Multimedia Đọc Báo in

Nhận diện du lịch Đắk Lắk (Kỳ 2)

08:26, 25/08/2017

Kỳ 2: Sản phẩm du lịch: thật - giả lẫn lộn

Có thể nói, hạn chế lớn nhất của ngành “công nghiệp không khói” ở Đắk Lắk hiện nay là bên cạnh sự đơn điệu, trùng lặp và không có gì khác biệt để hấp dẫn du khách, thì vấn đề thật - giả lẫn lộn trong từng sản phẩm du lịch đang được nhiều người quan tâm.

Từ ẩm thực…       

Ở góc độ là du khách, ông Y Sy Thắk, Phó Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn cho rằng sản phẩm rượu cần, cơm lam, gà nướng theo truyền thống đã bị lai tạp tứ xứ, chứ không phải là nguyên gốc như các đơn vị làm du lịch trên địa bàn giới thiệu và quảng bá. Điều đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến du khách quay lưng với điểm đến Buôn Đôn nổi tiếng. Nhiều ý kiến khác nhìn nhận thêm là những đặc sản khác như rượu thuốc Ama Kông, đồ mỹ nghệ truyền thống, sản phẩm được chế tác từ lông đuôi voi mà du khách muốn tìm mua… cũng đều bị làm giả, hoặc không đảm bảo chất lượng đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh du lịch Đắk Lắk nói chung. Bà Nguyễn Thị Ngọc Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Du lịch cộng đồng Kô Tam cho rằng, cơm lam, gà nướng của Đắk Lắk đã được Hội Kỷ lục gia Việt Nam xếp vào Top 100 món ăn tiêu biểu của cả nước, thì không vì một lý do gì để chúng ta đánh mất danh tiếng ấy. Ngược lại phải chăm bẵm, phát huy nó như một lợi thế nhằm kích cầu du lịch địa phương phát triển. Rất tiếc là đến nay, câu chuyện tưởng chừng như nhỏ nhặt ấy vẫn không được các đơn vị du lịch chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh khắc phục.

Đến di sản        

Đáng nói hơn là sản phẩm diễn tấu cồng chiêng, biểu diễn dân ca, dân vũ tại một số khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đã và đang có biểu hiện bị lạm dụng quá mức. Văn hóa cồng chiêng ở nhiều nơi như Khu du lịch Hồ Lắk, Trung tâm Buôn Đôn và một số tụ điểm trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột có dấu hiệu biến dạng, méo mó so với đặc trưng của loại hình âm nhạc đặc sắc và độc đáo này. Nguyên nhân là do khi đưa di sản văn hóa ấy vào phục vụ du lịch, hầu hết các doanh nghiệp đều thiếu sự đầu tư, nghiên cứu một cách thấu đáo và bài bản. Ông Y Kô Niê, Phó trưởng Phòng Quản lý văn hóa (Sở VH-TT-DL) nhận xét: Sản phẩm du lịch cồng chiêng Đắk Lắk đang ở trong tình trạng “mạnh ai nấy làm”, vượt qua sự kiểm soát và thẩm định của cơ quan chuyên môn. Chính vì thế mà thực tế đã xảy ra là cùng một bài chiêng (như “Đón khách” chẳng hạn), thì nơi này diễn tấu một đằng, chỗ kia một nẻo khiến người thưởng lãm không nhận ra đâu là thật, đâu là giả.

          Du khách quốc tế mua hàng lưu niệm tại Trung tâm  du lịch  Bản Đôn.      Ảnh:  H. Gia
Du khách quốc tế mua hàng lưu niệm tại Trung tâm du lịch Bản Đôn. Ảnh: H. Gia

Vấn đề đáng quan tâm hơn là vì chạy theo lợi nhuận nên đã có một số đơn vị làm du lịch tự đứng ra làm “ông bầu” tổ chức nhiều sô diễn văn hóa cồng chiêng, chương trình dân ca, dân vũ theo “thị hiếu số đông” để câu khách. Theo nhiều ý kiến tâm huyết thì cồng chiêng nói riêng và vốn văn hóa truyền thống của các cộng đồng dân tộc tại chỗ nói chung đã có một đời sống mới, hay nói cách khác là nó đã bước ra khỏi “môi trường thiêng” để hòa nhập và phát triển với những giá trị mới, tương thích với đời sống đương đại. Vì vậy, mọi sự biến chuyển ấy (kể cả việc đưa vào phục vụ du lịch) là điều hiển nhiên và không có gì lạ, bởi bất kỳ một giá trị văn hóa nào đều có bước đi phù hợp với logic lịch sử bắt buộc và chi phối. Song ở đây, khi nhìn vào hoạt động biểu diễn văn hóa cồng chiêng, hay hát dân ca, dân vũ trong “thực đơn” du lịch do một doanh nghiệp nào đó đóng vai trò “ông bầu” để mưu cầu lợi ích cho mình, thì dường như logic ấy đã khác, hay nói một cách chính xác là đã lai tạp rất nhiều, không còn mang gương mặt chân thật vốn có của nó nữa.

Trước thực trạng đó, từ tháng 7-2017, Sở VH-TT-DL đã bắt đầu khởi động Chương trình “Biểu diễn Văn hóa cồng chiêng phục vụ người dân và du khách” vào các tối thứ Bảy của tuần lễ thứ hai và thứ tư trong tháng tại khuôn viên Biệt điện Bảo Đại (số 4 Nguyễn Du - TP. Buôn Ma Thuột). Dĩ nhiên, chương trình này phải được cơ quan chuyên môn thẩm định về mặt nội dung, chất lượng để không còn là “của dỏm” như đã từng xảy ra tại một số khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho đây là một trong những biện pháp kích cầu phát triển du lịch đơn thuần, không có gì mới nên đừng quá kỳ vọng vào đó để lạc quan rằng “ngành công nghiệp không khói” ở đây sẽ thay đổi và bứt phá, mà phải nhìn vào hiện trạng còn nhiều bất cập trong hoạt động du lịch Đắk Lắk để tìm cách khắc phục, vượt qua mới mong đạt được mục tiêu theo lộ trình đã định.

(Còn nữa)

Đình Đối


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.