Multimedia Đọc Báo in

Chuyện làm thương hiệu cà phê

08:54, 01/09/2017

Ngoài những thương hiệu khá quen thuộc như: Trung Nguyên, Mehyco, Vinacafe..., “sân chơi” trong lĩnh vực sản xuất, chế biến cà phê rang xay đang ngày một xuất hiện các nhãn hàng mới mang đến nhiều sự lựa chọn cho “tín đồ” cà phê...

Năm 2016, người sành cà phê bắt đầu chú ý đến thương hiệu DlP cà phê, bởi hương vị nó mang lại khá khác biệt so với nhiều loại cà phê quen thuộc trên thị trường. Bà Nguyễn Thị Thanh (TP. Buôn Ma Thuột) chủ cơ sở cà phê này cho biết, sau khi ngừng kinh doanh trong lĩnh vực xuất khẩu cà phê nhân xô, bà đã quyết định chuyển hướng sang sản xuất, chế biến cà phê rang xay.

Xuất phát từ niềm đam mê, cùng với kinh nghiệm nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu nên lợi thế của bà khi bước vào “sân chơi” này là chọn lọc được những vùng địa lý tạo nên hạt cà phê thơm ngon. Với phương châm “hữu xạ tự nhiên hương”, bà đặc biệt chú trọng tới chất lượng với tâm niệm mang đến cho người tiêu dùng sản phẩm cà phê chính hiệu Buôn Ma Thuột. Sau hơn 2 năm trăn trở, thương hiệu DlP cà phê ra đời và đã bắt đầu được khách hàng đón nhận. Để mở rộng thị trường, xưởng rang xay cà phê khép kín vừa mới được bà đầu tư, xây dựng và đặt tại Trạm dừng chân ở xã Cư Bao (thị xã Buôn Hồ). Điều khá đặc biệt đó là khi đến trạm dừng chân này mọi người đều có thể tham quan và tìm hiểu về quy trình chế biến từ khâu rang, tẩm, ủ các “gia vị” đặc thù đến khi xay thành phẩm.

Bà Thanh cũng cho biết thêm, với mong muốn góp phần làm nên văn hóa cà phê ở Buôn Ma Thuột, mỗi nhãn hiệu cà phê sẽ mang đến một hương vị khác nhau cho người thưởng thức, thay vì rang bằng máy, thì cơ sở của bà vẫn duy trì phương thức rang bằng củi. Bà bảo, công đoạn này khá quan trọng, lửa và khói sẽ tạo nên hương vị cà phê rất đặc thù trong khi việc rang bằng máy không thể tạo ra. Chính vì vậy, cà phê DlP đang từng bước chinh phục thị hiếu người thưởng thức cà phê từ hương vị đặc thù cùng với nguồn nguyên liệu bảo đảm và làm bằng cà phê nguyên chất, không độn tẩm.

Quy trình chế biến cà phê khép kín của cơ sở sản xuất cà phê DlP tại xã Cư Bao,  thị xã Buôn Hồ.
Quy trình chế biến cà phê khép kín của cơ sở sản xuất cà phê DlP tại xã Cư Bao, thị xã Buôn Hồ.

Với hơn 20 năm gắn bó với cà phê, bà Nguyễn Thị Ngọc Anh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần du lịch cộng đồng Ko Tam lại chọn làm thương hiệu bằng cách gắn cà phê với du lịch. Năm 2013, sản phẩm cà phê Ko Tam ra đời sau khi khu du lịch cộng đồng đi vào hoạt động được một thời gian. Được chế biến từ những hạt cà phê có tỷ lệ chín khi thu hoạch đạt 95%, không bị mốc hoặc đã lên men, sản phẩm cà phê Ko Tam dần dần chinh phục thực khách. Thương hiệu cà phê Ko Tam được bà gửi gắm trách nhiệm với cộng đồng, vùng đất đã làm nên hương vị thơm ngon cho cà phê Buôn Ma Thuột. Như chia sẻ của bà Ngọc Anh, mới đầu, cà phê chủ yếu chỉ phục vụ khách du lịch khi đến tham quan tại Khu du lịch sinh thái văn hóa cộng đồng Ko Tam Coffee, nhưng sau 4 năm, nhãn hiệu Ko Tam đã trở nên thân thuộc với nhiều khách hàng và trở thành món quà không thể thiếu của những ai yêu mến cà phê khi đến du lịch nơi đây.

Còn với nhãn hiệu Cada coffe của Công ty TNHH Một thành viên CaDa thì được lấy tên của địa danh nổi tiếng về cà phê từ thời Pháp thuộc. Đồn điền CADA đã đi vào lịch sử không chỉ bởi vùng đất cà phê trù phú mà còn là cái nôi của phong trào cách mạng trong sự nghiệp đấu tranh chống thực dân Pháp ở Đắk Lắk đã được công nhận là Khu di tích lịch sử cấp quốc gia. Với các dòng sản phẩm: AMA – mạnh mẽ; AMI - đầm ấm ANAK - năng động (được lấy từ ý nghĩa biểu trưng theo ngôn ngữ của dân tộc Êđê: ama – cha; ami - mẹ; anak - con), cà phê Cada đưa đến hương vị đặc trưng của cà phê chế biến ướt mang chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột. Và như bà Nguyễn Thị Hồng Vân, Giám đốc Công ty chia sẻ, với mong muốn qua thương hiệu cà phê sẽ mang đến cho người thưởng thức không chỉ là hương vị mà còn giúp người thưởng thức hình dung được câu chuyện về cà phê với quá trình lịch sử hình thành và những giá trị mà nó mang lại...  

                Lê Hương


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.