Multimedia Đọc Báo in

Góc nhìn mới trong phát triển nông nghiệp Tây Nguyên

07:31, 04/04/2017

Tuy là vùng có nhiều lợi thế trong phát triển nông nghiệp, nhưng Tây Nguyên vẫn chưa khai thác hiệu quả tiềm năng. Để tái cơ cấu ngành nông nghiệp, một trong những cách tiếp cận được các nhà quản lý cho là thiết thực và hiệu quả chính là bắt đầu bằng kinh nghiệm thực tiễn của những người nông dân tỷ phú.

Từ thực trạng phát triển nông nghiệp Tây Nguyên

Tại Hội thảo “Phát triển nông nghiệp Tây Nguyên: Góc nhìn từ nông dân tỷ phú”, các nhà khoa học trong nước, các chuyên gia nông nghiệp, nhà quản lý đều cho rằng, sự phát triển nông nghiệp khu vực này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng; giá trị kinh tế mang lại chưa cao, quy mô còn manh mún…. Theo phân tích của ông Trần Đức Viên, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, trong số thu dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016, Tây Nguyên là khu vực đóng góp thấp nhất của cả nước, chỉ 1,4% thu nhập bình quân đầu người và bằng 79% mức bình quân của cả nước; tỷ lệ hộ nghèo còn cao (7,3%, cả nước là 4,5%). Trong khi đây lại là vùng đất có điều kiện tự nhiên phong phú, đa dạng, nhiều tiềm năng nhất cả nước trong phát triển nông nghiệp hàng hóa. Xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do phát triển nóng thiếu bền vững: đất đai rộng lớn nhưng manh mún lại đang bị suy thoái và đang bị “đầu độc” do sử dụng quá nhiều phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật; nông sản mất an toàn; khả năng cạnh tranh thấp; nông sản xuất khẩu nhiều nhưng giá thấp bởi chủ yếu chỉ xuất ở dạng nguyên liệu thô; chưa xây dựng được thương hiệu mạnh.

Mô hình trồng tiêu xen canh trong vườn cà phê trên địa bàn thị xã Buôn Hồ.
Mô hình trồng tiêu xen canh trong vườn cà phê trên địa bàn thị xã Buôn Hồ.

Cũng theo ông Trần Đức Viên, tổ chức sản xuất tại Tây Nguyên tuy đã theo quy hoạch, nhưng việc tự phát mở rộng diện tích đối với những cây trồng có lợi thế kinh tế trước mắt là rất phổ biến, gây nhiều hệ lụy và là một trong những thách thức cho sự phát triển bền vững. Bên cạnh đó, do yếu về liên kết trong chuỗi giá trị sản phẩm nên thị trường tiêu thụ bị hạn chế, chỉ tập trung ở một số thị trường truyền thống dẫn đến đầu ra bấp bênh và phụ thuộc. Thêm vào đó, là chưa chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm quốc gia nên giá trị canh tranh thấp. Ông Nguyễn Đức Lộc (Trung tâm Chính sách và Chiến lược Nông nghiệp nông thôn miền Nam) cho rằng, việc liên kết phát triển chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp tuy bước đầu hình thành đối với một số sản phẩm nhưng chưa phát huy hiệu quả, mới dừng ở khâu sản xuất và sơ chế thô, chưa có kết nối  giữa sản xuất - chế biến - thị trường, tức là từ cung ứng các yếu tố đầu vào đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm cuối cùng để tạo ra những sản phẩm có khả năng tiếp cận trực tiếp vào chuỗi giá trị toàn cầu với thương hiệu và giá trị gia tăng cao. Đây chính là một trong những điểm “nghẽn” trong phát triển nông nghiệp ở Tây Nguyên cần được tháo gỡ.

