Multimedia Đọc Báo in

Phát triển chuỗi giá trị sản xuất: Nhiều "nút thắt" cần tháo gỡ (Kỳ cuối)

08:40, 16/11/2018

Kỳ cuối: Lời giải để gia tăng giá trị chuỗi sản xuất

Phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng và gia tăng giá trị bền vững. Vì vậy, bên cạnh hình thành chuỗi cần quan tâm đến việc hoàn thiện và gia tăng giá trị của chuỗi sản xuất.

Cụ thể hóa chính sách

Để hỗ trợ, nhân rộng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, đáp ứng nhu cầu sử dụng sản phẩm sạch của người tiêu dùng, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành và sửa đổi nhiều cơ chế chính sách nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Ở tỉnh ta, năm 2018 UBND tỉnh đã bố trí trên 15,6 tỷ đồng từ nguồn kinh phí Trung ương cho các huyện, thị xã, thành phố triển khai hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm; giải ngân 13 tỷ đồng từ nguồn vốn của chương trình cơ giới hóa nông nghiệp. Đồng thời, UBND tỉnh vừa phê duyệt danh mục dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2018-2020, trong đó có 6 dự án phát triển sản xuất theo chuỗi sản phẩm gồm: cà phê chứng nhận (4C, UTZ, Flo); lúa gạo chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP; cây ăn quả có múi theo tiêu chuẩn VietGAP; rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; cá rô phi đơn tính theo tiêu chuẩn VietGAP; thịt heo theo tiêu chuẩn VietGAP.

HTX Nông nghiệp thương mại - Dịch vụ - Vận tải Thành Công giới thiệu sản phẩm cam, quýt đạt tiêu chuẩn VietGAP tại Hội nghị kết nối thương mại của tỉnh.
HTX Nông nghiệp thương mại - Dịch vụ - Vận tải Thành Công giới thiệu sản phẩm cam, quýt đạt tiêu chuẩn VietGAP tại Hội nghị kết nối thương mại của tỉnh.

Theo các đơn vị thực hiện mô hình chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn, việc thực hiện sản xuất theo chuỗi đã được Nhà nước quan tâm, hỗ trợ từ khâu sản xuất đến kết nối thương mại. Đó chính là bàn đạp để các đơn vị tiếp tục mở rộng mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; xây dựng nhà sơ chế, đóng gói sản phẩm, nhận diện thương hiệu sản phẩm; mở rộng thị trường tiêu thụ và phát triển theo hướng sản xuất gắn với chuỗi giá trị. Theo ông Trương Phú Định, Giám đốc HTX Thành Công, để làm được điều này HTX rất mong muốn được đào tạo, tập huấn, trẻ hóa thành viên HTX để theo kịp xu thế chung, mong được hỗ trợ về cơ chế, chính sách đối với các HTX nhỏ, hỗ trợ tiếp cận thị trường và nguồn vốn của ngân hàng. Đại diện HTX Nông nghiệp Mắc ca Tân Định cho rằng, các cơ quan quản lý Nhà nước siết chặt quản lý đối với các hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hướng dẫn những hộ trồng tự phát, nhỏ lẻ phải thu hái đúng thời điểm hạt già, bán cho những cơ sở đủ điều kiện rang sấy, bảo quản nhằm bảo đảm hạt mắc ca bảo đảm chất lượng.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Theo Sở NN-PTNT, để hoàn thiện và phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn trên địa bàn tỉnh, ngành nông nghiệp đã đưa ra 7 nhóm giải pháp. Trong đó có 2 nhóm giải pháp quan trọng là về đầu tư và hỗ trợ sản xuất; xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm với các nội dung cụ thể: Hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cho các vùng sản xuất, đặc biệt là các vùng sản xuất tập trung tham gia mô hình chuỗi; hỗ trợ các cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia mô hình chuỗi một số trang thiết bị, dụng cụ kiểm tra nhanh tại hiện trường để tự giám sát một số chỉ tiêu về an toàn thực phẩm; hỗ trợ ban đầu khâu nhận diện, quảng bá và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tiếp cận với các cơ sở tín dụng có nguồn vay vốn ổn định, lãi suất ưu đãi; tổ chức các hội chợ, hội nghị trong nước, quốc tế để quảng bá, giới thiệu sản phẩm…

Mô hình liên kết chuỗi thủy sản trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.
Mô hình liên kết chuỗi thủy sản trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.

Ông Trần Ngọc Thanh, Chi cục Trưởng Chi cục quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản cho biết, đối với vấn đề đầu ra của các sản phẩm, Sở đã tham mưu UBND tỉnh thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại, mời các nhà tiêu thụ lớn của TP. Hồ Chí Minh lên gặp gỡ các doanh nghiệp sản xuất trong tỉnh và thành lập đoàn gồm các HTX, doanh nghiệp sản xuất nông sản tiêu biểu của tỉnh xuống làm việc cùng Sở NN-PTNT TP. Hồ Chí Minh nhằm tìm cơ hội kết nối thương mại với các nhà tiêu thụ lớn. Đầu năm 2019, tỉnh sẽ làm việc với thành phố Đà Nẵng để đưa các nhóm sản phẩm, các HTX trao đổi trực tiếp và tìm cơ hội thâm nhập vào thị trường tiềm năng này.

Cũng theo ông Thanh, để phát triển sản xuất theo chuỗi, người dân cần nâng cao nhận thức vì sản xuất theo chuỗi sẽ bảo đảm an toàn thực phẩm, có thương hiệu mới tiến tới sản xuất bền vững nhằm tránh tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa. Đồng thời các HTX, doanh nghiệp sản xuất khi tham gia chuỗi cần kết nối với những doanh nghiệp thu mua chính thống nhằm hạn chế rủi ro bởi trên thực tế có một số đơn vị đến nhưng không qua giới thiệu của cơ quan quản lý nhà nước thì họ chủ yếu bán vật tư nông nghiệp, bán giống chứ việc tiêu thụ sản phẩm không chắc chắn. Trong quá trình sản xuất theo chuỗi có những khó khăn về mặt kỹ thuật, vốn, tiếp thị, thương mại nên cần tranh thủ các nguồn hỗ trợ của Nhà nước và cùng nhau tháo gỡ khó khăn, cần xác định con đường sản xuất theo chuỗi là con đường bền vững, có chất lượng, an toàn, định hướng được bán cho ai, bán như thế nào.

Theo Kế hoạch xây dựng và phát triển mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2025, trong giai đoạn 1 (2017-2020) có ít nhất 10-15 mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn được xây dựng và thử nghiệm thành công, tập trung ở các sản phẩm rau củ quả, thịt, thủy sản nuôi; giai đoạn 2 (2020-2025) có ít nhất 50% sản lượng nông lâm thủy sản chủ lực, có mức độ rủi ro cao, đang có bức xúc về an toàn thực phẩm được kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi. Tổng kinh phí thực hiện trong 2 giai đoạn này là 4,5 tỷ đồng.

Minh Thuận-Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.