Multimedia Đọc Báo in

Thu hút đầu tư: Bước đột phá nào cho Đắk Lắk với vị thế trung tâm vùng Tây Nguyên? (Kỳ cuối)

09:53, 20/03/2019
[links(left)]
Kỳ cuối: Những hiến kế "vàng"
 
Cùng với sự hỗ trợ từ các bộ, ngành Trung ương, sự chung tay các nhà đầu tư thì địa phương cần có hướng tiếp cận và cách làm mới để tiếp tục phát triển xứng tầm là trung tâm vùng Tây Nguyên.
 
Phát huy thế mạnh chiến lược của "Đại ngàn"
 
Theo PGS.TS. Trần Đình Thiên, "Đại ngàn" chính là điểm tạo nên sự khác biệt, đặc sắc của Đắk Lắk. "Đại ngàn" không chỉ nói đến rừng mà còn là bản sắc văn hóa, là đất, nước, văn hóa cồng chiêng, bản làng… là linh hồn của Tây Nguyên. Đấy chính là thế mạnh, thế mạnh chiến lược dài hạn và đã đến lúc cần kiểm điểm lại chúng ta đã tận dụng cái thế mạnh đại ngàn như thế nào, nó đang ở đâu, dịch chuyển như thế nào, ta đã thực sự tận dụng được thế mạnh đó chưa? Năm 2017, khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có chuyến thăm khi Tây Nguyên và tham dự Hội nghị Xúc tiến đầu tư Tây Nguyên được tổ chức trong khuôn khổ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 đã ra lệnh đóng cửa rừng Tây Nguyên. Điều đó cho thấy sự quyết liệt của Chính phủ trong định hướng phát triển đối với khu vực này là phát triển phải gắn với việc bảo vệ cho được thế mạnh, nội lực cơ bản của Tây Nguyên đó là "đại ngàn". Giữ được "đại ngàn" là thách thức nhưng cũng là lợi ích to lớn cần sự chung tay của cả cộng đồng. 
 
Tuy nhiên, cách khai thác tài nguyên theo lối truyền thống đang dẫn đến việc nguồn nước ngày càng cạn kiệt, đây cũng là một thách thức trong phát triển gắn với bảo vệ những thế mạnh của thủ phủ xanh Tây Nguyên. Theo báo cáo kinh tế xã hội 2018 của tỉnh, diện tích gieo trồng tăng 31.332 ha so với năm 2016. Đây là con số vừa cho thấy tiềm năng lớn về đất đai của tỉnh nhưng cũng cho thấy sự bất ổn trong cách thức phát triển.
 
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị, đại diện UBND tỉnh ký kết chương trình hợp tác với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư Đắk Lắk năm 2019 dưới sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và đại diện các Bộ, ngành Trung ương.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị, đại diện UBND tỉnh ký kết chương trình hợp tác với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư Đắk Lắk năm 2019 dưới sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và đại diện các Bộ, ngành Trung ương.

Đó là phát triển thiếu chiều sâu, mở rộng diện tích, khai thác dựa trên các nguồn tài nguyên sẵn có. Trong khi đó, công nghiệp của Đắk Lắk cho đến bây giờ giá trị sản lượng công nghiệp chưa bằng ½ giá trị sản lượng nông nghiệp (8.300/20.300 tỷ đồng), đặc biệt là công nghiệp chế biến chỉ chiếm 50% (4.500 tỷ đồng). Cho nên để tạo được những bước đi đột phá thì Đắk Lắk cần phải đặt ra những bài toán thách thức để doanh nghiệp khi đến đây thay đổi cách “chơi” của mình. Có nghĩa là địa phương phải chuyển hướng sang tập trung xây dựng chuỗi sản xuất đối với các sản phẩm có lợi thế, hướng tới giá trị gia tăng cao, khuyến khích thu hút đầu tư tạo chuỗi, đặc biệt là các công đoạn chế biến sâu; đồng thời áp dụng nguyên tắc “khuyến khích, hỗ trợ người thắng” đối với các doanh nghiệp đầu tư tạo chuỗi, nhằm mục tiêu lôi kéo và thúc đẩy phát triển các nhà đầu tư lớn, đóng vai trò dẫn dắt chuỗi. 

Liên quan đến vấn đề này, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển NNNT (Bộ NN-PTNT) Đỗ Anh Tuấn cũng cho rằng, nông nghiệp là lợi thế nổi bật của tỉnh Đắk Lắk, phải ưu tiên phát triển toàn diện ngành kinh tế nông nghiệp theo hướng hiện đại, tạo ra động lực mới cho tăng trưởng bền vững. Để phát triển phải theo hướng tập trung ưu tiên các sản phẩm nông sản chủ lực có lợi thế, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm tạo hiệu quả và sức lan tỏa, tỉnh cần tập trung thu hút đầu tư của doanh nghiệp, đặc biệt là đối với chế biến sâu; xây dựng liên kết chuỗi giá trị nông nghiệp đồng bộ, trong đó, doanh nghiệp là hạt nhân, kinh tế hợp tác là nòng cốt, hộ nông dân và kinh tế hộ là chủ thể của quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn.
 
