Multimedia Đọc Báo in

Đi qua vùng hạn hán... (Kỳ 1)

10:05, 25/04/2019

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh đã có hơn 4.500 ha cây trồng bị khô hạn với khoảng 964 ha lúa và 3.660 ha cà phê, hồ tiêu… Không chỉ cây trồng khô héo, người dân một số địa phương cũng đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Về các huyện Krông Búk, Buôn Đôn, Ea Súp… những ngày này, chúng tôi càng thấy rõ hơn nỗi khổ của người dân trong “cuộc chiến” với hạn hán…

Kỳ 1: Quay quắt trong cơn đại hạn

Nguồn nước khô cạn, đất đai nứt nẻ làm nhiều vườn cây “chết đứng”. Người nông dân vừa hối hả tìm nguồn nước “cứu” cây trồng, vừa chật vật lo nước sinh hoạt hằng ngày...

Hồ trơ, giếng cạn!

Chưa tới 9 giờ sáng nhưng nắng nóng đã “bể đầu người” trên các rẫy cà phê ở xã Cư Pơng (Krông Búk). Nhiều tháng qua, ở đây không có lấy một cơn mưa. Hai bên đường, những rẫy cà phê, tiêu… không còn thấy màu xanh của lá, nhiều cây chết khô do thiếu nước.

Hồ Dhung Tiên (huyện Krông Búk) nước cạn trơ đáy, lòng hồ nứt nẻ vì khô hạn.
Hồ Dhung Tiên (huyện Krông Búk) nước cạn trơ đáy, lòng hồ nứt nẻ vì khô hạn.

Có mặt tại hồ Dhung Tiên (xã Cư Pơng), một trong những hồ chứa nước lớn của huyện, trước mắt chúng tôi là lòng hồ đã cạn trơ đáy, từng mảng đất nứt toác. Xe máy chạy dưới lòng hồ mà không dính một tí bùn đất. Anh Y Trung Mlô (buôn Tlan, xã Cư Pơng) cho biết, hồ này rất rộng và sâu, là nơi chứa nước tưới cho hơn chục hộ dân có rẫy xung quanh. Nhờ có công trình thủy lợi này mà nhiều vườn cây trong vùng trụ nổi qua mùa khô bao năm qua. Thế nhưng năm nay hồ đã kiệt nước sớm hơn mọi năm gần một tháng. "Nhìn từ trên xuống, ai không biết cứ tưởng là sa mạc”, anh Y Trung thở dài.

Theo ông Trần Thành, Chủ tịch UBND xã Cư Pơng, nhiều tháng qua trên địa bàn không có mưa nên hồ, đập trên đều cạn nước. Hàng nghìn héc-ta cà phê, tiêu… của địa phương đang đối diện với tình trạng thiếu nước tưới nghiêm trọng.

 
"Người dân đổ xô khoan giếng để tìm nước sinh hoạt và “cứu” cây trồng, tuy nhiên nhiều trường hợp giếng khoan không có nước. Chúng tôi khuyến cáo người dân không nên khoan giếng tràn lan, bởi chưa chắc đã có nước mà lại dễ gây ô nhiễm nguồn nước ngầm".
 
Bà Trần Thị Thủy, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Buôn Đôn

Không chỉ hồ thủy lợi trơ đáy mà cả giếng khoan sâu cả trăm mét vẫn bị khô cạn. Nhà anh Lục Văn Cường (thôn Bình Lợi, xã Cư M’lan, huyện Ea Súp) có 2 giếng khoan sâu 70-80 m nhưng hiện không có nước. Giếng thứ nhất anh khoan năm 2018 song không trúng mạch nên bỏ không. Đầu năm 2019, anh khoan thêm giếng thứ hai song chỉ được ít nước dùng sinh hoạt. Nắng nóng kéo dài từ đầu mùa khô đến nay khiến những giọt nước ít ỏi này cũng cạn dần… Ông Lý Tòn Chuống, Trưởng thôn Bình Lợi cho hay: Trong thôn có 117 hộ thì hơn một nửa đã thiếu nước sinh hoạt, 2-3 nhà phải xài chung một giếng. Người dân chỉ còn cách tiết kiệm tối đa nguồn nước để “cầu mưa".

