Multimedia Đọc Báo in

Bò rớt giá, người chăn nuôi bị thương lái o ép…

08:05, 06/10/2017

Nhiều năm qua, người dân xã Hòa Sơn (huyện Krông Bông) đã tận dụng lợi thế về đồng cỏ và phế phẩm nông nghiệp để phát triển kinh tế gia đình từ chăn nuôi bò.

Theo thống kê, hiện đàn bò toàn xã có khoảng 5.000 con, trong đó có 2 trang trại lớn, còn lại chủ yếu nuôi theo hình thức nông hộ, tập trung nhiều nhất ở thôn 7 và thôn 8.

Thế nhưng gần 1 năm nay, giá bò chững lại và có xu hướng giảm mạnh, mỗi con bán ra vào thời điểm này đã giảm trên 7 triệu đồng so với trước. Ông Trần Minh (thôn 8) có thâm niên nuôi bò hơn 10 năm nay cho hay, giá xuống thấp khiến thu nhập từ nghề nuôi bò sụt giảm hẳn. Theo ông, mọi khi một con bò trọng lượng khoảng 3 tạ bán ra cũng trên 30 triệu đồng, hiện giờ chỉ tầm 22-23 triệu đồng. Trong khi đó, giá bò giống đã nằm tầm 15 triệu đồng, cộng với chi phí thức ăn, tiêm phòng…, nuôi 2 năm xuất chuồng người dân coi như lời lãi chẳng còn được bao nhiêu.

Giá bán ra thấp, trong khi chi phí thức ăn tăng cao càng gây khó khăn cho người nuôi. Anh Phan Thanh Yên (thôn 4) cho hay, những năm gần đây, thức ăn từ đồng cỏ tự nhiên có xu hướng eo hẹp dần, người nuôi bò phải tự trồng cỏ và mua thêm rơm để cho bò ăn. Nhưng đối với những hộ mua rơm thì nuôi bò thời điểm này càng lỗ, bởi trước, một xe rơm chỉ có 300.000 đồng thì nay đã tăng lên lên 500.000 đồng, đặc biệt, vào mùa mưa, giá rơm còn lên đến 700.000 đồng/xe.

Nuôi bò thịt tại hộ anh Nguyễn Minh Cương đang gặp khó vì giá giảm, đầu ra bấp bênh.
Nuôi bò thịt tại hộ anh Nguyễn Minh Cương đang gặp khó vì giá giảm, đầu ra bấp bênh.

Theo nhiều hộ chăn nuôi ở đây, mặc dù giá hạ nhưng điều đáng nói là thương lái thấy người dân có nhu cầu bán bò cao nên tìm cách ép giá  thêm nữa khiến nhiều hộ chăn nuôi rơi vào cảnh “dở khóc dở cười”. Theo anh Nguyễn Minh Cương (thôn 8), trước đây, thương lái đến tận nhà hỏi mua “thuận mua vừa bán” chứ không o ép. Bây giờ, họ đưa ra nhiều lý do như: bò mỡ, da dày, xương to… để cố tình ép giá xuống thấp. Nhiều hộ có bò to, khỏe, trọng lượng đã đạt đến kỳ xuất chuồng, song, vẫn dài cổ đợi thương lái đến mua.

Nuôi bò lúc này đã không có lời nhiều nhưng khổ nhất là những hộ đã vay tiền đầu tư vào lĩnh vực này. Anh Trương Mộng Linh (thôn 8) cho hay, cách đây vài năm, anh vay 50 triệu đồng để đầu tư chuồng trại và nuôi 2 con bò thịt. Với giá bò giảm lại còn bị thương lái o ép như hiện nay, anh đang cố cầm cự duy trì đàn (5 con) để chờ giá lên, nhưng cũng chẳng biết chờ đến bao giờ, trong khi lãi ngân hàng đã đến kỳ phải trả.

Thế nhưng, có một điều lạ là trong khi giá bò thương lái mua tại chuồng giảm sâu thì giá thịt bò bán ngoài chợ vẫn khá cao. Theo khảo sát tại chợ Trung tâm huyện Krông Bông, thịt bò bán ra ở mức 200.000-220.000 đồng/kg (tuỳ loại). Lý giải điều này, một tiểu thương tại chợ cho hay, do giá bò nhập từ thương lái cao nên bắt buộc tiểu thương bán lẻ phải bán cho người tiêu dùng với giá cao.

Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Sơn Hồ Quang Vũ cho biết, lâu nay, việc mua bán bò thịt ở đây do người nuôi và thương lái tự “định giá”, thuận mua vừa bán chứ không cân trọng lượng hoặc căn cứ trên một cơ sở nào, do đó, người nuôi thường chịu thiệt. Để hạn chế tình trạng này, về lâu dài, xã đang tính đến việc liên kết với một doanh nghiệp nào đó để ký kết hợp đồng, bao tiêu sản phẩm, tạo đầu ra ổn định cho việc chăn nuôi bò của người dân.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.