“Đắk Lắk cần đổi mới tư duy, tầm nhìn mới, trên hết là khát vọng, nhiệt huyết vươn lên tạo luồng sinh khí mới để bứt phá, thêm xung lực mới thúc đẩy thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội và khai thác tiềm năng lợi thế sẵn có. Phát triển nông nghiệp với vai trò chủ lực và du lịch là ngành mũi nhọn với nhiều loại hình, liên kết với các tỉnh khu vực Tây Nguyên, duyên hải miền Trung. Quy hoạch hợp lý, khoa học để phát triển năng lượng tái tạo, điện gió, điện mặt trời và kêu gọi các dự án đầu tư phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, gắn với giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa Tây Nguyên”– Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình.
 
 

Còn theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng, để nâng cao số lượng và chất lượng đầu tư, tỉnh Đắk Lắk cần xác định rõ danh mục các dự án, các lĩnh vực ưu tiên để tập trung thu hút đầu tư, phù hợp với tiềm năng, lợi thế của tỉnh; xây dựng một kế hoạch xúc tiến đầu tư chủ động hơn, tập trung vào tiếp cận, làm việc với những đối tác trọng tâm, các nhà đầu tư lớn có năng lực để tạo thành những dự án, những công trình lớn hiệu quả.

“Bắt tay” vì Buôn Ma Thuột và toàn vùng
 
Có thế nhận thấy, lợi thế đặc biệt của Đắk Lắk đó là Buôn Ma Thuột được định hướng phát triển trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên. Tuy nhiên, sự quan tâm, đầu tư hiện nay vẫn chưa đúng mức, tương xứng với tiềm năng và vị thế của đô thị này. Đô thị trung tâm vùng đó không chỉ là vinh dự cho Buôn Ma Thuột mà quan trọng hơn chức năng làm thủ phủ là tạo cho đô thị này lợi thế phát triển. Để thực hiện được chức năng là trung tâm của vùng Tây Nguyên, TP. Buôn Ma Thuột phải trở thành trung tâm liên kết – hội nhập, trung tâm nghiên cứu - phát triển, đổi mới – sáng tạo của vùng, với những sản phẩm thế mạnh đặc sắc. Phát triển Buôn Ma Thuột theo hướng hiện đại, hội nhập sâu, kết nối rộng, phải là chiến lược ưu tiên hàng đầu của tỉnh Đắk Lắk và là nhiệm vụ trọng điểm của cả vùng cũng như Quốc gia. Có nghĩa là phải thoát khỏi tư duy cục bộ, coi phát triển Buôn Ma Thuột là việc riêng của Đắk Lắk, chủ yếu làm giàu cho Đắk Lắk.
 
Không những thế, cần có cái nhìn đúng đắn về tầm quan trọng của việc phát triển vùng Tây Nguyên để có cách thức xây dựng thành phố này một cách đúng tầm. Trên cơ sở đó, ưu tiên đầu tư hạ tầng cơ sở cho thành phố ngang tầm thủ phủ vùng. Và như  PGS.TS. Trần Đình Thiên đã hiến kế: “Đắk Lắk có thể vươn lên hiện đại thông qua trung tâm hội tụ phát triển. Buôn Ma Thuột không chỉ là trung tâm vùng mà còn là trung tâm hội tụ phát triển. Vì hội tụ được nên lan tỏa được.” 
 
Nhấn mạnh trách nhiệm chung của cả vùng và yếu tố liên kết trong quá trình xây dựng Buôn Ma Thuột thành trung tâm vùng Tây Nguyên, nhiều ý kiến cho rằng tỉnh Đắk Lắk cần xác định những nhiệm vụ ưu tiên, đột phá, nhất là trong thu hút đầu tư. Nhiệm vụ trước hết là thực hiện chương trình cải cách bộ máy công quyền, lành mạnh hóa môi trường đầu tư, “trải thảm đỏ” đón các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, có tầm và có tâm, vừa làm giàu cho doanh nghiệp vừa làm giàu cho tỉnh trên cơ sở phát triển bền vững và bảo tồn, phát huy các giá trị của địa phương. Cùng với đó, phát triển du lịch với trụ cột là “Văn hóa Tây Nguyên, linh hồn Đại ngàn”, kết nối tua tuyến du lịch dọc theo các tỉnh Tây Nguyên và ngang với các tỉnh Duyên hải miền Trung, tạo cấu trúc du lịch rừng – biển đặc sắc.
 
 
Lê Hương – Minh Thông

Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.