Loay hoay tìm nước

Giữa lòng hồ khô khốc Dhung Tiên, dù đã hơn 12 giờ trưa những vẫn có hàng chục người dân nhẫn nại chờ từng tí nước ngầm rỉ ra để bơm tưới cây. Trong cái nắng như đổ lửa, trông ai cũng mệt mỏi, xơ xác. Quệt dòng mồ hôi đang tứa ra nhễ nhại trên mặt, ông Y Lut Niê (xã Cư Pơng) kể: Hồ cạn, dân phải thuê máy múc khoét sâu xuống 3-4 m, tạo thành những chiếc ao nhỏ để tìm nước ngầm. Song mỗi ngày, ao chỉ rỉ được vài khối nước cho 2-3 chiếc máy bơm chờ sẵn trên bờ. Bơm được khoảng chục phút, ao lại cạn.

Bà H’Ear Mlô (xã Cư Pơng) bên rẫy  cà phê  gia đình đang bị  héo rũ  vì  thiếu nước.
Bà H’Ear Mlô (xã Cư Pơng) bên rẫy cà phê gia đình đang bị héo rũ vì thiếu nước.

Dẫn chúng tôi đến vườn cà phê đang “khát” nước, bà H’Ear Mlô, vợ ông Y Lut rầu rĩ: "Nguồn sống gia đình tôi trông chờ vào rẫy cà phê này nhưng giờ không còn nước tưới. Năm vừa rồi, gia đình thu được 2 tấn/ha, năm nay không biết có thu được quả nào không, trong khi tiền mua dầu bơm nước, tiền phân bón… đã  mất hơn chục triệu đồng".

Chúng tôi ngược về Buôn Đôn, dọc đường chỉ còn lại một màu vàng úa của cây cỏ. Buôn Đôn là một trong những địa  phương chịu ảnh hưởng nặng nề trong cơn đại hạn năm nay. Để khắc phục tình trạng thiếu nước sản xuất và sinh hoạt, người dân chỉ còn cách khoan giếng, chắt chiu từng giọt nước ngầm... Thế nhưng, nào phải nước ngầm dễ kiếm. Chỉ tay vào giếng khoan chỉ có một ít nước cặn đục ngầu dưới đáy, chị Nông Thị Thuận (xã Ea Huar, huyện Buôn Đôn) buồn bã nói: "Gia đình tôi mới đầu tư hơn 20 triệu đồng để khoan giếng sâu 100 m nhưng chỉ có được một ít nước đục ngầu. Gia đình đành phải đi mua nước về dùng, tiết kiệm lắm cũng mất 450 nghìn đồng/tháng. Lo nước sinh hoạt đã “đuối”, cây trồng đành “phó mặc” cho trời!".

Ông Y Lut Niê (xã Cư Pơng) vận hành bơm lấy nước tưới cây cà phê ở hồ Dhung Tiên.
Ông Y Lut Niê (xã Cư Pơng) vận hành bơm lấy nước tưới cây cà phê ở hồ Dhung Tiên.

Bà Trần Thị Thủy, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Buôn Đôn cho biết, hiện tại, tình trạng thiếu nước sinh hoạt đã xảy ra cục bộ ở nhiều địa phương, nghiêm trọng nhất là ở các buôn Kơ Đung, buôn Ea Mthar (xã Ea Nuôl). Người dân phải đến lấy nước tại các điểm cấp nước tập trung. Các xã khác như Ea Bar, Tân Hòa… vẫn còn nước để “cầm cự” được nhờ khu vực này có nguồn nước từ mỏ đá. Riêng xã Ea Huar chịu hạn nặng nhất vì phụ thuộc chủ yếu vào nguồn nước chảy từ huyện giáp ranh Cư M’gar.

(Còn nữa)

Thùy Duyên - Huỳnh Thủy

 

 


Ý kiến bạn đọc


(Infographic) Kết quả kinh tế - xã hội quý I/2024 của tỉnh Đắk Lắk
Ngay từ đầu năm 2024, bám sát các nội dung chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, các cấp, các ngành, địa phương của tỉnh Đắk Lắk đã tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong quý I/2024 tiếp tục phát triển ổn định; một số chỉ tiêu đạt, vượt kế hoạch đề ra.