giờ đây không chỉ một nghề truyền thống mà còn là nét đẹp văn hóa của địa phương từ nhiều năm nay.

Theo ước tính của những hộ trồng hoa nơi đây, năm nay giá trung bình của mỗi chậu cúc từ 450.000 - 600.000 đồng; hoa ly từ 50.000 - 70.000 đồng/cây; quất có giá 700.000 - 1,5 triệu đồng/cây tùy vào dáng và lượng quả ít hay nhiều; cam và bưởi giá trung bình từ 2- 5 triệu đồng/cây nhưng số lượng rất ít và phải đặt cọc từ trước cả tháng mới có... So với vụ hoa Tết năm ngoái thì năm nay hoa được mùa hơn, giá cả cũng nhỉnh hơn năm ngoái từ 10 - 20%.

Chị Bùi Thị Tuyến đang chăm sóc vườn cúc
Chị Bùi Thị Tuyến đang chăm sóc vườn cúc.

Chị Bùi Thị Tuyến ở tổ dân phố 9, cho biết, mùa hoa năm nay gia đình chị trồng 1.000 chậu cúc Đà Lạt, 400 cây bưởi và 1.000 cây cam, quất để bán trong dịp Tết. Nhờ có kinh nghiệm lâu năm trong nghề nên năm nào vườn hoa nhà chị cũng ra bông đều, đẹp, lâu tàn, và cứ đến khoảng 25 - 27 tháng Chạp khách đã vào tận nơi mua hết. Dự kiến năm nay gia đình chị thu lãi trên 100 triệu đồng từ việc trồng hoa, cây cảnh.

Phường Khánh Xuân hiện có khoảng 100 hộ trồng hoa Tết, tập trung chủ yếu tại khối 8 và khối 10 với diện tích trên 10 ha. Trung bình mỗi vụ hoa Tết (khoảng 4 tháng), người dân trong phường đã cung ứng ra thị trường khoảng 20.000 - 25.000 cây hoa, cây cảnh các loại, thu nhập từ 60 - 80 triệu đồng/hộ, cao gấp 5 - 6 lần so với trồng rau, lúa. Trồng hoa Tết đã và đang trở thành nghề truyền thống, giải quyết việc làm, mang lại thu nhập khá cho nhiều hộ gia đình.

Làng cá Ea Kao vào mùa bội thu

Đến hẹn lại lên, cứ vào khoảng đầu tháng Chạp hằng năm là xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) lại rộn ràng, tấp nập tư thương đến mua cá. Nghề nuôi cá thương phẩm nơi đây đã hình thành và phát triển từ hơn 10 năm nay với khoảng 800 hộ nuôi trên 100 ha diện tích ao hồ các loại. Nghề nuôi cá hiện đã trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Những ngày này, người dân trong xã đang đồng loạt đánh bắt cá để xuất bán những lứa cuối cùng của năm. Đây được xem là mùa bội thu bởi sản lượng cá đánh lên bao nhiêu cũng bán hết, nhiều gấp 3 - 4 lần so với những tháng trước đó.

Anh Nguyễn Xuân Hoan ở thôn Tân Hưng cho biết, từ đầu tháng Chạp, nhiều tư thương đã tấp nập về tận ao của người dân để đặt cọc tiền mua cá với giá cao hơn ngày thường từ 500 - 700 đồng/kg. Mùa thu hoạch cá Tết thường kéo dài từ khoảng đầu tháng Chạp đến hết chiều 30 Tết. Năm nay, các loại cá như lăng, chép, trắm, diêu hồng… được người tiêu dùng ưa chuộng hơn vì theo quan niệm, đây là những loại cá đem lại may mắn cho gia chủ trong năm mới. Chính vì vậy, giá bán các loại cá này cũng cao gấp đôi ngày thường (lên đến 45.000 - 60.000 đồng/kg).

Lê Quốc


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.