Multimedia Đọc Báo in

Điểm tựa cho hộ nghèo, gia đình chính sách ở huyện Cư M'gar

09:36, 10/10/2017

“Từ ngày tham gia tổ tiết kiệm và vay vốn, được bà con trong buôn bình xét cho vay vốn tín dụng ưu đãi Ngân hàng Chính sách xã hội, kinh tế gia đình tôi đã ổn định...”, chị H’Rênh Ayun ở buôn Bling (xã Ea Kpam, huyện Cư M’gar) chia sẻ về hiệu quả của việc vay vốn tín dụng chính sách xã hội.

Nhìn ngôi nhà xây khang trang với đầy đủ tiện nghi, ít ai nghĩ rằng trước đây gia đình chị H’Rênh thuộc diện hộ nghèo. Chị H’Rênh cho biết: Hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, cả nhà có 4 người nhưng chỉ trông chờ vào 500 cây cà phê, không có vốn để đầu tư chăm sóc nên năng suất không cao. Năm 2004, gia đình chị được vay 2 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện. Có vốn, cộng với lợi thế nhà ở mặt đường trung tâm của buôn, chị quyết định mở tiệm tạp hóa nhỏ, bán các mặt hàng thiết yếu như: gạo, mắm, muối, dầu ăn, mì chính.... vừa giải quyết việc làm, vừa tăng thu nhập. Năm 2005 chị trả xong nợ ngân hàng và tiếp tục được vay vốn 5 triệu đồng, tiếp đó là vay 20 triệu đồng vào năm 2014. Việc kinh doanh ngày một thuận lợi, cộng với tiết kiệm chi tiêu, chịu khó làm ăn, gia đình chị đã trả hết nợ vay ngân hàng và có thêm nguồn vốn đầu tư vào rẫy cà phê. Từ 500 cây cà phê, đến nay đã tăng lên 2.000 cây; tiệm tạp hóa nhỏ giờ cũng đã đa dạng các mặt hàng cần thiết, đáp ứng nhu cầu của bà con trong buôn...

Nhờ nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cư M’gar, chị H’Rênh Ayun (bìa trái) ở buôn Bling,  xã Ea Kpam có điều kiện phát triển kinh tế gia đình.
Nhờ nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cư M’gar, chị H’Rênh Ayun (bìa trái) ở buôn Bling, xã Ea Kpam có điều kiện phát triển kinh tế gia đình.

 

 
“Năm 2003 tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 18%, đến nay chỉ còn hơn 9% tổng số hộ dân trong toàn huyện. Kết quả này có sự đóng góp không nhỏ của vốn vay ưu đãi từ Phòng giao dịch NHCSXH huyện...” 
 
Phó Bí thư Huyện ủy Cư M’gar Lê Nam Cao phát biểu tại Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn huyện Cư M’gar

Không chỉ có hộ chị H’Rênh, mà nhiều gia đình khác trên địa bàn huyện cũng được thụ hưởng từ các chương trình tín dụng chính sách xã hội, để từ đó phát triển kinh tế gia đình. Ông Y Wem Hwing, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện cho biết: Công tác tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn huyện đã góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị ở địa phương. Khi mới thành lập (năm 2002), NHCSXH huyện chỉ có 2 chương trình tín dụng ưu đãi, đến nay là 14 chương trình đang triển khai, được ủy thác thông qua các tổ chức chính trị xã hội (Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên) như: cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, cho vay giải quyết việc làm, nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, cho vay hộ nghèo để xây dựng nhà ở... Có thể thấy nguồn vốn tín dụng chính sách của Nhà nước đã đến các xã, thị trấn, vùng sâu, vùng xa, mang lại hiệu quả về mặt kinh tế, góp phần đẩy lùi nạn cho vay nặng lãi ở nông thôn, có ý nghĩa chính trị xã hội sâu sắc, tạo điều kiện xóa tình trạng xã “trắng” tín dụng nhà nước ở cơ sở.

Tổng dư nợ tín dụng chính sách của NHCSXH huyện Cư M’gar đã tăng từ 4,7 tỷ đồng năm 2003 lên trên 280 tỷ đồng vào năm 2017, tăng hơn 59 lần so với lúc mới thành lập, tốc độ tăng trưởng tín dụng bình quân hằng năm đạt trên 8,5%. 15 năm qua, Phòng giao dịch NHCSXH huyện đã cho 58.756 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn tín dụng ưu đãi, dư nợ bình quân của các hộ được vay tăng từ 3,2 triệu đồng lên trên 24 triệu đồng; nợ xấu liên tục giảm từ 7,39% xuống còn 0,44%...

Thông qua nguồn vốn vay này đã giúp trên 18.800 lượt gia đình vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút và tạo việc làm cho 1.442 lao động; trên 4.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 7.000 công trình nước sạch, công trình vệ sinh hợp vệ sinh tại vùng nông thôn; giúp 757 lượt gia đình cải thiện nhà ở. Các chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ do Phòng giao dịch NHCSXH huyện thực hiện trong thời gian qua thực sự là "bà đỡ" cho các hộ nghèo và đối tượng chính sách, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần quan trọng cùng chính quyền triển khai thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tại địa phương.

Lan Anh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.