Multimedia Đọc Báo in

Cần thận trọng khi tăng thuế VAT

07:09, 21/08/2017

Những ngày gần đây, dư luận đang rất quan tâm và có nhiều ý kiến trái chiều về đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) của Bộ Tài chính. Mặc dù Bộ này đề xuất thời gian áp dụng tăng thuế VAT từ ngày 1-1-2019, nhưng những hệ lụy của động thái này cần được tính toán thận trọng.

Đề xuất lộ trình tăng thuế VAT

Trong báo cáo định hướng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và thuế tài nguyên, Bộ Tài chính đã đề nghị nâng mức thuế VAT theo hai phương án. Phương án 1 tăng từ 10% lên 12% kể từ ngày 1-1-2019, phương án 2 là tăng theo lộ trình lên 12% từ ngày 1-1-2019 và 14% từ ngày 1-1-2021. Trong đó, Bộ Tài chính đề nghị cân nhắc phương án 1. Theo phương án này, từ 1-1-2019, thuế VAT thông thường sẽ được điều chỉnh tăng từ 10% lên 12%; tăng từ 0% lên 5% đối với nhóm đối tượng hiện không phải chịu thuế như phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, tàu đánh bắt xa bờ..., nhóm đối tượng hàng hóa, dịch vụ như nước sạch, hoạt động văn hoá, triển lãm, thế dục thể thao, biểu diễn nghệ thuật, sản xuất phim... sẽ được điều chỉnh tăng từ 5% lên 10%. Lý giải nguyên nhân tăng thuế VAT, Bộ Tài chính cho rằng, đối với mức thuế suất thông thường 10% là tương đối thấp, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế, khó bảo đảm an toàn tài chính quốc gia; đối với nhóm hiện không phải chịu thuế, việc không áp thuế đã gây khó khăn cho doanh nghiệp (DN) và công tác quản lý thuế; đối với nhóm đang chịu thuế suất 5% đã được xã hội hoá mạnh mẽ, nhưng vẫn chịu VAT là 5% là bất bình đẳng với những ngành nghề, lĩnh vực khác đang chịu VAT 10%. Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đề xuất bỏ, tăng thêm hoặc không hoàn thuế VAT đối với các sản phẩm xuất khẩu là hàng hóa được chế biến từ tài nguyên, khoáng sản.

Người dân mua hàng tiêu dùng tại chợ trung tâm huyện Krông Pắc.
Người dân mua hàng tiêu dùng tại chợ trung tâm huyện Krông Pắc.

Cần thận trọng

Thuế VAT là thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hoá, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng. Bản chất đối tượng phải trả của thuế VAT là người tiêu dùng. Vì vậy, nếu Dự thảo luật được Quốc hội thông qua, từ năm 2019, hàng loạt dịch vụ, hàng hóa tiêu dùng thiết yếu người dân sử dụng hằng ngày như điện, nước, thực phẩm, xăng dầu, gas, giáo dục, y tế, cước vận tải, phương tiện giao thông, quần áo... sẽ đồng loạt tăng giá theo. Điều này sẽ tạo ra hệ lụy mang tính dây chuyền. Bởi, giá cả tăng cao sẽ khiến người tiêu dùng phải cân nhắc khi chi tiêu, kéo theo sức mua giảm sút, doanh nghiệp không bán được hàng, doanh nghiệp khó khăn, thuế thu nhập doanh nghiệp giảm sút, nguồn thu vào ngân sách nhà nước từ sắc thuế này sẽ giảm theo. Trong khi đó, nếu áp mức thuế VAT 5% đối với nhóm đối tượng hiện không phải chịu thuế như phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp… sẽ làm tăng chi phí sản xuất của người dân và DN, tăng giá thành sản phẩm, làm giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm làm ra và cuối cùng về lâu dài cũng sẽ tác động không tốt đến ngân sách khi hoạt động sản xuất, kinh doanh của người nộp thuế gặp khó khăn.

Rõ ràng, trong điều kiện sản xuất, kinh doanh của người nộp thuế đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay, để hạn chế thấp nhất những tác động tiêu cực, việc tăng thuế VAT cần phải có sự cân nhắc, tính toán và có lộ trình phù hợp. Chưa kể, lý giải của Bộ Tài chính rằng việc tăng thuế VAT sẽ góp phần bảo đảm an toàn tài chính quốc gia là không thuyết phục khi vấn đề này phụ thuộc rất lớn vào… khả năng chi tiêu ngân sách hợp lý.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(Infographic) Kết quả kinh tế - xã hội quý I/2024 của tỉnh Đắk Lắk
Ngay từ đầu năm 2024, bám sát các nội dung chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, các cấp, các ngành, địa phương của tỉnh Đắk Lắk đã tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong quý I/2024 tiếp tục phát triển ổn định; một số chỉ tiêu đạt, vượt kế hoạch đề ra.