Multimedia Đọc Báo in

Mô hình hợp tác xã kiểu mới khẳng định vị thế của kinh tế tập thể

08:52, 01/09/2017

Mô hình hợp tác xã (HTX) kiểu mới đang dần xóa bỏ hình thức sản xuất manh mún, nhỏ lẻ để hướng đến mô hình liên kết chuỗi và ngày càng khẳng định vị thế của kinh tế tập thể trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới.

Sản xuất theo chứng nhận quốc tế

Vài năm trở lại đây, sản xuất theo chứng nhận quốc tế được các HTX kiểu mới trên địa bàn tỉnh lựa chọn để gia tăng giá trị sản phẩm cho bà con nông dân. Đi đầu là các HTX cà phê và đã mang lại hiệu quả rất cao, sản xuất không những bền vững hơn mà đầu ra ổn định với giá bán cao hơn cho các đối tác nước ngoài. Tiếp nối thành công của các HTX cà phê, nhiều HTX nông nghiệp đã chọn phát triển theo hướng này.

Đơn cử như HTX nông nghiệp dịch vụ và thương mại Thành Đạt (thôn 4, xã Ea Sar, huyện Ea Kar). Thành lập từ năm 2011, với 12 thành viên, năm 2015, HTX chuyển đổi sang mô hình HTX kiểu mới theo Luật HTX 2012, từ đó, hoạt động của HTX đã có những bước phát triển vượt bậc với cây ca cao. Ông Đường Văn Đình, Giám đốc HTX cho biết, từ năm 2007, cây ca cao bắt đầu phát triển trên đất Ea Kar theo Dự án phát triển sản xuất ca cao bền vững tại các nông hộ, tuy nhiên sau khi dự án kết thúc thì không còn nhiều hộ duy trì vườn cây. Nhận thấy hạt ca cao là sản phẩm tiềm năng ở vùng đất này nên ông lựa chọn cây ca cao để phát triển, đồng thời hướng dẫn nông dân canh tác theo quy trình chứng nhận quốc tế UTZ và thương mại công bằng (Fairtrade). Sau 6 năm thành lập và phát triển, đến nay, HTX Thành Đạt đã có 95 thành viên chính thức và 125 thành viên sử dụng dịch vụ, với tổng diện tích sản xuất 182 ha. Để phát triển bền vững, HTX đứng ra cung ứng cả đầu vào (giống, phân bón, quy trình chăm sóc…) và liên kết với doanh nghiệp bao tiêu đầu ra cho nông dân. Chính yêu cầu cao của đối tác là động lực cho các thành viên HTX chăm sóc tốt vườn cây, giúp năng suất ca cao của HTX tăng cao, đạt bình quân 2 - 2,5 tấn/ha.

Vườn tiêu sản xuất theo chứng nhận Flo của HTX sản xuất dịch vụ nông nghiệp Thăng Tiến.
Vườn tiêu sản xuất theo chứng nhận Flo của HTX sản xuất dịch vụ nông nghiệp Thăng Tiến.

Tương tự, HTX sản xuất dịch vụ nông nghiệp Thăng Tiến (xã Hòa An, huyện Krông Pắc) cũng đã chọn cây tiêu làm cây tiên phong sản xuất theo chứng nhận Fairtrade. Ông Lê Tấn Dũng, Giám đốc HTX cho biết, HTX hiện có 62 thành viên chính thức và 315 thành viên liên kết, với 480 ha các loại cây: cà phê (310 ha), tiêu (70 ha), bơ (80 ha), sầu riêng (20 ha). Năm 2016, được sự hỗ trợ của Viện Nghiên cứu và Phát triển ngành hàng nông thôn Việt Nam, HTX đã chọn mặt hàng hồ tiêu để sản xuất theo chứng nhận Fairtrade. Theo đó, các thành viên sản xuất hồ tiêu phải đáp ứng các tiêu chí chất lượng, thực hành nông nghiệp tốt, thân thiện môi trường; quy trình chăm sóc, thu hoạch tiêu phải tuân thủ nghiêm ngặt theo chương trình đưa ra, không để tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Các thành viên cũng đã tuân thủ rất tốt quy trình chăm sóc bền vững, giảm 50% phân bón hóa học, chủ yếu sử dụng phân sinh học và chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo danh mục cho phép, thậm chí nhiều hộ đang dần hạn chế dùng thuốc bằng cách trồng các cây thiên địch để xua đuổi côn trùng gây hại cho vườn cây. Chính vì vậy, vườn tiêu của các thành viên phát triển rất bền vững, hầu như không có hiện tượng tiêu chết như ở nhiều địa phương khác.

Mở rộng cửa xuất khẩu

Theo ông Đường Văn Đình, Giám đốc HTX nông nghiệp dịch vụ và thương mại Thành Đạt, nhờ ứng dụng phương pháp canh tác hiện đại, ca cao của HTX cho hạt khô chất lượng cao, thị trường tiêu thụ rộng lớn, giá thu mua ổn định ở mức 55.000 - 65.000 đồng/kg (cao hơn giá thị trường 6.000 - 15.000 đồng/kg). Ca cao của HTX cũng đã có mặt tại hai thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc. Năm 2016, HTX thu về gần 3 tỷ đồng, riêng 6 tháng đầu năm 2017, HTX đạt hơn 2 tỷ đồng và dự kiến thu về trên 4 tỷ đồng trong cả năm. Còn ông Lê Tấn Dũng, Giám đốc HTX sản xuất dịch vụ nông nghiệp Thăng Tiến cho biết, năm 2017, sản phẩm tiêu của HTX đã đạt được chứng nhận Flo, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cũng đã đặt hàng và dự kiến năm 2018 sản phẩm sẽ được cung ứng ra thị trường nước ngoài với giá tối thiểu 156 nghìn đồng/kg, so với giá thị trường hiện nay thì cao hơn gần gấp đôi, đồng thời bảo đảm đầu ra cho các thành viên.

Theo Liên minh HTX tỉnh, nhiều HTX nông nghiệp đã từng bước đổi mới phương thức sản xuất theo hướng sản phẩm có chứng nhận quốc tế, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, có truy xuất nguồn gốc để vươn ra thị trường thế giới. Hiện toàn tỉnh có trên 10 HTX sản xuất theo chứng nhận Fairtrade, chủ yếu là các HTX cà phê, và hiện có thêm ca cao, tiêu, chanh dây. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho các sản phẩm nông nghiệp của Đắk Lắk, bởi một khi sản phẩm đã đạt được chứng nhận này thì Tổ chức FLO (Tổ chức quốc tế cấp nhãn hiệu Fairtrade) với hệ thống trải rộng ở các thị phần lớn trên thế giới sẽ đứng ra đảm nhiệm chào hàng, giới thiệu sản phẩm đến các đơn vị có nhu cầu. Điều này sẽ mở rộng cửa xuất khẩu các mặt hàng nông sản của Đắk Lắk với giá trị cao hơn. 

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.