Multimedia Đọc Báo in

Chuyển đổi cây trồng trên vùng đất thiếu nước

10:15, 08/12/2017

Việc chuyển đổi những diện tích lúa, ngô thiếu nước sang trồng hoa màu không chỉ giúp người dân xã Hòa Hiệp (huyện Cư Kuin) chống được hạn hán mà còn cho thu nhập cao hơn.

Xã Hòa Hiệp có trên 2.000 ha đất nông nghiệp thì có đến 1.000 ha đất trồng cây hằng năm như lúa, ngô thuộc vùng gò đồi thường bị thiếu nước vào vụ hè thu nên hiệu quả không cao. Từ năm 2010, nhiều hộ dân trên địa bàn xã đã mạnh dạn chuyển đổi một số diện tích trồng lúa, ngô sang trồng các cây rau màu ít sử dụng nước, có khả năng chịu hạn như bí xanh, bí đỏ, ớt… cho thu nhập cao.

Gia đình anh Nguyễn Trọng Hải (thôn Đông Sơn) thu hoạch bí xanh.
Gia đình anh Nguyễn Trọng Hải (thôn Đông Sơn) thu hoạch bí xanh.

Thời điểm này, trên khắp cánh đồng ở thôn Đông Sơn, người dân đang vào vụ thu hoạch rau màu. Đây là năm thứ 5, anh Nguyễn Trọng Hải (thôn Đông Sơn) chuyển đổi cây trồng tránh hạn thành công. Năm nay, giá bí xanh từ 5.500 - 6.000 đồng/kg đã giúp gia đình anh cũng như người dân ở đây có lãi lớn. Trước đây, trên diện tích 0,5 ha đất của gia đình, một năm 2 vụ anh Hải chỉ trồng ngô nhưng cứ đến vụ hè thu thường thiếu nước, năng suất không cao nên dần dần bị bỏ hoang. Năm 2012, anh mạnh dạn chuyển toàn bộ diện tích đất này sang trồng bí xanh và bí đỏ, mỗi vụ anh đều thu lãi hơn 20 triệu đồng. Theo anh Hải, trên cùng đơn vị diện tích đất nếu trồng ngô đạt sản lượng cao nhất (7-8 tấn) tổng thu mới được hơn 10 triệu đồng, trong khi trồng rau quả đòi hỏi người trồng phải có kỹ thuật nhưng đổi lại lợi nhuận cao hơn 2-3 lần. Ngoài ra, trồng rau quả không cần nhiều nước, thời gian cũng ngắn hơn nên đất được nghỉ ngơi, chuẩn bị cho vụ gieo trồng ngô năm sau.

Vườn dưa leo của gia đình anh Đỗ Anh Tuấn.
Vườn dưa leo của gia đình anh Đỗ Anh Tuấn.
 

“Thực tế cho thấy, việc chuyển đổi cây trồng không chỉ tiết kiệm nước tưới trong điều kiện xảy ra hạn hán mà còn giúp cho địa phương đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp" 

 
 
Ông Nghiêm Đình Đức, Cán bộ khuyến nông xã Hòa Hiệp 

Thấy người dân trong vùng trồng rau màu thu lợi nhuận cao, anh Đỗ Anh Tuấn (thôn Đông Sơn) cũng chuyển 1 sào đất trồng ngô của gia đình sang trồng dưa leo phủ bạt từ 2 năm nay. Theo anh Tuấn, việc dùng bạt sẽ giúp cây giữ được độ ẩm lâu hơn, hạn chế được sinh trưởng của cỏ nên tiết kiệm được nhiều công chăm sóc. Hiện mỗi ngày vườn dưa leo thu được 2 tạ, đều có thương lái vào tận nơi thu mua, với giá 8.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, mỗi vụ anh thu lãi gần 30 triệu đồng. Anh Tuấn cho biết, trồng dưa leo nếu chăm sóc tốt, sau 1 tháng đã cho thu hoạch nên thay vì trồng 1 vụ ngô thì trồng được 2 vụ dưa leo vì thế mà lợi nhuận cũng tăng gấp đôi.

Anh Hải, anh Tuấn là hai trong số nhiều người dân ở địa bàn xã chuyển đổi cây trồng trên vùng đất hạn thành công. Trong những năm gần đây, xã Hòa Hiệp đã vận động bà con chuyển đổi được 20/350 ha đất trồng lúa ở các khu vực khó khăn về nước tưới, có nguy cơ thiếu nước vào mùa khô chuyển sang trồng các loại rau. Trung bình mỗi năm, người dân trên địa bàn xã chuyển khoảng 100 ha đất trồng lúa, ngô sang trồng hoa màu. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên vùng hạn ở địa bàn xã Hòa Hiệp không chỉ giúp người dân tránh hạn thành công, nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích đất mà còn góp phần cải tạo đất, nâng cao thu nhập. Đây được xem là một trong những cách làm giúp người dân thích nghi với tình trạng thời tiết ngày càng phức tạp như hiện nay.

Tuyết Mai

 

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.