Multimedia Đọc Báo in

Hướng đến sản phẩm cà phê organic

08:14, 23/01/2018

Nằm cách TP. Buôn Ma Thuột hơn 13 Km, HTX dịch vụ nông nghiệp Công bằng Ea Kmat Hòa Đông (huyện Krông Pắc) là một trong những điểm sáng trong sản xuất cà phê bền vững của tỉnh.

HTX dịch vụ nông nghiệp Công bằng Ea Kmat Hòa Đông được thành lập năm 2014 với 99 thành viên tham gia sản xuất 140 ha cà phê đạt chứng nhận thương mại Công bằng (FLO), sản lượng đăng ký hằng năm 600 tấn. Để sản xuất cà phê đạt chứng nhận FLO, các thành viên của HTX phải tuân thủ các nguyên tắc do Tổ chức quốc tế về dán nhãn Thương Mại Công Bằng-Fairtrade Labelling Organization International (thành lập năm 1998 tại Hà Lan) đưa ra. Trong đó, các sản phẩm phải bảo đảm các yêu cầu về chất lượng sản phẩm và cảnh quan môi trường. Đặc biệt, nông dân sản xuất cà phê phải hạn chế tối đa việc sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong quá trình sản xuất. Tất cả các loại bao bì, dụng cụ, chai lọ sử dụng trong quá trình sản xuất phải gom và xử lý theo đúng quy định để bảo đảm môi trường cho vườn cây và sức khỏe cho cả cộng đồng.

Vườn cà phê sản xuất theo hướng hữu cơ ở buôn Ea Kmat.
Vườn cà phê sản xuất theo hướng hữu cơ ở buôn Ea Kmat.

Ông Y Căl Êban, Giám đốc HTX cho biết, hiện tại HTX đã tìm được thị trường thương mại 30 tấn cà phê organic với giá cao hơn cà phê thường từ 40-50%.

Từ chuỗi sản xuất cà phê FLO, ông Y Căl Êban, Giám đốc HTX đã lặn lội đến nhiều quốc gia có nền nông nghiệp hiện đại như Thái Lan, Singapore, Malaysia… để tìm hiểu về cách sản xuất và tiếp cận thị trường tiêu thụ. Ông Y Căl Êban cho biết, qua thực tế tham quan tại các nước sản xuất cho thấy, cách thức sản xuất cà phê organic của họ giống với tập quán canh tác của người dân địa phương là gần như không sử dụng các hóa chất chăm bón cho cà phê. Do đó, ông đã tìm kiếm thị trường và định hướng cho các xã viên duy trì sản xuất cà phê theo bộ nguyên tắc FLO, đồng thời hạn chế tối đa việc sử dụng phân bón hóa học, thuốc BVTV theo hướng cà phê organic để tạo sản phẩm cà phê cao cấp, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Anh Y Giáo Niê Kdăm, thành viên HTX có hơn 1,5 ha cà phê cho biết, vườn cà phê của gia đình được trồng xen nhiều loại cây khác như bơ, sầu riêng, muồng đen… để che bóng, chắn gió và tăng thêm thu nhập. Hằng năm, gia đình chủ yếu sử dụng phân chuồng ủ với vỏ cà phê để bón cho cây, rất ít khi phải mua phân bón hóa học nên năng suất không cao (khoảng 1,8 tấn/ha) nhưng ít dịch bệnh, sản phẩm lại có chất lượng tốt nên luôn bán được giá cao hơn so với mặt bằng chung của thị trường. Tương tự, chị H’Oanh cũng là thành viên của HTX có hơn 1 ha cà phê xen canh cây ăn quả cho hay, vào mùa mưa, bên cạnh cắt các loại cỏ, cây hoang dại dọc bờ rào thì gia đình còn tận dụng các tàn dư thực vật trong quá trình chăm sóc, bẻ chồi cà phê, rong tỉa cành cây ăn quả để ép phân xanh, bổ sung dinh dưỡng cho cây. Nhờ đó, vườn cà phê luôn được thông thoáng, ít xuất hiện dịch bệnh lại tiết kiệm được chi phí mua phân bón.

Để hiện thực hóa mục tiêu tạo ra sản phẩm cà phê chất lượng cao phục vụ thị trường xuất khẩu, HTX đang hướng dẫn nông dân thay đổi thói quen canh tác, từng bước giảm lượng phân bón hóa học, thuốc BVTV hằng năm xuống còn 80% vào năm 2015 và 70% vào năm 2016, 2017. Đồng thời, xây dựng đề án sản xuất cà phê organic trên diện tích 20 ha, sản lượng dự kiến khoảng 25 tấn trình Bộ NN-PTNT chờ phê duyệt. Ngoài ra, HTX còn mở rộng liên kết với 197 thành viên sản xuất 86 ha cà phê đạt chứng nhận 4C (hơn 200 tấn), gần 140 ha cà phê đạt chứng nhận Rainforest (hơn 500 tấn).

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.