Multimedia Đọc Báo in

Chăn nuôi heo: Khi nào mới hết khó?

08:57, 16/04/2018

Sau Tết Nguyên đán, giá thịt heo hơi lại giảm khiến cho nhiều hộ chăn nuôi tiếp tục giảm đàn hoặc bỏ trống chuồng.

Tổng đàn tiếp tục giảm

Thời điểm trước Tết, giá thịt heo hơi bán cho thương lái tăng khá, những tưởng đây là dấu hiệu tích cực cho người chăn nuôi có cơ hội tái đàn. Tuy nhiên, sau Tết giá heo lại giảm từ 1.000 – 3.000 đồng/kg, hiện đang nằm ở mức 29.000 – 32.000 đồng/kg, khiến không chỉ rất nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ mà ngay cả những gia trại, trang trại mới xây dựng cũng không cầm cự được dẫn đến bỏ trống chuồng. Theo Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Cư Kuin, trên địa bàn huyện hiện đã có khoảng 80% hộ chăn nuôi heo quy mô nông hộ, gia trại bỏ trống chuồng hoặc giảm đàn đến mức thấp nhất vì không đủ tài chính để duy trì đàn. Ông Nguyễn Văn Bình, chủ trang trại heo ở thôn Nam Hòa (xã Dray Bhăng) chia sẻ, năm 2014 thấy giá heo cao, nhiều hộ dân “ăn nên làm ra” nhờ nuôi heo nên gia đình quyết định đầu tư khoảng 10 tỷ đồng (trong đó vay ngân hàng 6 tỷ đồng) để xây dựng trang trại nuôi heo (gồm heo thịt và heo nái) trên diện tích 2.000 m2, với công suất 3.000 con/năm theo quy trình chăn nuôi khép kín. Khi trang trại chính thức đi vào hoạt động thì rơi ngay vào thời điểm giá heo đang tuột dốc, càng nuôi càng lỗ, gia đình phải giảm đàn heo nái xuống còn 150 - 200 con để giảm quy mô đàn heo thịt. Tính đến nay gia đình đã lỗ khoảng 6 tỷ đồng và đang cố gắng cầm cự, nhưng không biết sẽ được bao lâu nếu giá heo không tăng hoặc không có sự hỗ trợ của Nhà nước. Theo số liệu của Phòng NN-PTNT huyện, hiện tổng đàn heo trên địa bàn Cư Kuin gần 44.000 con heo, giảm trên 4.000 con so với cuối năm 2017, số lượng đàn heo còn duy trì được phần lớn thuộc về các trang trại chăn nuôi gia công cho các công ty nước ngoài.

Trang trại nuôi heo của hộ ông Nguyễn Văn Bình (xã Dray Bhăng, huyện Cư Kuin).
Trang trại nuôi heo của hộ ông Nguyễn Văn Bình (xã Dray Bhăng, huyện Cư Kuin).

Ở huyện Ea Kar cũng rơi vào tình trạng tương tự, tính đến cuối năm 2017, tổng đàn heo toàn huyện giảm khoảng 40% so với năm 2016. Riêng trong 3 tháng đầu năm 2018, tổng đàn tiếp tục giảm 20.000 con (hiện còn khoảng 80.000 con), chăn nuôi nông hộ hầu như bỏ trống chuồng, chỉ còn các trang trại lớn, đã chăn nuôi lâu năm đang cố gắng duy trì nhưng cũng giảm quy mô đàn xuống thấp; các trang trại nhỏ mới hình thành thì phá sản gần hết, hiện đã có khoảng 10 trang trại heo bỏ trống chuồng.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, cuối năm 2017 tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh giảm khá mạnh, trên 136.550 con so với cuối năm 2016. Từ đầu năm 2018 đến nay, việc bỏ chuồng vẫn đang diễn ra ở các địa phương. Trong khi đó, nhiều chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi chưa được thực thi có hiệu quả, việc đầu tư phát triển chăn nuôi thiếu đồng bộ, dẫn đến người chăn nuôi phải tự chống đỡ khi thị trường có biến động.

Loay hoay tìm giải pháp

Trước thực trạng trên, nhiều địa phương vẫn chưa có hướng hỗ trợ nào cho người chăn nuôi, phần lớn nông dân vẫn đang tự “bơi” để đối phó với khó khăn trước mắt. Theo ông Hoàng Công Nhiên, Trưởng Trạm chăn nuôi và Thú y huyện Ea Kar, hiện chỉ có con đường tháo gỡ duy nhất là xây dựng huyện an toàn dịch cho chăn nuôi heo. Nếu làm được việc này, chất lượng sản phẩm được nâng lên, truy suất được nguồn gốc, bảo đảm an toàn thực phẩm. Trên cơ sở đó sẽ đáp ứng được yêu cầu của các kênh tiêu thụ thực phẩm sạch như siêu thị, khách sạn, nhà hàng cao cấp, đồng thời có nhiều cơ hội xuất khẩu sang thị trường những nước khó tính… Tuy nhiên, do kinh phí lớn, nên huyện không đáp ứng được và hiện Trạm cũng không biết kêu gọi nguồn vốn đầu tư ở đâu để giúp các hộ chăn nuôi heo phát triển ổn định.

Trang trại nuôi heo của hộ Phạm Xuân Toàn (xã Xuân Phú, huyện Ea Kar) đã giảm số lượng đàn.
Trang trại nuôi heo của hộ Phạm Xuân Toàn (xã Xuân Phú, huyện Ea Kar) đã giảm số lượng đàn.

Còn huyện Cư Kuin, để cứu nguy cho các trang trại không liên kết nuôi gia công, huyện đang xây dựng mô hình chăn nuôi heo theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm đưa chăn nuôi phát triển theo hướng an toàn dịch, an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng, nâng cao thu nhập cho chủ trang trại, giải quyết việc làm cho người lao động trong và ngoài trang trại. Tổng kinh phí xây dựng mô hình khoảng 300 triệu đồng, trong đó huyện hỗ trợ 150 triệu, còn lại là vốn đối ứng của trang trại thực hiện mô hình. Với mô hình này, huyện hy vọng sẽ kết nối thương mại được với những kênh tiêu thụ thực phẩm sạch, mở ra hướng phát triển mới cho ngành chăn nuôi huyện Cư Kuin.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, chăn nuôi heo đang gặp khó khăn là thực trạng chung của cả nước, do đó để gỡ được nút thắt này cần từng bước tổ chức lại chăn nuôi theo hướng liên kết và quản lý theo chuỗi sản phẩm khép kín từ chuồng nuôi đến thị trường tiêu thụ; khuyến khích phát triển trang trại chăn nuôi hàng hóa tập trung theo phương thức công nghiệp, xây dựng các vùng sản xuất an toàn dịch bệnh, đảm bảo cung cấp thực phẩm sạch, an toàn cho thị trường nội địa. Đặc biệt, trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp cũng đã đề cập đến việc hỗ trợ bảo hiểm chăn nuôi cho các cơ sở an toàn dịch bệnh. Đây là những giải pháp mang tính bền vững để giúp ngành chăn nuôi, trong đó có nuôi heo phát triển ổn định trong thời gian tới.

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.