Multimedia Đọc Báo in

Kỳ vọng về những giống lúa mới

16:25, 27/11/2017

Những năm qua, ngành Nông nghiệp tỉnh đã phối hợp với các địa phương, trường học, đơn vị nghiên cứu chuyển giao khoa học kỹ thuật thực hiện khảo, kiểm nghiệm thành công một số giống lúa mới đầy triển vọng cho nông dân.

Điển hình trong đó là giống Đài thơm 8, là giống lúa thuần cho năng suất cao, chất lượng gạo đạt tiêu chuẩn xuất khẩu do Công ty Cổ phần giống cây trồng Trung ương (Vinaseed) phân phối độc quyền và đã xây dựng mô hình trình diễn tại 5 tỉnh Tây Nguyên. Tại Đắk Lắk, trong vụ hè thu 2018, công ty đã triển khai ở các huyện Ea Kar, Krông Bông, Krông Ana, Lắk, Krông Pắc…. Đài thơm 8 có chất lượng gạo ngon, chống chịu tốt với một số sâu bệnh hại chính, có thời gian sinh trưởng thuộc nhóm trung ngày: vụ hè thu từ 90 đến 100 ngày, đông xuân 105 -110 ngày, năng suất bình quân đạt từ 8-9 tấn/ha; thâm canh tốt từ 9,5-11 tấn/ha. Đặc biệt, mô hình trình diễn kết nối theo chuỗi với Công ty THHH MTV Cà phê 721, từ khâu giống đến chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất và bao tiêu đầu ra cho 35 ha lúa (gần 300 tấn thóc), với giá cao hơn các giống lúa khác tại địa phương từ 700-1000 đồng/kg, đã mở ra nhiều kỳ vọng mới cho bà con nông dân. 

Người dân tham quan mô hình giống lúa mới ở huyện Ea Kar.
Người dân tham quan mô hình giống lúa mới ở huyện Ea Kar.

Ông Nguyễn Trung Dũng, Giám đốc Vinaseed khu vực Tây Nguyên chia sẻ, Đài thơm 8 đã được Bộ NN và PT-NT công nhận chính thức và cho phép sản xuất trên phạm vi cả nước. Đây là một trong những giống lúa thuần có nhiều ưu điểm nổi trội, thích nghi rộng, cơm ngon, có vị đậm, chỉ đứng sau gạo RVT-loại gạo ngon nhất trên thị trường. Hiện, Vinaseed liên kết với các công ty TNHH MTV Cà phê 719, 721, 716 và các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk để xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo từ khâu sản xuất giống đến bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân.

Tương tự, OM4900 và OM7347 cũng là hai giống lúa mới đã góp phần nâng cao năng suất, sản lượng lúa của tỉnh Đắk Lắk vài năm trở lại đây. Theo nghiên cứu của Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long, tại huyện Lắk, giống OM4900 và OM7347 cho năng suất cao hơn giống đối chứng truyền thống IR64. OM4900 có nguồn gốc từ tổ hợp lai C53/Jasmine 85, thời gian sinh trưởng từ 100-105 ngày, chiều cao cây 95-100cm, đẻ nhánh khá, chống chịu tốt với rầy nâu, bệnh đạo ôn, năng suất bình quân ước đạt 7-8 tấn/ha (tùy vào chế độ chăm sóc). Hạt gạo có phẩm chất cao, thơm nhẹ, hàm lượng amylose 16%, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Còn OM7347 có nguồn gốc từ tổ hợp lai KhaoDakmali/BL//BL, có thời gian sinh trưởng ngắn hơn (90-95 ngày), chiều cao cây 95-100cm, dạng hình đẹp, chống chịu rầy nâu và bệnh đạo ôn, vàng lùn, lùn xoắn lá rất tốt. Đặc biệt, giống lúa chống chịu tốt với những diện tích bị hạn ở cấp độ 3, năng suất bình quân đạt 6-8 tấn/ha.

Giống lúa OM4900 thích nghi tốt trên cánh đồng Buôn Trấp, huyện Krông Ana.
Giống lúa OM4900 thích nghi tốt trên cánh đồng Buôn Trấp, huyện Krông Ana.

Ông Trương Văn Cao, Phòng Trồng trọt, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết, để đưa một giống lúa mới vào sản xuất đại trà thì cần phải thực hiện khảo nghiệm 3 vụ ở nhiều địa điểm khác nhau sau đó mới được đưa ra sản xuất đại trà trong dân. Bên cạnh các giống lúa trên thì các giống BTE1, RVT, HT1, OM5451, Jasmine 85 cũng là những giống lúa có năng suất, chất lượng cao, đang được ngành nông nghiệp khuyến khích gieo trồng. Riêng những vùng đất tốt, nguồn nước ổn định thì sản xuất giống lúa lai năng suất, chất lượng cao góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân. Còn những vùng bấp bênh nguồn nước, đất xấu thì sử dụng các giống lúa ngắn ngày, chống chịu tốt với hạn như OMCS, ML48, OM3435…

Dự kiến, vụ đông xuân 2017-2018 Vinaseed sẽ phối hợp với các công ty, hợp tác xã trên địa bàn sản xuất khoảng 800-1000 ha lúa Đài thơm 8 theo chuỗi, trực tiếp hỗ trợ kỹ thuật gieo sạ, chăm sóc, phòng trị bệnh và bao tiêu sản phẩm cho bà con. 

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.