Multimedia Đọc Báo in

Lại một mùa "mía đắng" ở Krông Bông

09:42, 19/02/2019

Niên vụ 2018 – 2019, huyện Krông Bông trồng khoảng 500 ha mía, giảm gần một nửa so với niên vụ trước bởi nông dân phá bỏ cây mía chuyển sang các loại cây trồng khác do không có nơi tiêu thụ và giá cả bấp bênh.

Sau Tết Nguyên đán, nông dân các xã trên địa bàn huyện Krông Bông bắt tay vào thu hoạch mía niên vụ 2018 – 2019. Tuy nhiên, bà con nông dân đang “than ngắn, thở dài” bởi giá cả quá thấp khiến người trồng mía thua lỗ nặng.

Năm 2017, gia đình ông Nguyễn Tâm Hưng (ở thôn 1, xã Hòa Lễ) trồng mới 0,5 ha mía song do ảnh hưởng cơn bão số 12, nước lũ tràn lên ruộng mía nên giá bán giảm chỉ còn 2 triệu đồng/sào. Năm nay, để tránh bị thất thu, gia đình ông Hưng đã bỏ công sức, đầu tư thêm phân bón chăm sóc cho ruộng mía xanh tốt, đến ngày thu hoạch bình quân mỗi cây cao trên 1,5 m. Tuy nhiên, do không ký kết bán trực tiếp cho Nhà máy đường 333 mà phải bán qua trung gian tư thương trên địa bàn nên ông Hưng cũng chỉ bán được giá 2,3 triệu đồng/sào, lỗ gần 7 triệu đồng. Gia đình ông Nguyễn Xuân Lý (thôn 1, xã Hòa Lễ) thì đang cày bỏ toàn bộ diện tích mía năm thứ hai để chuyển đổi sang cây trồng khác. Ông Lý ngậm ngùi cho hay, gia đình ông trồng được 0,5 ha mía, dự kiến sau khi ăn tết xong sẽ tập trung thu hoạch, thế nhưng vào đêm 12-2-2019 vừa qua ruộng mía của gia đình ông đã bị kẻ xấu đốt cháy trụi, ông chỉ còn biết thu gom những cây còn sót lại nhờ tư thương tiêu thụ mà không hề biết giá cả là bao nhiêu, coi như vụ mía này gia đình ông Lý trắng tay.

Ông Nguyễn Xuân Lý (thôn 1, xã Hòa Lễ) cày phá bỏ 0,5 ha mía năm thứ hai để chuyển sang cây trồng khác.
Ruộng mía của gia đình ông Nguyễn Tâm Hưng (thôn 1, xã Hòa Lễ) đang thu hoạch.

Không chỉ nông dân xã Hòa Lễ kém vui sau một niên vụ mía thất bát mà hầu hết người trồng mía ở các thôn 7, 8, 9,10, 12 xã Khuê Ngọc Điền cũng trong tâm trạng “bỏ thì thương, vương thì tội” bởi giá mía thấp kỷ lục. Gia đình ông Thái Cao Bằng (thôn 12, xã Khuê Ngọc Điền) có 0,8 ha mía năm thứ hai, vì không đủ điều kiện ký kết trực tiếp với Nhà máy đường 333 tiêu thụ sản phẩm nên giá cả phụ thuộc hoàn toàn vào đại lý thu mua. Năm trước giá thu mua 400.000 đồng/tấn mía cây, sau khi cân bán lại bị đại lý lấy nhiều lý do khác nhau để khấu trừ nhiều khoản “trên trời” nên giá rớt xuống dưới 2 triệu đồng/sào. Vì thế, mặc dù năm nay đại lý cũng đưa mức giá bằng năm ngoái là 400.000 đồng/tấn, nhưng gia đình ông đành chấp nhận bán với giá 2 triệu đồng/sào để tránh bị lỗ thêm.

Bà Nguyễn Thị Thủ, người dân cùng thôn với ông Thái Cao Bằng cũng bức xúc: Do đại lý thu mua độc quyền nên những người nơi khác muốn đến thu mua không được vào, trong khi mọi chi phí từ A đến Z đều do nông dân bỏ ra, nhưng không được bán ra ngoài. Năm trước gia đình bà trồng được 4 sào mía, đại lý chi trả tiền công cho người thu hoạch 3 triệu đồng nên chỉ trả cho gia đình bà thêm 1 triệu đồng/sào. Rút kinh nghiệm, năm nay gia đình bà Thủ tự thu hoạch song đại lý cũng chỉ đồng ý bán xong mới thanh toán mà không cho biết trị giá là bao nhiêu.

Ông Nguyễn Xuân Lý (thôn 1, xã Hòa Lễ) cày phá bỏ 0,5 ha mía năm thứ hai để chuyển sang cây trồng khác.
Ông Nguyễn Xuân Lý (thôn 1, xã Hòa Lễ) cày phá bỏ 0,5 ha mía năm thứ hai để chuyển sang cây trồng khác.

Trong khi đó, Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thăng Bình (xã Cư Kty) vẫn thu mua mía của người dân với mức giá đến 5 triệu đồng/sào.

Hầu hết bà con nông dân đều nhận định nếu giá mía dao động từ 4 triệu đồng/sào trở lên thì nông dân mới có thể gắn bó lâu dài với cây mía, còn nếu giá thu mua như 2 năm nay thì buộc phải chuyển đổi sang cây trồng khác. Tuy nhiên, bà con cũng đang lúng túng chưa xác định được chuyển sang trồng cây gì ngoài ngô, sắn, trong khi đây là những loại cây cũng đang trong tình trạng giá cả bấp bênh.

Mai Viết Tăng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.