Multimedia Đọc Báo in

Giá xăng A95 liên tục tăng: Người tiêu dùng đang bị làm khó

09:30, 29/01/2018

Để khuyến khích người tiêu dùng sử dụng xăng E5, một trong những biện pháp là việc tạo khoảng giá lớn giữa hai loại xăng còn lại là E5 và A95. Thế nhưng, việc để doanh nghiệp tự định giá xăng E95 đang khiến người tiêu dùng gặp nhiều khó khăn.

Xăng A95 đang bị “làm giá”?

Trong kỳ điều hành giá ngày 4-1, bảng công bố giá cơ sở và giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu do liên bộ Tài chính - Công thương đưa ra, chỉ có giá của xăng E5 cùng các mặt hàng dầu mà chưa cập nhật thêm giá bán cơ sở của mặt hàng xăng A95. Theo lý giải của Bộ Công thương, xăng A95 là mặt hàng "không phổ biến", nên giá bán do doanh nghiệp tự quyết định. Và thực tế là mặc dù không công bố tăng giá xăng A95, nhưng xăng RON 95 đã tăng giá mạnh tới 810 đồng/lít, chạm tới con số 20.290 đồng/lít đối với RON 95 tiêu chuẩn IV và 20.090 đồng/lít đối với RON 95 tiêu chuẩn III. Trong kỳ điển hành giá xăng, dầu mới đây nhất (ngày 19-1), giá xăng A95 tiếp tục tăng khoảng 290 đồng/lít, lên mức cao nhất là 20.990 đồng/lít. Điều đáng nói là mức tăng giá ở các cây xăng không giống nhau, cho thấy giá bán xăng A95 đang bị thả nổi cho doanh nghiệp tự quyết định.     

Người tiêu dùng mua xăng tại một cây xăng trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.
Người tiêu dùng mua xăng tại một cây xăng trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.

Khi đem thắc mắc việc tăng giá xăng A95, nhân viên một cây xăng tại TP. Buôn Ma Thuột giải thích là... do “gần Tết nên giá tăng”. Giải thích “dễ nghe” hơn, đại diện một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu của Tập đoàn Petrolimex tại khu vực Tây Nguyên cho biết, việc điều chỉnh giá là do các doanh nghiệp nhập khẩu đầu mối thực hiện, phụ thuộc vào giá thế giới, thuế, chi phí vận tải… để căn cứ vào đó để tăng - giảm giá bán.

Vấn đề ở chỗ, trước đây Liên Bộ Tài chính - Công thương chỉ công bố giá cơ sở A92 vì coi đây là loại xăng thông dụng, dù không công bố giá cơ sở xăng A95, nhưng vẫn có cách kiểm soát khi lấy giá xăng RON A92 làm căn cứ tham chiếu định ra giá A95. Thế nhưng hiện nay không còn xăng A92 để tham chiếu, cùng với việc để doanh nghiệp tự định giá xăng A95, nhiều người lo ngại xăng A95 đang bị doanh nghiệp “làm giá”.

Dấu hiệu "không bình thường"

Trong khi Bộ Công thương cho rằng xăng A95 là “mặt hàng không phổ biến” thì trong thực tế, khi xăng A92 không còn được lưu thông thì xăng A95 lại là mặt hàng đang được hầu hết người tiêu dùng có xu hướng lựa chọn do chưa tin tưởng vào chất lượng của xăng E5. Anh N.G.N - một người sử dụng xe ô tô thường xuyên tại TP. Buôn Ma Thuột - cho biết, từ khi không còn xăng A92, anh đã chuyển sang dùng xăng A95. Mặc dù xăng E5 rẻ hơn xăng A95 gần 2 nghìn đồng/lít, đồng nghĩa với việc sử dụng xăng A95 tốn thêm gần 200 nghìn đồng/bình xăng, nhưng sẽ yên tâm hơn khi sử dụng xăng E5. Nguyên nhân là do khi tham vấn Công ty Ford tại Đắk Lắk anh được nhân viên kỹ thuật khuyên dùng xăng A95 do xăng E5 tại Việt Nam chưa được kiểm chứng chất lượng nhiều qua thực tế sử dụng.

Việc sử dụng nhiên liệu sinh học, thân thiện với môi trường là chủ trương đúng của Chính phủ. Tuy nhiên, trong bối cảnh trong lúc chuyển đổi, nhiều người chưa yên tâm thực sự và vẫn đợi thời gian kiểm chứng về chất lượng xăng E5, rõ ràng xăng A95 đang được nhiều người dùng và trở thành “mặt hàng phổ biến”. Do vậy, việc giá xăng A95 để doanh nghiệp xăng dầu tự quyết như hiện nay là điều không bình thường.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.