Multimedia Đọc Báo in

Tín dụng Agribank: Kênh vốn quan trọng góp phần hạn chế "tín dụng đen"

09:01, 24/04/2019

Trước thực trạng diễn biến "tín dụng đen" hết sức phức tạp, nhất là khu vực nông thôn, thời gian qua Ngân hàng NN-PTNT Chi nhánh Đắk Lắk (Agribank Đắk Lắk) đã có nhiều nỗ lực trong việc cung cấp vốn cho khu vực này.

Trong khi các ngân hàng thương mại chủ yếu hoạt động kinh doanh ở khu vực thành thị thì Agribank nói chung, Agribank Đắk Lắk nói riêng là ngân hàng duy nhất có mặt ở hầu khắp các địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Cùng với việc mở rộng mạng lưới, Agribank Đắk Lắk cũng luôn nỗ lực tìm mọi cách để người dân địa bàn nông thôn, vùng sâu vùng xa làm quen với các dịch vụ ngân hàng và quan trọng nhất là được tiếp cận với nguồn vốn chính thống. Đồng thời không ngừng cải tiến quy trình, thủ tục cho vay, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay, đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng phù hợp với từng đối tượng khách hàng.

Cán bộ Agribank Chi nhánh Krông Bông tham quan vườn dứa của gia đình chị H’ Lai Êban  (buôn Chàm B, xã Cư Đrăm).
Cán bộ Agribank Chi nhánh Krông Bông tham quan vườn dứa của gia đình chị H’ Lai Êban (buôn Chàm B, xã Cư Đrăm).

Ông Y Riêu Êban (Trưởng buôn Tơng Rang A, xã Cư Đrăm, huyện Krông Bông) cho biết, do kinh tế khó khăn, trong một thời gian dài, hầu hết người dân ở đây đều phải “ứng trước” mọi khoản chi tiêu từ đầu tư sản xuất đến nhu yếu phẩm hằng ngày tại các đại lý, cửa hàng trong vùng, đến khi thu hoạch nông sản mới có tiền trả; khi trả đều phải quy ra tiền ứng với số hàng hóa đã mua và phải trả lãi cho số tiền đó với lãi suất 1.000 đồng/1 triệu đồng/ngày.

Vì phải “gánh” thêm khoản lãi đó nên nếu mùa vụ không đạt, giá bán xuống thấp thì nhiều gia đình có bán hết sản phẩm có khi cũng không đủ trả. Do vậy nợ nần như một vòng luẩn quẩn, cái nghèo, cái đói cứ mãi đeo bám bà con nơi đây. Thế nên khi được tiếp cận vốn vay của Agribank, nhiều gia đình đã thoát được vòng luẩn quẩn này, từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu.

Như bản thân ông Y Riêu Êban cũng đã được Agribank Chi nhánh Krông Bông cho vay vốn từ năm 2014 đến nay nên gia đình có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Đến nay, gia đình đã có hơn 1 ha cà phê cho thu hoạch ổn định, 6 con bò mẹ, hơn 1 sào ao cá… Nhờ kinh tế ổn định, các con của ông cũng được học hành đầy đủ.

Cũng nhờ nguồn vốn của Agribank Chi nhánh Krông Bông, gia đình chị H’Lai Êban (buôn Chàm B, xã Cư Đrăm, huyện Krông Bông) từ một hộ nghèo đang từng bước vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất của mình. Năm 2017, gia đình chị H’Lai được Agribank Chi nhánh Krông Bông cho vay 150 triệu đồng để đầu tư chăm sóc hơn 1 ha cà phê và mua thêm đất mở rộng sản xuất. Đầu năm 2019, gia đình đã trả hết số nợ trên và tiếp tục được phía ngân hàng cho vay lại 150 triệu đồng để chuẩn bị đầu tư trồng 2 ha dứa trên vùng đồi mới mua được. Chị H’Lai chia sẻ, không những được hỗ trợ về vốn, gia đình còn được cán bộ Agribank Chi nhánh Krông Bông tận tình chỉ bảo cách làm ăn nên hiệu quả sử dụng vốn rất tốt, bảo đảm khả năng trả lãi, gốc đúng thời gian theo quy định.

Tính đến ngày 22-4-2019, tổng dư nợ cho vay của Agribank Đắk Lắk đạt 11.109 tỷ đồng, với 58.410 khách hàng. Trong đó dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm trên 90% trong tổng dư nợ cho vay.

Đã từng lâm vào hoàn cảnh phải “vay ngoài” như bà con ở  buôn Tơng Rang A, xã Cư Đrăm, huyện Krông Bông, thậm chí còn phải trả với lãi suất đến 2.500 đồng/1 triệu đồng/ngày nên anh Trương Thanh Tâm (thôn 6B, xã Cư Êlang, huyện Ea Kar) rất thấm thía khi được vay vốn tại Agribank.

Anh Tâm cho hay, trước đây để đầu tư cho 1,5 ha cam, quýt; hơn 1 ha ruộng thì từ tiền phân bón, đến tiền nhân công đều phải vay ở các đại lý trong vùng. Vẫn biết lãi suất như vậy là rất cao, nhiều năm sau khi thu hoạch xong, chở sản phẩm đi bán thì tiền thu về cũng chỉ vừa đủ để trả cho các đại lý. Đến năm 2017 anh được Agribank cho vay 270 triệu đồng nên không những đã hết cảnh chạy vạy vay ngoài mà còn có vốn để mạnh dạn mở rộng sản xuất. Đến nay gia đình anh Tâm đã có 8 ha cây trồng các loại, cho thu nhập cao và ổn định.

Không chỉ tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn chính thống phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh, để góp phần hạn chế "tín dụng đen", mới đây nhất Agribank đã ưu tiên dành nguồn vốn tối thiểu 5.000 tỷ đồng trong cơ cấu tín dụng để cho vay, đáp ứng nhanh nhất nhu cầu vốn đột xuất của người dân tại khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Theo gói vay này, hạn mức mỗi món vay không quá 30 triệu đồng phục vụ các mục đích tiêu dùng hợp pháp, cấp thiết của khách hàng cá nhân, hộ gia đình như chi phí học tập, khám chữa bệnh, mua đồ dùng, trang thiết bị gia đình… áp dụng lãi suất hợp lý, với thời gian xét duyệt và giải ngân ngay trong ngày. Với hạn mức vay vốn được Agribank cung cấp sẵn, khi có nhu cầu, khách hàng trên địa bàn nông thôn hoàn toàn có thể rút tiền nhanh chóng. Đây là giải pháp kịp thời, mang tính nhân văn sâu sắc bởi đa phần người dân sở dĩ “vướng” vào "tín dụng đen" đều do không thể xoay xở kịp khoản tiền lớn trong thời gian ngắn.

Theo Giám đốc Agribank Đắk Lắk Vương Hồng Lĩnh, cùng với toàn hệ thống, Agribank Đắk Lắk đã tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm hạn chế tín dụng đen như triển khai hiệu quả, kịp thời chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP, Nghị định 116/2018/NĐ-CP; đồng thời nghiêm túc thực hiện chương trình tín dụng tiêu dùng đối với khách hàng cá nhân, hộ gia đình của Agribank ban hành đầu năm 2019.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.