Multimedia Đọc Báo in

Chủ động phòng chống dịch, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá trên cây lúa

07:11, 15/09/2017

Thời gian gần đây, thời tiết mưa nắng thất thường, độ ẩm, nhiệt độ tăng cao khiến rầy nâu xuất hiện kéo theo bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá gây hại trên 5 ha lúa tại huyện Lắk và Buôn Đôn.

Rầy nâu là côn trùng có cánh, vòng đời 25 – 28 ngày (trong điều kiện nhiệt độ 25-300C), chích hút nhựa cây lúa gây ra hiện tượng cháy rầy khi mật độ cao và là môi giới truyền virus RRSV (Rice Ragged Stunt) gây bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá.

Biểu hiện của bệnh vàng lùn là lá lúa từ xanh nhạt chuyển dần sang vàng khô, vết vàng từ chóp vào bẹ, lá có khuynh hướng xòa ngang nên làm giảm chiều cao chồi lúa và giảm số chồi của bụi lúa bị bệnh. Còn bệnh lùn xoắn lá khiến cây lúa bị lùn, rìa lá rách, gợn sóng; chóp lá xoăn tít lại, lúa bị nghẹn đòng, không trổ được, hạt lép. Hiện nay, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá vẫn chưa có thuốc đặc trị, do đó cây lúa bị bệnh mang virus RRSV đến khi gặt và lúa chét cũng có thể nhiễm bệnh. Khi nhiễm bệnh ở giai đoạn non, lúa không trổ bông, năng suất giảm mạnh, thậm chí mất trắng.

Rầy nâu chích hút cây lúa bệnh sau 5-10 phút là mang theo mầm bệnh trên cơ thể, sau 10 ngày có thể truyền bệnh sang cây lúa khỏe. Bản thân rầy nâu là côn trùng có cánh, mang virus phát tán rất xa nên phạm vi lây lan bệnh rộng. Do đó, khi phát hiện bệnh, người dân cần phòng trừ bằng thuốc bảo vệ thực vật đặc trị chứa hoạt chất Buprofezin, Fenobucarb, Isoprocarb, Imidacloprid, Thiamethoxam hoặc Etofenprox. Để đạt hiệu quả cao, bà con nông dân cần lựa chọn đúng thuốc (không pha trộn các loại thuốc với nhau), đúng liều lượng, đúng lúc, hướng vòi phun vào sát gốc lúa nơi rầy bu quanh hoặc có thể cho nước ngập ruộng để rầy di chuyển lên cao trước khi phun.

Bà Vũ Thị Thanh Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết, về lâu dài bà con nông dân không nên trồng lúa liên tục trong năm, phải bảo đảm thời gian cách ly giữa hai vụ lúa ít nhất 20-30 ngày và không để vụ lúa chét. Đồng thời, vệ sinh đồng ruộng kỹ trước khi gieo sạ, sử dụng giống kháng rầy, không sạ quá dày, bón phân đầy đủ, cân đối. Vụ hè thu 2017, toàn tỉnh gieo trồng được hơn 43.000 ha lúa và hiện đang trong thời kỳ đẻ nhánh, làm đòng, trổ bông với mật độ dày, nhiệt độ, độ ẩm trên ruộng cao là điều kiện thích hợp dịch bệnh bùng phát. Tỉnh Lâm Đồng đã xuất hiện dịch rầy nâu và lây lan nhanh trên diện rộng, vì vậy người dân cần thăm đồng thường xuyên để chủ động ứng phó với dịch bệnh.

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.