Phát triển từ góc nhìn thiết thực

Bà Nguyễn Thị Thái Hà ở thị trấn Quảng Phú (Cư M’gar) một trong những nông dân tiêu biểu của tỉnh Đắk Lắk chia sẻ, với suy nghĩ làm thế nào để nâng cao hệ số sử dụng đất, tăng thu nhập trên đơn vị diện tích, bà đã lựa chọn nhóm cây ăn quả có giá trị như bơ Booth 7, sầu riêng ghép trồng xen trong vườn cà phê. Từ 2 ha cà phê ban đầu, qua quá trình tích lũy, bà không ngừng mở rộng quy mô, đến nay tổng diện tích sản xuất nông nghiệp của gia đình bà lên đến 22 ha, với 5.000 cây cà phê (năng suất 4 tấn/ha); 15.000 gốc hồ tiêu (40% diện tích đã cho thu hoạch, đạt 20 tấn/năm); 1.000 gốc sầu riêng; 700 gốc bưởi da xanh..., thu nhập bình quân 7 tỷ đồng/năm. Trong điều kiện khí hậu ngày càng diễn biến cực đoan do biến đổi khí hậu, để tiết kiệm nguồn nước tưới, giảm công lao động, bà đã đầu tư hệ thống tưới nước tiết kiệm với công nghệ tưới nước nhỏ giọt của Israen trên toàn bộ diện tích cây trồng, tổng mức đầu tư 50 triệu đồng/ha. Để có được thành quả này, bà cũng cho biết là cả quá trình nỗ lực không ngừng tiếp cận với khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ vào sản xuất cùng với sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền địa phương, tổ chức tín dụng trên địa bàn... Hay như mô hình trồng xen cây sầu riêng DONA trong vườn cà phê của gia đình ông Ngô Xuân Tam, xã Ea Yông, huyện Krông Pắc mang lại thu nhập 750 triệu đồng/ha. Một trong những hướng đi bền vững được gia đình ông đang thử nghiệm là trồng, chăm sóc sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP, bước đầu khẳng định hiệu quả như: cây kháng sâu bệnh tốt, bảo đảm năng suất, chất lượng, đặc biệt là góp phần bảo vệ môi trường...

Sản phẩm nông nghiệp dược liệu áp dụng công nghệ cao được giới thiệu tại Hội thảo Phát triển nông nghiệp Tây Nguyên.
Sản phẩm nông nghiệp dược liệu áp dụng công nghệ cao được giới thiệu tại Hội thảo Phát triển nông nghiệp Tây Nguyên.

Theo số liệu thống kê, vùng Tây Nguyên có khoảng 300 hộ nông dân tiêu biểu, biết tận dụng tối đa lợi thế cũng như không ngừng tìm tòi, áp dụng tốt các công nghệ phù hợp để tối đa hóa lợi nhuận cũng như tiết kiệm chi phí đầu vào mang lại thu nhập từ 500 triệu đồng trở lên. 

Đồng chí Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng  Ban Chỉ  đạo Tây Nguyên khẳng định, để nông nghiệp Tây Nguyên phát triển tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của vùng, nhu cầu tái cơ cấu nông nghiệp nông thôn được đặt ra bức thiết hơn bao giờ hết. Hiện có nhiều quan điểm và cách tiếp cận khác nhau về vấn đề này, trong đó cách tiếp cận không mới nhưng lại thiết thực, cụ thể, dễ áp dụng và hiệu quả, đó là bắt đầu từ việc học tập kinh nghiệm thực tiễn sản xuất, kinh doanh của những người nông dân đang sinh sống, thành công trên chính mảnh đất của họ. Đồng chí cũng yêu cầu các tỉnh trong khu vực tăng cường kết nối giữa các “nhà”, trên cơ sở những mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến, hiệu quả, bền vững đã và đang được nhân rộng trong thời gian qua, đồng thời tổ chức xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa hiệu quả, bền vững và có giá trị gia tăng cao, phấn đấu đưa Tây Nguyên trở thành trung tâm nông nghiệp công nghệ cao hàng đầu của cả nước.   

Lê Hương


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.